LMHT: Liệu CKTG có còn là sân khấu riêng của người Hàn ?
Với sự phát triển nhanh đến chóng mặt của Liên Minh Huyền Thoại, trình độ giữa các khu vực đang kéo gần lại hơn rất nhiều, liệu đế chế Hàn Quốc đã đến hồi kết thúc?
Tự động phát
Kể từ khi SKT T1 vô địch Chung kết Thế Giới Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) mùa 3, các giải đấu lớn có mặt người Hàn tham gia gần như chỉ là trận chiến một chiều nhàm chán. Kết quả đã được định sẵn từ trước khi nó bắt đầu, khán giả chỉ xem liệu đội tuyển nào có thể thắng nổi vài trận danh dự. Nhưng kể từ đầu mùa 2015, cán cân đã đổi chiều nhanh chóng.
Với việc mặt bằng chung của người chơi các khu vực dần tiến lại gần nhau, các đội tuyển chuyên nghiệp hơn và nhất là sự di cư ồ ạt của các tuyển thủ Hàn Quốc, xứ sở kim chi dần đánh mất vị thế số 1 của mình trên đấu trường quốc tế. Hai giải đấu gần nhất họ tham gia đều thất bại, thậm chí SKT T1 của Faker cũng thất bại trước Edward Gaming trong trận chung kết Mid-Season Invitational.
Liệu Chung kết Thế Giới mùa 2015 có còn là "chuyện riêng trong nhà" của người Hàn?
Học hỏi và đánh bại đối thủ
Nhìn lại những thành công của người Hàn, chúng ta có thể thấy rằng nó được dựng lên bởi một nền thể thao điện tử quá hùng mạnh. Nếu nói Chung kết Thế Giới giống như World Cup của LMHT thì các đội tuyển đến từ xứ sở kim chi luôn là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch.
Hàn Quốc như Brasil trong bóng đá. Họ sở hữu đầy các tuyển thủ có kỹ năng tuyệt đỉnh cộng thêm một môi trường đào tạo tài năng trẻ tuyệt vời. Trước khi thế giới bắt đầu có các giải đấu lớn, Hàn Quốc đã là thiên đường của thể thao điện tử. Starcraft, Warcraft 3, Starcraft 2 và cả Liên Minh Huyền Thoại, họ đều vượt trội một cách rõ rệt.
Chung kết LMHT mùa 4 tại Hàn Quốc (Ảnh: Gamespot)
Chỉ trừ lần Taipei Assassins hạ gục Azubu Frost ở mùa 2, trong 2 năm kế tiếp người Hàn Quốc đều thống trị tuyệt đối và lên ngôi vô địch dễ dàng. Nếu mùa 3 là màn độc tấu bất bại của Faker thì sau đó đến phiên Samsung Galaxy White phô diễn chiến thuật hoàn hảo.
Có một câu nói rất nổi tiếng rằng trừ khi các đội Hàn Quốc tự loại nhau, còn không cách họ đánh ở vòng bảng hay trận chung kết cũng chả có gì khác biệt. Nhưng tại sao chỉ trong vòng chưa tới một năm, những Fnatic hay Edward Gaming từng thua trắng ván lại có thể đánh sòng phẳng và thậm chí khuất phục được con quái vậy này?
Edward Gaming vô địch MSI 2015 (Ảnh: Riot Games)
Đầu tiên phải nói về vấn đề trình độ. Nếu là người thường xuyên theo dõi các giải đấu lớn trên thế giới, bạn có thể dễ dàng nhận ra cán cân sức mạnh giữa các khu vực. Chúng ta có thể xếp các khu vực chính theo thứ tự như sau: Hàn Quốc > Trung Quốc > châu Âu > Bắc Mỹ > Phần còn lại của thế giới. Tuy Edward Gaming đã chiến thắng SKT T1 nhưng nó vẫn đúng tại thời điểm hiện tại.
Kể từ Chung kết Thế Giới mùa 4, các đội tuyển châu Âu đã có những bước tiến hết sức mạnh mẽ về kỹ năng cũng như chiến thuật. Có thể kể đến Fnatic khi họ đã có những màn trình diễn đầy thuyết phục và chỉ chịu thua sát nút 3-2 SKT T1 tại bán kết Mid-Season Invitational.
Rất nhiều tuyển thủ giỏi đã bắt đầu học hỏi và tiếp thu những chiến thuật, những vị tướng và phong cách chơi từ LCK để rồi hoàn thiện nó cho chính mình. Như trào lưu Hecarim đường trên dùng Trừng Phạt, Fizz theo hướng sát thương vật lý hay Urgot xạ thủ, v.v.
Các đội tuyển bắt đầu có thể thắng trong lượt cấm chọn trước người Hàn, cũng như việc triển khai chiến thuật và cắm mắt kiểm soát bản đồ. Với việc rồng không còn cho tiền, nhịp độ trận đấu chậm lại, nhiều cơ hội để lật kèo hơn là bị Faker hay PawN thống trị đường giữa, mất rồng thua tiền rồi bị lăn cầu tuyết nát bét trước phút 20.
Rồng không còn cho tiền, mất đi lợi thế ban đầu (Ảnh: Riot Games)
Một vấn đề cực kỳ quan trọng khác là sự tháo chạy ồ ạt của các tuyển thủ hàng đầu Hàn Quốc sang nước ngoài. Với đạo luật cấm hai đội tuyển không được cùng một tổ chức, Riot Games đã gián tiếp giảm đi sức mạnh của người Hàn. Mất đi một đội tuyển đồng nghĩa phải cạnh tranh gấp đôi cho một suất thi đấu chính thức, với một môi trường đầy rẫy tài năng trẻ, một tuyển thủ xuống phong độ có thể bị thay thế ngay lập tức và chôn vùi sự nghiệp vĩnh viễn. Vì vậy ra đi tìm một bến đỗ mới là sự lựa chọn đúng đắn.
