Cuộc va chạm giữa hai nền văn minh
Cultru trình bày trước hết về mối quan hệ Pháp - Việt kể từ thời giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Đại Việt truyền đạo Cơ Đốc hay chuyện thương nhân Pierre Poivre đến Đàng Trong thế kỷ 17; giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) và vai trò của những người Pháp khác như Chaigneau, Vannier… trong việc giúp Nguyễn Ánh chiến thắng nhà Tây Sơn; chính sách của vua Minh Mạng (và Thiệu Trị) đối với ân nhân người Pháp, Cơ Đốc nhân và những nhà truyền giáo.
Tiếp đến là chính sách can thiệp của Pháp đối với Đại Nam thời Tự Đức qua các cuộc tấn công Đà Nẵng, thành Gia Định, cuộc viễn chinh Nam kỳ 1861, người Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, hai bên ký hòa ước Nhâm Tuất (1862). Triều đình Huế phái sứ bộ đi Tây chuộc đất năm 1862 - 1863 nhưng thất bại, người Pháp chiếm tiếp 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ dẫn đến cái chết của Phan Thanh Giản.
Từ các nguồn sử liệu, Cultru lược khảo về các thiết chế chính trị, xã hội và làng xã của người An Nam; đặc điểm tinh thần và thể chất của người An Nam; về luật pháp, tài chính và giáo dục…, các vấn đề cho đến lúc đó những người đi chinh phục chưa có hiểu biết đầy đủ.
Song song với cuộc chinh phạt là nhiệm vụ phải đạt được nền hòa bình và tổ chức lãnh thổ mới. Cultru dành dung lượng khá lớn mô tả tình hình Nam kỳ thời các Phó đô đốc Charner, Bonard (Thống đốc Nam kỳ đầu tiên) nắm quyền, tiếp đến là Nam kỳ thời Phó đô đốc de La Grandière nắm quyền, và những người kế tục ông trong 10 năm tiếp theo (1869 - 1879), sau cùng là những phân tích, đánh giá Nam kỳ thời Thống đốc dân sự đầu tiên Charles Le Myre de Vilers (7.1879 - 11.1882) trên các lĩnh vực chính trị, tư pháp, hành chính, thuế khóa, xã hội, kinh tế, giáo dục.
Về cơ bản, kể từ thời Charner, người Pháp cố gắng thiết lập ở Nam kỳ nền hành chính phù hợp với người dân bản xứ, đặt dưới sự giám sát của chính quyền Pháp và việc cai trị phù hợp với truyền thống của An Nam.
|
Vai trò của các cá nhân
Cuộc chinh phục thành công Nam kỳ dù “không có cả tầm nhìn về tương lai lẫn quan niệm chính trị” theo đánh giá của Cultru là nhờ vào nỗ lực của các cá nhân và một chút may mắn. Trong đó, nổi bật lên vai trò của Charner, Bonard, de La Grandière, Vilers, bi kịch Phan Thanh Giản và nhiều người Pháp khác nữa.
De La Grandière đến Nam kỳ vì bổn phận, và số phận chọn ông là người hoàn thành cuộc chinh phục, thiết lập nền bảo hộ Cao Miên, thiết lập hệ thống chính quyền nền tảng ở Nam kỳ và được duy trì cho đến thời của Vilers. Charner là người bắt đầu thực hiện các cuộc chiếm đóng, ban hành quy chế về chính quyền cấp tỉnh, lập trường đào tạo thông ngôn, quy hoạch và phát triển Sài Gòn, xây dựng công trình công, bệnh viện…; Bonard tiếp nối và điều chỉnh cho phù hợp; de La Grandière hoàn thành công cuộc thuộc địa hóa Nam kỳ bằng mưu lược, bằng đòn tấn công táo bạo dù chịu sự chê trách là “hành động không đúng lúc và non yếu”. Chính sự táo bạo của de La Grandière đã mở ra lịch sử chính quyền của Nam kỳ mà ngày nay chúng ta biết đến với tên gọi Nam kỳ thuộc Pháp.
|
Đầu thập niên 1860, nhà Nguyễn chịu hai đầu xung kích: loạn Tạ Văn Phụng (hay Lê Duy Phụng) thân Pháp ở Bắc kỳ và quân Pháp đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam kỳ. Nhà Nguyễn hy sinh phía nam để diệt “hậu duệ nhà Lê” phía bắc. Phan Thanh Giản trở thành đại diện tiêu biểu nhất cho sự thất bại của nhà Nguyễn trước người Pháp. Nhìn bàn cờ chính trị, nhìn đối thủ ông phải đương đầu, một de La Grandière cơ mưu hơn hẳn Bonard; nhìn về triều đình Huế, về chiến trận hai đầu cầu Bắc - Nam; nhìn về việc bổ nhiệm một quan văn như ông coi Vĩnh Long, về việc ông đặt bút ký hòa ước trong thế kẻ yếu trên bàn đàm phán…, mỗi người sẽ có những đánh giá của riêng mình.
Đến Nam kỳ, Vilers nhìn thấy ngay sự độc tài nơi chính quyền quân sự, khi Thống đốc nắm cả chính quyền, tài chính, tư pháp nhưng không bị giám sát bởi Nam kỳ không có tự do báo chí, không có các đoàn thể được bầu cử… Vì vậy, Vilers tiến hành từng bước các giải pháp để phân nhánh quyền lực, dẫn đến sự ra đời của Hội đồng thuộc địa làm ngân sách tăng vọt. Vilers cũng tổ chức lại hệ thống nhân sự tư pháp và chế độ lương bổng. Và, cải cách hành chính là hệ quả tất yếu.
Qua hơn 400 trang sách, quá trình bình định, cai trị, xây dựng Nam kỳ và chính sách đồng hóa do người Pháp thực hiện trong hơn 20 năm được Cultru trình bày khá chi tiết và mạch lạc dựa trên nguồn tài liệu tham khảo (Tập san, Công báo thuộc địa, hồi ký, phỏng vấn) dồi dào lúc bấy giờ, dù rằng tác giả ít có thao tác phê khảo sử liệu. Lịch sử Nam kỳ thuộc Pháp (từ sơ khởi đến năm 1883) ra đời 110 năm trước, mang đến nhiều thông tin bổ ích trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nguồn tài liệu và các số liệu thống kê (lương bổng, thuế, giá cả, nhân sự, cử tri, thẩm phán…) chi tiết, giúp độc giả và nhà nghiên cứu có được cái nhìn rộng hơn về lịch sử Nam kỳ trên nhiều bình diện.
Bình luận (0)