Ngày 18.10, phần tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi kỳ thi THPT năm 2018 tại Hà Giang chủ yếu tập trung vào bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang. Bà Chính là người duy nhất trong 5 bị cáo không nhận tội.
“Tôi mang tiếng là em Bí thư Triệu Tài Vinh”
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Triệu Thị Chính một mực cho rằng mình chỉ nhờ xem điểm và đề nghị làm rõ lợi ích phi vật chất mà cơ quan công tố quy buộc mình là gì.
"Đề nghị Viện KSND chỉ rõ, tất cả những người nhắn tin cho tôi, tôi không liên hệ với bất kỳ người nào. Các tin nhắn tôi trả lời nếu có, chỗ nào thể hiện tôi nhận hoặc đòi lợi ích vật chất hoặc phi vật chất. Nếu không chứng minh được điều này thì làm sao lại buộc tội tôi”, bị cáo Chính nói và cho biết bản thân đã quá tuổi bổ nhiệm nên không còn gì để “phấn đấu” mà chỉ làm vì tình cảm. “Trước kỳ thi, thầy Sử (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang - PV) nói: chị hết nhiệm kỳ bổ nhiệm rồi, năm nay căng thẳng lắm, chị làm giúp. Nếu có, tôi phải "nhận" từ 7 người nhờ qua ông Sử, chứ không nhận từ ông Triệu Tài Vinh. Tôi cũng mang tiếng là em ông Vinh từ bao năm nay, nhưng tôi lên hiệu trưởng, lên phó giám đốc Sở, ông Vinh có biết đâu”.
Bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, 3 LS đã đưa ra nhiều lập luận chứng minh bị cáo này chỉ nhận xem điểm cho 13 thí sinh, việc cơ quan công tố chỉ vin vào lời khai của một số bị cáo trong vụ án và nhân chứng để buộc tội là làm oan cho thân chủ của họ.
|
“Thương các cháu Hà Giang mình”
Đáp lại bị cáo Chính và các LS, đại diện Viện KSND tỉnh Hà Giang công bố hàng loạt chứng cứ vật chất, là tin nhắn trong điện thoại và số sim mà bị cáo Chính đăng ký sử dụng, đã được Tập đoàn bưu chính viễn thông cung cấp và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an giám định. Tin nhắn đầu tiên là của bà Nga (Sở Tài chính) gửi ngày 29.6.2018: “Bạn à, mình là Nga ở Sở Tài chính, mình có đứa cháu vừa thi 12. Bạn giúp mình với nhé”. Tin tiếp theo là tên, số báo danh, phòng thi, môn thi, số chứng minh thư của thí sinh... Cùng ngày, bà Nga nhắn: “Bạn thông cảm nhé mình biết đang chấm thi căng thẳng nên không dám gọi điện, chỉ dám nhắn tin. Cảm ơn bạn nhiều”. Đến sáng 1.7.2018, bà Chính trả lời: “Hôm nay em mới đọc tin nhắn. Vâng chị ơi em đang làm thi, tối cũng phải ăn cơm cùng đoàn thanh tra Bộ... Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận. Khó khăn lắm chị ạ. Thương các cháu Hà Giang mình. Nhưng quy chế chặt, thanh tra giám sát liên tục, lại chấm bằng máy nữa... có gì chị thông cảm cho em nhé”. Đến 8 giờ 54 cùng ngày, bà Nga tiếp tục gửi tin: “Chị cám ơn nhé. Em cứ xem xét, giúp được đến đâu hay đến đó. Chị biết mà”. Bị cáo Chính nhắn tin trả lời: “Dạ em cảm ơn chị. Em sẽ cố gắng trong khả năng”.
Ngày 26.6.2018, ông Lương Tiến Dũng, Phó bí thư Huyện ủy Bắc Quang, nhắn thông tin về tên, số báo danh, phòng thi của một thí sinh... cho bà Chính. “Nếu có thể chị giúp em với nhé”. Chiều cùng ngày, bị cáo Chính trả lời: “Chị nhận được thông tin rồi. Chị sẽ cố gắng trong khả năng”.
