Vụ thứ nhất, trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kông H'de, H.Kông Chro (Gia Lai) đã phát hiện vụ phá rừng lớn tiểu khu 792 thuộc địa giới hành chính xã Sró. Nhưng khi phát hiện thì đã muộn. Trong vu này, chỉ tính riêng tại hiện trường, đã có khoảng 150 cây gỗ với các chủng loại như: căm xe, bằng lăng… bị đốn hạ. Tổng khối lượng gỗ theo đo đếm ban đầu hơn 30 m3. Số gỗ bị khai thác trái phép đã bị đưa ra đi khỏi rừng, số còn lại chỉ là bìa gỗ, cành nhánh cây và mùn cưa. Sau khi vụ việc này xảy ra, nguyên nhân vụ phá rừng - theo báo cáo là - "do người địa phương vào rừng cưa hạ gỗ về làm nhà"...
Một vụ "rút ruột" rừng khác cũng xảy ra ở H.K'bang thuộc vùng rừng xã Sơ Pai, trên lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai quản lý, bảo vệ. Trong vụ này, 16 cây gỗ có đường kính từ 50 - 80 cm bị cưa hạ nằm ngổn ngang tại nhiều địa điểm trong rừng. Gỗ đã bị vận chuyển trót lọt ra khỏi rừng...
Từ giữa năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên. Song tại Gia Lai, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Nhiều vụ phá rừng cơ quan chức năng không bắt, xử lý được thủ phạm. Gỗ lậu vẫn lọt cửa rừng!
Theo thống kê, Gia Lai có tổng diện tích tự nhiên 1.551.013 ha; trong đó, diện tích rừng hơn 600.000 ha, chiếm 85,5% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp. Giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh này trồng hơn 30.923 ha rừng. Năm 2022 trồng gần 8.000 ha rừng. Nhưng những năm qua, nhiều vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh này.
Điều này không khỏi đặt ra vấn đề có lỗ hổng nào trong công tác quản lý hay không. Khi đem điều này chia sẻ với ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND H.K'bang, ông cũng tâm sự rằng: "Tôi đã yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ có hay không sự tiếp tay của lực lượng bảo vệ rừng khi để lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép". Đó cũng là điều mà dư luận địa phương bấy lâu nay quan tâm.
Bình luận (0)