Reuters dẫn nguồn Hiệp hội Nông dân Ấn Độ (BKS) cho biết: Lệnh cấm xuất khẩu gạo được công bố ngày 20.7.2023 ngay giữa vụ gieo trồng đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người nông dân trồng lúa.
Nông dân Ấn Độ thường trồng lúa vào các tháng mùa mưa, bắt đầu từ tháng 6 - 7 và thu hoạch vào tháng 10. Lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể khiến người nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác. Điều này có thể dẫn tới sản lượng lúa gạo của Ấn Độ giảm đến 5% trong năm nay.
Khi giá thế giới tăng nhưng nông dân Ấn Độ không được hưởng lợi cũng là một vấn đề. Chính vì vậy, đại diện BKS kêu gọi chính quyền Ấn Độ phải tăng giá thu mua gạo cho nông dân. Hàng năm, chính quyền Ấn Độ có chương trình "Giá hỗ trợ tối thiểu" đối với các mặt hàng chủ lực như gạo và lúa mì để xây dựng kho dự trữ. Vào tháng 6 vừa qua, Ấn Độ đã tăng giá mua lúa thường vụ mới từ nông dân thêm 7%, lên mức 26,45 USD/100 kg.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với sản lượng bình quân trên 20 triệu tấn/năm; chiếm trên 40% nguồn cung gạo toàn cầu. Nước này cũng có kho dự trữ gạo phúc lợi hàng đầu thế giới, cấp phát gạo miễn phí cho người nghèo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 8.8, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được điều chỉnh tăng thêm 10 USD lên 641 USD/tấn; còn gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam đang ở mức 618 USD/tấn.
Philippines đàm phán mua gạo Việt Nam
Đầu tuần này, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan đã tuyên bố sẽ tranh thủ cơ hội giá gạo cao, đẩy mạnh xuất khẩu để tận dụng cơ hội. Mục tiêu của Thái Lan trong năm nay là xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, tăng gần 1 triệu tấn so với năm 2022.
Trong chiều nay 9.8, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) sẽ họp bàn kế hoạch cụ thể để có thể tận dụng cơ hội thị trường một cách hiệu quả nhất cũng như ổn định thị trường nội địa.
Bình luận (0)