Tại tọa đàm, lãnh đạo 4 tỉnh gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận cùng chia sẻ thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức liên kết vùng, tiểu vùng nam Trung bộ.
Liên kết mang tính tự nguyện
Trong tham luận mang tiêu đề “Liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho tiểu vùng nam Trung bộ trong bối cảnh mới”, nhóm tác giả đánh giá, tiểu vùng nam Trung bộ có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ ra biển của Tây nguyên và các nước tiểu vùng sông Mê Kông trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, giàu tiềm năng phát triển ngành kinh tế biển đảo, du lịch và dịch vụ. Những năm qua, trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có và sự đầu tư mạnh mẽ của T.Ư, các tỉnh trong khu vực đã có những bước phát triển khởi sắc. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng, quá trình phát triển trong thời gian qua cũng đã bộc lộ những điểm yếu rất dễ nhận dạng nhưng khó khắc phục, như: khả năng thích ứng của nền kinh tế còn thấp, chưa thu hút đầu tư được các ngành có hàm lượng công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn; chất lượng lập, xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa cao, phát triển đô thị còn nhiều bất cập, kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời và đặc biệt việc liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển của tiểu vùng chưa được chú trọng đúng mức để tạo ra các đột phá mới trong tăng trưởng của tiểu vùng.
Một góc đô thị TP.Nha Trang từng ngày phát triển |
Hiền Lương |
Với cách tiếp cận này, nhóm tác giả cho rằng để khắc phục những điểm yếu này và phát triển ngày một năng động, đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây nguyên thì con đường bền vững nhất chính là liên kết xây dựng một vùng kinh tế thống nhất. Khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và toàn vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững trên cơ sở liên kết bình đẳng, các bên cùng có lợi.
Dẫn chứng cho hiệu quả của tính liên kết, ông Hoài Anh, Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, kể câu chuyện Bình Thuận và Ninh Thuận đã phối hợp để giải tỏa làm cao tốc. Hai tỉnh cũng có hệ thống kênh tiếp nước thì có thể điều phối chung để có nước sinh hoạt trong mùa khô hạn. Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, cũng đưa việc địa phương kết nối chương trình hợp tác trong lĩnh vực y tế với TP.HCM. “Chúng tôi có những điểm tương đồng với các trung tâm kinh tế lớn phía nam, đặc biệt là TP.HCM. Trước đây, bệnh viện chúng tôi nhỏ nhoi, nhưng nhờ hỗ trợ của Bộ Y tế, TP.HCM nên đã có bệnh viện hạng 1, nâng cao năng lực y tế và nhân sự”, ông Trần Quốc Nam nói.
Thế nhưng, các đại biểu có mặt tại tọa đàm đều có chung một nhận định là liên kết vùng nam Trung bộ dù được đặt ra khá sớm nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn hết sức rời rạc. Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thừa nhận có thời điểm khâu quy hoạch của các tỉnh chỉ tập trung cho địa phương mình, chưa có không gian liên kết.
Trong bài tham luận được phân tích kỹ lưỡng từ cơ cấu dân số, tăng trưởng kinh tế, PGS-TS Bùi Quang Bình, Trường đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, kết luận dù liên kết phát triển là nhu cầu nhưng trên tổng thể, hoạt động liên kết phát triển của vùng duyên hải miền Trung mới chỉ bắt đầu và chưa tạo ra lực hút liên kết; Hoạt động liên kết mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở duyên hải nam Trung bộ và một số lĩnh vực; giữa bắc Trung bộ và duyên hải nam Trung bộ chưa nhiều hoạt động; Chưa có một chủ thể đứng ra tổ chức và thực hiện liên kết, do đó chưa thể có được cơ chế liên kết phát triển; Thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư; Thiếu phối hợp giữa thẩm quyền quy hoạch và đầu tư; Thiếu sự liên kết trong quy hoạch giữa các tỉnh, thành phố trong mỗi vùng và toàn thể vùng duyên hải miền trung.
Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm |
Thế Quang |
Không thể thiếu một hội đồng vùng
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng để tăng tính ràng buộc liên kết vùng, cần có nghị quyết về liên kết vùng. Trong nghị quyết này, vai trò của Ban cán sự Đảng, hội đồng vùng là điều quan trọng và xuyên suốt. Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông đánh giá: Do không có chính quyền vùng nên phải dựa vào quy hoạch vùng là cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối mọi hoạt động trong vùng. “Cơ chế về hội đồng điều phối vùng cũng cần cân nhắc, cần đưa vào luật, nếu không trái với hiến pháp thì điều chỉnh luật tổ chức chính quyền địa phương. Mục tiêu là hội đồng đủ pháp lý để triển khai thực hiện”, ông Trần Duy Đông lưu ý.
Quan trọng là cái tư duy, quan điểm nhận thức của chúng ta đã thực sự thay đổi. Nếu không có những cái này thì sẽ rất khó để nói là sẽ có những sự liên kết cho dù là từ ở cấp độ của từng địa phương hay của cả tiểu vùng hay vùng và vượt vùng nữa.
Hội đồng vùng cũng là một trong những giải pháp mà PGS-TS Bùi Quang Bình đưa ra. Theo đó, tùy theo điều kiện của bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có thể xây dựng các mô hình thể chế quản trị vùng (hội đồng vùng) phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đây là việc cần thiết vì sự đa dạng trong điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng miền, nhu cầu liên kết vùng, điều kiện hình thành kinh tế vùng rất khác nhau.
“Thực tế ở VN và kinh nghiệm của thế giới cho thấy có thể nghiên cứu thiết lập tổ chức quản trị vùng với một thể chế hoạt động có tính pháp lý cao, có bộ máy tổ chức rõ ràng, có nguồn tài chính độc lập, có các quyền quyết định quy hoạch và điều phối phát triển vùng cao hơn quyền lực của một tỉnh, thành phố trong vùng. Ngoài thể chế chính thức trên, sẽ hình thành các thể chế quản trị, điều phối thúc đẩy liên kết vùng trên cơ sở hình thành các hoạt động kinh tế liên vùng giữa các tác nhân kinh tế (thể chế phi nhà nước) như các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp du lịch...”, ông Bình nói và nhấn mạnh, kinh tế vùng, liên kết vùng chỉ có thể thực hiện được khi có quá trình phân cấp hợp lý giữa T.Ư và địa phương, giữa nhà nước và thị trường với từng vùng cụ thể. Có thể nghiên cứu để thực hiện phân cấp cho hội đồng vùng quyết định tập thể như: quyết định đầu tư; chính sách hỗ trợ, chương trình phát triển; tổ chức hệ thống dịch vụ công; phát triển hạ tầng...
Trong phần giải pháp, Viện Kinh tế xã hội vùng Trung bộ cũng nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế liên kết phát triển vùng, trong đó trao thẩm quyền cho ban điều phối vùng trong việc phân bổ, theo dõi, đôn đốc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển của vùng và địa phương. Củng cố và tăng cường sự phối hợp giữa hội đồng vùng hay ban điều phối vùng với các địa phương trong tiểu vùng. Bên cạnh đó, cơ chế điều phối vùng cần phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự gắn kết, phối hợp trong quá trình xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch và hoạch định chính sách thống nhất giữa các địa phương trong tiểu vùng. Tăng cường cơ chế theo dõi, đánh giá, giám sát và chế tài để ràng buộc các cấp cơ quan địa phương, vùng và T.Ư trong việc thực hiện các chương trình, chính sách liên kết phát triển.
Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh đánh giá buổi tọa đàm rất sôi nổi, thú vị và khoa học từ ý kiến thực tiễn của lãnh đạo các địa phương. Đây là dịp để các cơ quan tham mưu T.Ư có cái nhìn tổng quát, rõ hơn trong việc tham mưu các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa vùng. Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, việc liên kết tiểu vùng và vùng bước đầu đã giải quyết được một số mâu thuẫn giữa các địa phương về thu hút đầu tư, các vấn đề xã hội và phối hợp trong đề xuất chính sách dự án vùng, liên kết vùng.
Bình luận (0)