(TNO) Gần 20 năm qua, người dân thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) không được tự ý định ngày cưới hỏi. Lệ làng “có một không hai” ở vùng quê này nảy sinh biết bao câu chuyện dở khóc, dở cười.
>> Có hay không lệ làng của các "quan phường" ở Hà Nội ?
>> Rùng rợn hủ tục hiến tế thần linh
>> Những cái chết oan vì hủ tục
>> Bi kịch từ những hủ tục
>> Cưới xin thời bao cấp
Cô dâu không được mặc váy cưới
Người ta thường bảo cưới xin, ma chay hiếu hỷ là công việc trọng đại của đời người, nhưng thị trấn Yên Lạc lại quy ước cụ thể: Không loa đài ầm ĩ, không lẵng hoa, không cổng chào trang trí, cô dâu không được mặc váy cưới và đám cưới chỉ tổ chức trong một ngày.
Theo quy ước, tổ chức việc cưới theo các ngày (tính theo âm lịch): Tháng Giêng vào ngày 16; tháng 10 và tháng 11 vào các ngày 2, 10, 16 và ngày 22. Các tháng còn lại trong năm vào ngày 2 và 16. Lễ chạm ngõ vào ngày 1, 15 âm lịch hằng tháng trong năm.
|
Trước 3 ngày cưới mỗi tháng, chính quyền địa phương tổ chức hội nghị “đặc biệt” tại trụ sở ủy ban nhân dân thị trấn: hội nghị cấp giấy kết hôn cho những cặp đôi cưới cùng đợt. Nếu cặp đôi nào làm trái lại “lệ làng” sẽ không được chứng nhận đăng ký kết hôn.
Những ngày đầu, quy ước kỳ lạ này ra đời khiến người dân hết sức ngỡ ngàng, nảy sinh không ít câu chuyện vừa oái ăm, vừa dí dỏm hài hước.
Bác Sơn (56 tuổi khu 1 xóm Đông, thị trấn Yên Lạc) kể, vào những ngày được cưới, mọi nhà đồng loạt đóng cửa, ngưng bán hàng chạy xô đi ăn đám cưới. Cao điểm có những ngày cả thị trấn có hơn hai chục đám cưới, khu phố chẳng khác gì ngày hội linh đình, cứ ra ngõ là gặp cô dâu chú rể.
“Cháy” cỗ cưới
Bác Sơn bảo, dân quê vốn trọng nghĩa tình nên mỗi khi cưới hỏi gần như mời hết cả làng. Nhưng cả tháng dồn vào 2 ngày để cưới nên bao giờ cũng trùng lặp với các đám khác. Vì thế những ngày này mọi người trong gia đình phải chia nhau đi các đám để không bỏ sót, tránh bị quở trách.
|
Một ngày cả thị trấn có quá nhiều đám cưới nên khó khăn nhất là trong khâu tổ chức, phải đau đầu tính toán lên danh sách khách mời để sắp cỗ sao cho phù hợp nhất.
Thế nên, chuyện thừa hay thiếu cả chục mâm cỗ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Bác Sơn vẫn nhớ hai năm về trước tổ chức đám cưới cho cậu con trai.
Trùng ngày hôm đó, cả thị trấn có 6 đám cưới. Sợ khách không đến đủ nên chỉ lên danh sách 80 mâm. Nhưng không ngờ, càng tối khách lại tới càng đông nên gia chủ bị “cháy” cỗ. Vậy là cả nhà được một phen tá hỏa chạy ngược xuôi sắp thêm đồ ăn để kịp đón khách.
Trước đây, thời chưa có quy ước, trước khi dựng vợ gả chồng, các gia đình thường đi gặp thầy bói “xem ngày lành tháng tốt” để định ngày cưới hỏi. Thế nhưng, từ khi xã ra quy ước về việc cưới, đi xem bói thầy bói hỏi biết là người dân ở thị trấn Yên Lạc thì lập tức bỏ dở, không phán thêm câu gì nữa.
"Chẳng thế, hơn chục năm nay cưới xin có ai đi xem ngày đâu mà. Nghe thầy bói thì lệch ngày không cưới được”, cô Dung, người dân thôn Tiên bộc bạch.
Ở thị trấn Yên Lạc vào mùa cưới, các dịch vụ cưới hỏi nhiều khi cũng bị quá tải. Các đám cưới dồn dập vào 2 ngày trong tháng nên hầu hết cửa hàng phục vụ đám cưới đều trong tình trạng cháy hàng, muốn chắc chắn phải đặt thuê trước cả tháng.
“Cưới xin phải tiết kiệm”
Ông Phạm Văn Luân, Phó chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc cho biết, trước đây khi chưa có quy ước, người dân trong xã tự ý định ngày tổ chức cưới hỏi. Nhận thấy việc các gia đình tổ chức đám cưới rải rác trong suốt tháng… gây lãng phí, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân có đặc thù làm nghề mộc.
Vì thế từ năm 1998 chính quyền đã họp dân ra quy ước chung trong đó có quy định cụ thể về việc cưới với mục đích cao nhất là tiết kiệm chi phí, xây dựng đời sống văn hóa. Quy ước này đã được UBND huyện Yên Lạc phê duyệt.
Ông Luân lý giải, do cưới trùng ngày nên cũng trùng khách mời, như thế giảm bớt số lượng mâm cỗ. Hơn nữa, cả tháng người dân chỉ nghỉ 2 ngày đi ăn cưới, còn lại vẫn lao động sản xuất bình thường nên lại tiết kiệm thêm được sức lao động.
Theo ông Luân, những ngày đầu việc triển khai quy ước gặp nhiều khó khăn, có một vài hộ gia đình “không thoải mái khi chấp hành” nhưng xã cho các cán bộ đảng viên thực hiện trước cho người dân làm theo sau nên dần dần các hộ gia đình đều thực hiện nghiêm túc.
Từ khi được ban hành, quy ước đã qua một lần sửa đổi vào năm 2010 để phù hợp hơn. Theo đó, cho phép cô dâu trong ngày cưới được mặc trang phục váy cưới. Còn trước đó cô dâu chỉ được mặc áo dài.
Việc tiết kiệm đám cưới phải tiết kiệm, gọn nhẹ tránh phô trương, hình thức, có thể tổ chức tiệc trà hay tiệc mặn. Không sử dụng nhạc sống, không làm sân khấu, không dùng loa nén, không làm cổng chào, không dùng lẵng hoa, dùng các loại bóng điện thường thắp sáng. Việc cưới chỉ tổ chức trong phạm vi một ngày, buổi lễ thành hôn cần tổ chức phù hợp với nếp sống văn minh, phần vui văn nghệ trước, trong và sau hôn lễ không tổ chức trước 5 giờ và quá 22 giờ. Tổ chức việc cưới theo ngày (tính theo âm lịch): Tháng Giêng vào ngày 16; tháng 10 và tháng 11 vào các ngày 2, 10, 16 và ngày 22. Các tháng còn lại trong năm vào ngày 2 và 16. Lễ chạm ngõ vào ngày 1, 15 âm lịch hằng tháng trong năm. |
Nguyễn Tuấn
Bình luận (0)