Lo ngại sự cố hạt nhân giữa xung đột Nga - Ukraine

Khánh An
Khánh An
05/03/2022 07:35 GMT+7

Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia phía nam Ukraine, sau những diễn biến nguy hiểm khiến nhiều bên lo ngại xảy ra sự cố hạt nhân.

Giới chức Ukraine xác nhận các lực lượng Nga ngày 4.3 đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, sau khi xung đột dẫn đến vụ hỏa hoạn khiến nhiều bên lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân hủy diệt. AFP dẫn thông tin từ Cơ quan Thanh tra quy định hạt nhân quốc gia Ukraine cho hay các đơn vị thuộc Cơ quan Tình trạng khẩn cấp quốc gia Ukraine trước đó đã dập tắt lửa, các nhân viên Ukraine vẫn được làm việc tại nhà máy và chưa phát hiện rò rỉ phóng xạ.

Lửa lóe lên tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào ngày 4.3

REUTERS

Thông tin trái chiều

Trước đó vào khoảng 2 giờ 30 (giờ địa phương) ngày 4.3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo về vụ hỏa hoạn, đồng thời kêu gọi Nga ngừng bắn để phía Ukraine chữa cháy. “Quân đội Nga đang khai hỏa từ mọi hướng nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Lửa đã bùng lên. Nếu phát nổ, nó sẽ lớn hơn gấp 10 lần Chernobyl. Nga phải lập tức ngừng bắn, cho phép lính cứu hỏa tiếp cận, thiết lập vùng an toàn”, ông viết trên Twitter.

Ukraine xác nhận Nga đã chiếm nhà máy điện hạt nhân lớn nhất

Nhiều nhân viên nhà máy và thị trưởng thành phố Enerhodar gần đó cũng thông báo về vụ cháy. “Do kẻ thù liên tiếp nã đạn vào các tòa nhà và các bộ phận, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang bốc cháy”, thị trưởng Dmytro Orlov viết trên Telegram và cảnh báo về mối đe dọa đối với an ninh thế giới.

Trước đó, quan chức này cho hay các lực lượng Ukraine đã chiến đấu với quân Nga tại khu vực ngoại ô thành phố và một đơn vị binh sĩ Nga tiến về phía nhà máy. Nhiều tiếng nổ vang lên và hỏa lực rốc két được ghi nhận vào tối 3.3. Một nhân viên tại nhà máy cũng cho hay binh sĩ Nga bắn vào nhà máy và đến 2 giờ 30 ngày 4.3 (giờ địa phương), lực lượng cứu hỏa vẫn chưa thể đến nơi để dập lửa. Sau đó, người phát ngôn Andriy Tuz của nhà máy cho biết cuộc tấn công đã dừng lại nhưng chưa thể đánh giá toàn bộ tình hình.

Cùng ngày, hãng Sputnik dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho rằng vụ hỏa hoạn là “sự khiêu khích của Kyiv nhằm cáo buộc Nga tạo điểm nóng về ô nhiễm phóng xạ”. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho hay nhà máy đang hoạt động bình thường và khẳng định khu vực này đã đặt dưới sự kiểm soát của Nga từ ngày 28.2. “Tuy nhiên, tối qua tại khu vực tiếp giáp với nhà máy đã có một nỗ lực của chính quyền Kyiv nhằm tiến hành một sự khiêu khích ghê gớm”, Reuters dẫn lời ông phát biểu và cho biết thêm một đội tuần tra Nga bị “nhóm phá hoại của Ukraine” tấn công gần nhà máy.

Nga triển khai lệnh tấn công hạt nhân ra sao?

Nguy cơ

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất tại châu Âu, với 6 lò phản ứng nước áp lực có tổng công suất khoảng 6.000 megawatt, đủ năng lượng cung cấp cho khoảng 4 triệu hộ gia đình. Lò phản ứng đầu tiên được xây năm 1979 và lò gần đây nhất xây năm 1995. Nhà máy nằm ven sông Dnieper, cách nhà máy Chernobyl khoảng 525 km và có tầm quan trọng chiến lược với Nga khi cách Crimea chỉ khoảng 200 km, theo Reuters. Bình thường, nhà máy cung cấp khoảng 20% sản lượng điện cho Ukraine, tương đương gần phân nửa sản lượng điện hạt nhân của cả nước.

Sau sự việc trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga muốn “khủng bố hạt nhân”, đồng thời kêu gọi các nước giúp đỡ. “Không nước nào ngoài Nga từng khai hỏa vào các bộ phận năng lượng hạt nhân… Những xe tăng có khả năng ghi nhận hình ảnh nhiệt nên họ biết rõ đang bắn vào đâu”, ông cáo buộc.

Vụ việc khiến Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đặt Trung tâm Sự cố và khẩn cấp vào chế độ phản ứng 24/24 giờ. Cùng ngày, Tổng thống Zelensky điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson để thông báo. Ông Johnson cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin về “hành động khinh suất có thể đe dọa an toàn cả châu Âu”, đồng thời triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại HĐBA LHQ để thảo luận về sự việc.

Xem nhanh: Diễn tiến ngày thứ 9 của chiến sự Nga-Ukraine

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm đã điện đàm với phía Ukraine và cho hay nhà máy được bảo vệ bởi những cấu trúc chắc chắn và các lò phản ứng đang được tắt một cách an toàn. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ trích Nga bắn vào nhà máy, đồng thời cho rằng sự việc thể hiện tầm quan trọng của việc chấm dứt xung đột, Nga rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine và tham gia nỗ lực ngoại giao.

Tổng thống Ukraine đề nghị gặp trực tiếp Tổng thống Nga

Trong cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp mặt trực tiếp để đối thoại vì cho rằng “đây là cách duy nhất để chấm dứt cuộc chiến”, theo tờ The Guardian.

“Hãy ngồi lại cùng tôi. Chỉ là đừng giữ khoảng cách 30 m như với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron”, ông Zelensky nói, nhắc đến việc Tổng thống Putin từng đối thoại với Tổng thống Macron tại Moscow thông qua một chiếc bàn dài.

“Chúng tôi đang không tấn công Nga và chúng tôi không có kế hoạch như vậy. Ông muốn gì từ chúng tôi? Hãy rời khỏi đất của chúng tôi”, ông Zelensky nói tiếp.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo còn kêu gọi phương Tây gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, cảnh báo rằng nếu Ukraine bị kiểm soát, phần còn lại của châu Âu sẽ bị đe dọa. Ông cũng kêu gọi phương Tây thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine nhưng ý kiến này đã bị gạt bỏ vì một số lãnh đạo phương Tây cho rằng việc này có thể kéo họ vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

“Nếu các vị không đủ quyền để đóng không phận, hãy cấp máy bay cho tôi! Nếu chúng tôi thất thủ, Latvia, Lithuania, Estonia sẽ là những nước tiếp theo. Tin tôi đi”, ông Zelensky cảnh báo.

Cuối ngày 3.3, phái đoàn của Ukraine và Nga có cuộc đàm phán thứ hai tại Belarus và đã đồng ý mở hành lang nhân đạo cho dân thường cùng một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời có thể là tại các khu vực diễn ra sơ tán. Đại diện phía Nga cho hay hai bên đồng ý đàm phán vòng ba trong tương lai gần nhất.

Vi Trân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.