Đó là còn chưa kể tới chế độ đãi ngộ tốt hơn, không phải tập luyện 12 tiếng một ngày nữa. Lý do toàn bộ đội hình Samsung Galaxy chuyển sang Trung Quốc rất đơn giản, chỉ có một chữ TIỀN mà thôi. Hãy thử tưởng tượng nếu 5 con người Samsung Galaxy White vẫn ở trong một đội, liệu ai có thể thắng nổi họ? Chả phải kỳ Chung kết Thế Giới mùa 2015 lần này mặc nhiên đã có kết quả? Riot Games chắc chắn không muốn điều đó xảy ra chút nào.
Ai đánh bại nổi đội hình này? (Ảnh: Riot Games)
Hàn Quốc vẫn ở trên đỉnh
Tuy nói như vậy nhưng không có nghĩa mọi việc đã ngã ngũ và thế cục một chiều dưới sự thống trị của người Hàn chuẩn bị chấm hết, hay nói chính xác hơn là nó sẽ chẳng bao giờ xảy ra được, chừng nào LMHT còn tồn tại.
Hãy nhìn qua một chút về các ứng cử viên cho chức vô địch Chung kết Thế Giới lần này. SKT T1 hiển nhiên không cần phải bàn. Fnatic mang trọng trách của cả châu Âu có sự phục vụ của hai tuyển thủ trẻ đến từ Hàn Quốc, Huni và Reignover. Hai hạt giống hàng đầu Trung Quốc đều có cốt lõi chính từ đội hình Samsung Galaxy cũ, gần như là xương sống kéo cả đội đi tới thành công.
Chỉ nhìn sơ qua chúng ta đã thấy người Hàn chiếm gần phân nửa quân số các đội tuyển ứng cử viên vô địch, họ là nòng cốt không thể thay thế, con át chủ bài tại Chung kết Thế Giới lần này. Đó là còn chưa nói tới những người khác ít nổi bật hơn. Liệu H2k-Gaming sẽ làm được gì khi không có Ryu? Team SoloMid sẽ thắng trong cuộc chiến tầm nhìn ra sao nếu hỗ trợ của họ không phải là Lustboy?
Ryu, người một tay mang H2k đến CKTG (Ảnh: h2k-gaming)
Mặc dù trình độ giữa các tuyển thủ đã được kéo gần hơn rất nhiều qua thời gian, nhưng điều đó chỉ đúng với những khu vực thông thường, Hàn Quốc vẫn là ngoại lệ. Hãy nhìn cái cách một Huni chưa từng tham gia thi đấu chuyên nghiệp củ hành cả LCS châu Âu, hay Imp giúp LGD Gaming vô địch LPL mùa Hè 2015. Xa hơn một chút là Star Horn Royal Club ở mùa 4 lọt vào chung kết.
inSec từng nói khi thi đấu họ gần như chỉ giao tiếp qua ping vì bất đồng ngôn ngữ, điều đó cho chúng ta thấy trình độ nói lên tất cả và người Hàn vẫn ở chiếu trên so với phần còn lại của thế giới. Chung kết Thế Giới mùa 2015 này rất nhiều khả năng sẽ lại là cuộc chiến nội bộ của các đội đến từ Hàn Quốc, hoặc đội sở hữu tuyển thủ Hàn Quốc mà thôi.
Có tuyển thủ Hàn Quốc, sẽ vô địch
Cuối cùng là cách nhìn nhận và đánh giá về trình độ của chính các tuyển thủ chuyên nghiệp. Có một điều luật bất thành văn là bạn chỉ thực sự giỏi khi đạt được thứ hạng Thách Đấu tại máy chủ Hàn Quốc, gần như tất cả người chơi LMHT đều lấy mục tiêu này để làm thước đo và tiêu chuẩn để vươn lên.
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi kết thúc các giải đấu lớn, các đội tuyển châu Âu, Bắc Mỹ liên tiếp kéo sang xứ sở kim chi đóng quân, cũng như tranh thủ nâng cao trình độ. Chính trong tư tưởng họ cũng công nhận môi trường tại Hàn Quốc tốt hơn và giúp ích rất nhiều cho bản thân. Lấy ví dụ như Westdoor sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được như hôm nay nếu anh ta không được tập luyện tại máy chủ Hàn Quốc, đó là còn chưa tính tới những vấn đề phụ về đường truyền nữa.
Môi trường tốt sẽ sản sinh ra người chơi giỏi (Ảnh: Lolking)
Lời kết
Mặc dù chiến thuật có thay đổi, meta chuyển hướng ra sao đi chăng nữa, người Hàn vẫn luôn đi tiên phong trong mọi vấn đề. Tuy trình độ các khu vực đã gần đạt tới ngưỡng cân bằng nhưng vẫn luôn luôn có ngoại lệ đối với các tuyển thủ xứ sở kim chi.
Tại Chung kết Thế Giới mùa 2015 này, các đội tuyển Hàn Quốc không còn được đánh giá là vô đối như những mùa trước, nhưng khả năng để chiếc cúp danh giá này tuột khỏi tay họ vẫn gần như là con số không. Đơn giản là người Hàn không hề yếu đi, họ chỉ cắt xén một phần sức mạnh và phân phát nó ra cho nền Liên Minh Huyền Thoại thế giới mà thôi.
Bình luận (0)