Lo lợn bệnh 'trung chuyển' qua các tỉnh rồi tuồn vào TP.HCM tiêu thụ

Duy Tính
Duy Tính
12/03/2019 15:10 GMT+7

Trước nguy cơ của dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng lo ngại khi TP.HCM siết điều kiện giết mổ, lợn không đủ tiêu chuẩn sẽ được các thương lái đưa về các tỉnh giết mổ sau đó đưa về lại TP tiêu thụ.

Từ 23 giờ ngày 11.3 đến 4 giờ ngày 12.3, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM đi kiểm tra thực tế hoạt động kiểm soát giết mổ lợn tại 2 lò mổ Xuyên Á (H.Củ chi) và Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn, TP.HCM), đồng thời kiểm tra hoạt động kiểm soát thịt lợn vào chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền.
Đêm 11.3, rạng sáng 12.3, lò mổ Xuyên Á tiếp nhận mổ 900 con lợn, lò mổ Xuân Thới Thượng mổ 1.500 con. Trong khi đó, chợ đầu mối Hóc Môn tiêu thụ 5.000 con/đêm, chợ đầu mối Bình Điền là 2.700 con/đêm.
PGS -TS Phạm Khánh Phong Lan kiểm tra thịt lợn tại chợ đầu mối Hóc Môn rạng sáng 12.3 ẢNH: DUY TÍNH
PGS - TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP, cho biết trong tuần qua, tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng lợn tăng đột biến với 1.000 con, do vậy, cần phải kiểm soát kỹ lưỡng, phòng ngừa lợn bệnh trà trộn đưa vào TP tiêu thụ.
“Về nguy cơ ATTP, virus dịch tả lợn không lây lan qua người, nhưng nguy hiểm là trên đường đi, lợn mang virus và gieo rắc mầm bệnh cho đàn lợn phía nam, đặc biệt là lợn của những hộ nuôi nhỏ lẻ, rất nguy hiểm”, PGS - TS Lan nói.
Cũng theo bà Lan, hiện toàn TP.HCM có 12 điểm giết mổ, trong đó 1 điểm giết mổ gia cầm. Nếu so sánh với các địa phương thì TP.HCM đã có chính sách lập các điểm giết mổ tập trung triệt để nhất và quy trình rất chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh. Việc tập trung giết mổ kiểm soát sẽ đơn giản hơn từ đóng dấu thú y, giấy kiểm dịch, đeo vòng truy xuất nguồn gốc lợn. Sắp tới, TP sẽ siết chặt quy trình giết mổ hiện đại.
Tuy nhiên, còn một điểm nguy cơ nữa là các điểm giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát triệt để. Ban Quản lý ATTP TP sẽ triển khai kiểm tra và xử lý mạnh.
Kiểm soát giết mổ qua camera tại lò giết mổ Xuân Thới Thượng ẢNH: DUY TÍNH
“Một mình TP.HCM làm là không đủ vì nếu TP.HCM siết các điều kiện giết mổ thì đối với lợn bệnh, lợn không đủ tiêu chuẩn, các thương lái sẽ "'né" TP.HCM mà đưa vào các tỉnh khác giết mổ trong điều kiện không đảm bảo điều kiện vệ sinh, sau đó đưa về TP.HCM tiêu thụ. Do vậy, TP.HCM cũng đẩy mạnh kiểm soát chặt các chợ đầu mối”, bà Lan nói.
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục thú y TP.HCM, cũng cho rằng TP.HCM đã vận động thương lái, lò mổ không nhận lợn từ khu vực phía bắc nên lợn chủ yếu về các tỉnh miền tây. Việc trà trộn lợn phía bắc có thể xảy ra tại vựa heo ở các tỉnh. Do vậy, Chi cục thú y kiến nghị các cơ quan T.Ư cần xem xét lại hoạt động của các vựa ở các tỉnh, còn TP.HCM thì siết nguồn gốc chặt và kiểm tra sâm sàng.
Cũng theo ông Phát, khi có thông tin về dịch tả lợn Châu Phi, những ngày gần đây sức mua lợn trên thị trường giảm.
Tại buổi kiểm tra khuya 11.3 và rạng sáng nay (12.3), đại diện các lò mổ, chợ đầu mối đều cam kết không tiếp tay cho giết mổ, tiêu thụ lợn nhiễm bệnh trên địa bàn TP. 

Quy trình nhận lợn vào lò mổ, ra chợ như thế nào?

Theo ông Huỳnh Tất Phát, lợn nhập vào các lò mổ tại TP.HCM chủ yếu từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Phước, Bến Tre và Tiền Giang…
Theo quy định của TP.HCM, lợn giết mổ phải được đưa về lò trước 3 giờ để lợn nghỉ ngơi. Cán bộ thú y sẽ kiểm tra lâm sàng từng xe, lợn xuống thì cán bộ thú y quan sát xem lợn có dấu hiệu bệnh tích, có chấn thương không? Nếu lợn mệt, chết thì phải đưa ra giết mổ riêng.
Thịt lợn sau giết mổ cũng phải được kiểm tra nhằm phát hiện bệnh truyền nhiễm.
Thịt lợn sau giết mổ đạt yêu cầu sẽ được đóng dấu kiểm soát giết mổ, niêm phong xe trước khi chở ra chợ đầu mối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.