Lo ngại quyền riêng tư của người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
21/01/2021 22:13 GMT+7

Theo tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa, Trường ĐH Luật TP.HCM, dịch Covid-19 vừa qua đã dấy lên sự lo ngại về quyền riêng tư của bệnh nhân và người nghi nhiễm bệnh bị xâm phạm nghiêm trọng.

Ngày 21.1, Trường ĐH Văn Lang tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam”. Hội thảo có khoảng 200 đại biểu tham dự, bao gồm đại diện của Bộ GD-ĐT, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Thông tin -Truyền thông, các sở ban ngành, lãnh đạo tòa án của TP. HCM và một số tỉnh ở khu vực phía Nam, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia pháp lý, y tế, nhà khoa học, giảng viên...

Có xâm phạm quyền riêng tư?

Theo tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, từ thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, có thể thấy rằng người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Họ không chỉ phải đối diện với sự kỳ thị của nhiều người trong xã hội do tâm lý hoang mang và lo lắng.
Về góc độ tâm lý chung của cộng đồng, việc chia sẻ những thông tin, hình ảnh, thậm chí thể hiện sự phẫn nộ là có thể hiểu được. Tuy nhiên, xét từ góc độ pháp lý, người có thông tin bị chia sẻ, bị khủng bố, bị "tấn công", chắc chắn bị tổn thương. Vì vậy, nghiên cứu cơ sở pháp lý về góc độ riêng tư của người bệnh và người nghi nhiễm Covid-19, nghiên cứu ranh giới của việc hạn chế quyền, mối liên hệ cũng như xung đột giữa bảo vệ lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội có ý nghĩa rất lớn trong thời điểm hiện nay.
Theo tiến sĩ Dung, hiện nay không những công bố tình trạng bệnh của bệnh nhân, mà ở Việt Nam còn công bố tiền sử bệnh của bệnh nhân nhiễm Covid-19. Nhiều cơ quan có thẩm quyền nêu bệnh nhân tử vong có liên quan đến SARS-CoV-2 có bệnh nền chi tiết là không cần thiết. Một số trường hợp người dân còn bị kỳ thị khi đến từ nơi người bệnh sinh sống.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Đăng Nguyên

Ngoài ra, đối với những người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, cơ quan công quyền còn công khai lịch trình di chuyển của người bệnh và người tiếp xúc. Điều này tạo nên các ý kiến trái ngược nhau về việc có hay không xâm phạm quyền riêng tư, khi nào thì vì lợi ích cộng đồng mà có thể "hy sinh" quyền riêng tư? 
Trên thực tế, đã có tình trạng thông tin cá nhân và mối quan hệ của người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 bị tung tin thất thiệt. Nhiều trường hợp đã bị cộng đồng mạng săn lùng như "tội đồ" với nhiều suy diễn bình luận, công kích, thậm chí bịa chuyện để xuyên tạc. Nhiều cá nhân lợi dụng sự quan tâm của cộng đồng đã tạo hàng trăm tài khoản mạng xã hội giả mạo đăng tải thông tin của người bệnh để "câu" tương tác. 
"Rõ ràng, quyền riêng tư của bệnh nhân nhiễm bệnh truyền nhiễm trong một chừng mực nào đó vẫn bị xâm phạm. Điều này đến từ ý thức về vấn đề quyền riêng tư của người dùng internet còn hạn chế, khung pháp lý chưa được hoàn thiện lẫn các thiết chế thực thi và xử lý quy định vẫn còn thiếu hiệu quả", tiến sĩ Dung chia sẻ. 

Cần có hướng dẫn về quyền riêng tư

Từ những thực tế hiện nay, tiến sĩ Dung kiến nghị cần cho phép hạn chế quyền riêng tư của bệnh nhân và người nghi nhiễm bệnh trong trường hợp dịch bệnh nghiêm trọng bởi các văn bản dưới luật. Cũng cần có hướng dẫn riêng của Bộ Y tế về quyền riêng tư của bệnh nhân, người nghi nhiễm bệnh truyền nhiễm trong trường hợp dịch bệnh nguy hiểm cho cộng đồng, phân loại nhóm đối tượng để có hướng dẫn phù hợp. Hướng dẫn này cần chi tiết để những người có thông tin bệnh nhân đọc và ứng dụng trực tiếp.
Cũng theo tiến sĩ Dung, cũng cần quy định mức độ dịch bệnh như thế nào thì áp dụng việc công khai thông tin của bệnh nhân như nhà ở, nơi làm việc, học tập, lộ trình di chuyển, mối quan hệ với những người xung quanh. Trong trường hợp dịch bệnh, những người có thẩm quyền có được thông tin bệnh nhân, cần cẩn trọng khi tiết lộ cho những người thân, hoặc nếu có tiết lộ cần hạn chế những thông tin riêng tư như lối sống, mối quan hệ của người bệnh. 

Hội thảo có mặt nhiều bộ ngành cùng các cơ quan ban ngành tại TP.HCM và chuyên gia

Đăng Nguyên

Tiến sĩ Dung cũng cho rằng cần kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi lợi dụng dịch vụ mạng xã hội để xâm phạm quyền riêng tư của người bị nhiễm Covid-19 theo quy định, hoặc trường hợp nghiêm trọng có thể xử lý hình sự.
Thạc sĩ Lê Trần Quốc Công và thạc sĩ Nguyễn Đào Phương Thúy (Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng cho rằng pháp luật Việt Nam về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Trong khi đó, sự phát triển của công nghệ và sự bùng nổ của thế giới mạng, cũng như tình hình phức tạp của dịch Covid-19 khiến cho sự an toàn thông tin của mỗi cá nhân, an ninh quốc gia ngày càng mong manh hơn. Điều này đòi hỏi pháp luật trong nước cần phải chuyển mình mạnh mẽ hơn, tạo ra tấm khiên vững chắc hơn để phòng thủ trước mối nguy hại tiềm tàng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.