Lo ngại mất công nghệ, đại học Mỹ đóng cửa với khoa học gia nước ngoài

Bảo Vinh
Bảo Vinh
06/11/2018 09:48 GMT+7

Trường Y thuộc đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã hoãn chương trình cho nhà khoa học nước ngoài đến nghiên cứu vì lo ngại có thể bị đánh cắp công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ.

Tờ South China Morning Post ngày 6.11 trích email nội bộ của trường Y Johns Hopkins hồi cuối tháng 10 cho biết trường đã hoãn chương trình nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài với hiệu lực tức thì.
Quyết định được đưa ra sau khi Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) bày tỏ lo ngại về mối đe dọa bị đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và các nghiên cứu y sinh.
Email viết rằng trường sẽ không tuyển thêm các nhà khoa học bên ngoài đến nghiên cứu "cho đến khi NIH cảm thấy an toàn khi cho nhà khoa học nước ngoài tham gia các dự án nghiên cứu do chính phủ Mỹ tài trợ".
Trường Y Johns Hopkins sau đó phủ nhận việc hoãn chương trình nghiên cứu và nói email trên chỉ nhằm phản hồi lại lời kêu gọi của Giám đốc NIH Francis Collins yêu cầu xem xét các dự án nghiên cứu có phù hợp với quy định chính sách của NIH hay không.
Hồi tháng 8, NIH bắt đầu điều tra xem liệu những dự án do cơ quan này tài trợ có chia sẻ kết quả nghiên cứu cho chính quyền nước ngoài hay không. Giám đốc Collins khi đó cũng gửi thông báo yêu cầu hơn 10.000 viện nghiên cứu thực hiện cuộc điều tra tương tự.
Theo South China Morning Post, quyết định ngừng cho phép các nhà khoa học nước ngoài đến nghiên cứu ảnh hưởng đến nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc.
Một nhà nghiên cứu y sinh người Trung Quốc họ Trương đang làm việc tại Mỹ cho biết quyết định có thể ảnh hưởng đến 1.000 nhà khoa học nếu kéo dài 1 năm và đa số trong đó là khoa học gia Trung Quốc.
Chương trình chiêu mộ nhân tài khoa học của Bắc Kinh đã bị nhiều cơ quan Mỹ theo dõi kỹ vì nghi ngờ được dựng lên nhằm đánh cắp công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ.
Một báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Úc công bố hồi tuần trước cho thấy Trung Quốc đưa nhiều nhà khoa học thuộc quân đội đến nghiên cứu ở các trường đại học phương Tây trong những năm qua, làm dấy lên lo ngại công nghệ nhạy cảm của các nước này giúp cải thiện năng lực quân sự của Bắc Kinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.