Mùa này, khi Quảng Ngãi nóng muốn “chảy mỡ” thì cuộc chơi vài ngày ở thành phố cao nguyên này là một lựa chọn thú vị.
Giờ xe đang bò trên đèo Violak. Mây bay la đà hai bên sườn đèo, lơ lửng từng mảng dưới những thung lũng. Cảnh sắc thật huyền ảo. Chuyện “hái mây trời” đâu có khó đối với những ai từng vượt qua đèo Violak. Ai đó nói rất đúng rằng muốn “chơi với mùa thu" Kon Tum, trước tiên phải “chới với” cùng con đèo khá hiểm trở này. Anh tài xế tên Huy đùa: cuối khóa học, các trung tâm đào tạo tài xế cứ cho học viên điều khiển xe lên xuống một vòng Violak mà không “bị” gì thì xin mời anh nhận bằng lái.
Con đèo mang tên Violak đã chấm dứt cái thời Quảng Ngãi – Kon Tum gần nhà xa ngõ. Nghe người Măng Đen lao xao trẩy hội sát bên nách, Quảng Ngãi muốn tham dự phải vô Bình Định, ngược lên Gia Lai rồi mới vòng ra Kon Tum. Giờ thì giao thông, giao thương giữa hai tỉnh thuận lợi lắm rồi. Sáng cà phê ở ngã ba Thạch Trụ (huyện Mộ Đức – Quảng Ngãi), trưa đã ngồi ăn cơm lam, gà rán ở Konplong (Kon Tum).
Xe vừa lên đỉnh đèo (cao 1.200 m so với mặt biển), địa đầu Kon Tum là thị trấn Măng Đen hiện ra. Mùa thu và ngàn thông cũng hiện ra. Rừng núi xanh veo, khí trời mát dịu. Nhiều ô tô du lịch rẽ vào khu nhà thờ Đức Mẹ ẩn hiện trong rừng thông. Dù chưa hoàn thiện, khu nhà thờ này vẫn nườm nượp khách viếng. Có thể thấy một tín hiệu vui là Kon Tum vẫn “giữ” được những rừng thông. Và ngàn thông đang trả ơn Kon Tum bằng cách tự nguyện suốt đời làm những chiến binh can trường chống biến đổi khí hậu.
|
Chị Văn Thị Minh Nguyệt, quê Hải Phòng, cho biết quỹ thời gian của chị chỉ có 10 ngày. Và đây là ngày thứ 6, một ngày quá đẹp so với những ngày du lịch trước đó của chị khi được lang thang giữa rừng thông Măng Đen. Chị nói: “Lịch trình của đoàn chị chỉ dành cho Kon Tum một ngày. Nhưng vẻ đẹp ở đây buộc tôi phải tính toán lại. Cũng dễ, vì tôi là trưởng đoàn mà”.
Còn anh Lê Hồ Ngân, từ Sài Gòn ra, thì nói tuyến du lịch của đoàn anh là những thành phố biển miền Trung. Lên Kon Tum chỉ là chợt hứng của bác tài. Vậy mà ấn tượng ghê. Kon Tum vừa mát, vừa đẹp, vừa yên ắng. “Tôi mới gởi ảnh và clip về nhà. Con gái tôi khen nức nở. Bà xã tôi khen, nói anh đi… buông tuồng, trật tuyến, sai quy định lại hóa hay", anh nói.
|
Rời ngàn thông Măng Đen, chúng tôi ghé thác Pa Sỹ. Vì là phố núi nên suối trong phố, thác cũng trong phố. Thác nhỏ thôi nhưng bối cảnh xung quanh xinh tươi và lạ lẫm. Những ngôi nhà sàn khép nép bên đám chuối rừng. Dọc những lối đi nhỏ là bạt ngàn hoa dại. Những căn lều được làm bằng gỗ là nơi du khách sinh hoạt nhóm, ngồi ngắm thác, tắm trong gió ngàn rồi chợt hứng bập bùng ghi ta. Có lẽ vì thế mà khá nhiều du khách các tỉnh lân cận tìm đến, trong đó có cả những bạn trẻ là người bản địa. Đẹp và sạch là điều dễ thấy ở con thác này.
Một du khách người Quảng Nam nói thác to hay nhỏ không quan trọng lắm. Vấn đề là quanh thác phải sạch, không có rác từ những cuộc ăn nhậu thải ra. Thác hùng vĩ, to đẹp mà xung quanh vất vưởng những rác và rác thì ai mà đến. Về điều này, thác Pa Sỹ là nơi có thể tới lần thứ hai.
Thành phố Kon Tum có hàng chục quán cà phê nổi tiếng đẹp và ấn tượng. Nhưng có lẽ Indochine Coffee ở 30 Bạch Đằng là vượt trội nhất. Quán được thiết kế bằng 15 cụm tre thanh nhã, lấy cảm hứng từ những chiếc nơm cá úp ngược. Với lối kiến trúc mở, không có tường ngăn, rất thông thoáng và thanh thoát nên ngồi nơi đây có thể ngắm con sông Đăk Bla xa mờ, những rặng núi chờn vờn sương sớm.
Bình luận (0)