18 giờ ngày 18.6.2018, một người là bà Chúng Thị Chiên nhắn vào máy bà Chính: "Chị có ở cơ quan không hay đi công tác?". Sau đó bà Chiên nhắn tiếp thông tin của một thí sinh tới máy bà Chính.
“Những nội dung tin nhắn này, các LS hiểu là chỉ nhờ xem điểm hay thế nào? Chúng tôi khẳng định đây không phải nhờ xem điểm mà là nhờ nâng điểm”, đại diện Viện KSND tỉnh Hà Giang nói.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, bà Nga ở Sở Tài chính là vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Bà Chúng Thị Chiên là Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang...
Nâng điểm chứ không phải xem
Đề cập đến lợi ích phi vật chất, đại diện Viện KSND tỉnh Hà Giang cho biết, trong 13 thí sinh, có 2 trường hợp là người thân của bị cáo Triệu Thị Chính. "Bản thân bị cáo có lợi đó, nhờ danh sách 13 người này thì người thân của mình cũng được nâng điểm trót lọt, làm mất sự công bằng của người khác”, đại diện Viện KSND nói.
Đáng chú ý, đại diện Viện KSND dẫn lại lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang), văn bản của Sở GĐ-ĐT tỉnh Hà Giang thể hiện, trong quy trình chấm thi môn ngữ văn, bị cáo Hoài sẽ không thể tự nâng điểm nếu không thông qua bị cáo Chính. Trong biên bản làm việc với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, bị cáo Chính cũng khẳng định nếu trong bản sửa phiếu mà không có chữ ký của mình thì không thể nâng, sửa điểm môn ngữ văn. “Điều đó chứng minh bị cáo có khả năng nâng, sửa điểm môn ngữ văn và có vị trí vô cùng quan trọng trong việc nâng sửa điểm môn ngữ văn. Đây cũng chính là lý do mà theo chúng tôi đánh giá thì bị cáo Hoài sẽ không nhận danh sách nâng môn ngữ văn mà chỉ nhận nâng môn trắc nghiệm. Việc nâng điểm ngữ văn phải xin ý kiến bị cáo Chính”, đại diện Viện KSND phân tích và khẳng định: “Với tất cả chứng cứ vật chất, quy trình bị cáo Hoài có khả năng nâng điểm môn ngữ văn. Như vậy, bị cáo Chính nhờ bị cáo Hoài nâng điểm chứ không phải là xem điểm”.
Chiều 18.10, HĐXX tuyên bố kết thúc phần tranh luận để nghị án. Dự kiến 8 giờ ngày 25.10, tòa sẽ tuyên án.
Kiến nghị điều tra gian lận thi THPT năm 2017 tại Hà Giang
Trong phần tranh luận chiều 18.10, LS Hoàng Văn Hướng, bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án hình sự tại tòa với dấu hiệu vi phạm pháp luật trong kỳ thi THPT năm 2017. Trước đó, tại phiên xử ngày 16.10, bị cáo Chính khai đã báo cáo với ông Vũ Văn Sử (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) về việc năm 2017 có những dấu hiệu phạm tội trong công tác thi cử (ông Sử đã xác nhận việc này). Theo LS Hướng, trong kỳ thi năm 2017 ở Hà Giang, có 2 thí sinh là Sùng Văn Đ. và Sùng Văn T. ở H.Xín Mần, thi đỗ vào một trường công an. "Chúng tôi được biết 2 học sinh này được chạy điểm với giá khoảng 500 triệu đồng, đề nghị HĐXX xem xét, điều tra". Đối với vụ án gian lận thi cử năm 2018 đang xét xử, ông Hướng đề nghị HĐXX điều tra những dấu hiệu vi phạm vì không thể có chuyện nâng điểm cho 107 thí sinh mà chỉ bằng tình cảm. Đồng thời, cần xem xét giao dịch ngân hàng của người thân các bị cáo, đặc biệt đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hoài.
|
Bình luận (0)