Lập kế hoạch sản lượng điện, cấp than phát điện
Bộ Công thương cho biết, ngày 29.12.2023, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã ký ban hành Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4, 5, 6, 7) năm nay.
Theo EVN, để dự phòng điều hành đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia với tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc các tháng cao điểm mùa khô trong năm nay là 109,183 tỉ kWh.
Trong quyết định phê duyệt, Bộ Công thương giao trách nhiệm cho EVN công bố kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô trong năm nay, bao gồm kế hoạch huy động sản lượng điện từng tháng cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.
Trước 15.3, EVN phải rà soát, cập nhật, báo cáo Bộ Công thương về kế hoạch đảm bảo điện cho hệ thống điện quốc gia (bao gồm cả kế hoạch chuẩn bị nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện), đặc biệt là ở miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm nay với các kịch bản nhằm kiểm soát, ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện, có dự phòng đảm bảo ứng phó với các tình huống cực đoan, sự cố.
EVN tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin liên tục cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tổng công ty Đông Bắc cập nhật nhu cầu nhiên liệu cho sản xuất điện của toàn hệ thống.
Bộ Công thương yêu cầu TKV chủ động phối hợp với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than xây dựng kế hoạch cung cấp than chi tiết cho các tháng cao điểm mùa khô; đảm bảo ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, có dự phòng phù hợp.
TKV chỉ đạo Tổng công ty Điện lực - TKV điều hành quản lý việc bảo dưỡng các tổ máy phát điện, khắc phục kịp thời sự cố tổ máy phát điện (nếu có), đảm bảo vận hành an toàn, liên tục.
23 ngày thiếu điện gây hậu quả "khủng khiếp"
Thông tin tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra ngày 2.1, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An nhắc lại 23 ngày thiếu điện trong mùa khô năm 2023 là "bài học đau xót đối với EVN" và gây ra "hậu quả khủng khiếp" cho nền kinh tế, môi trường đầu tư, uy tín của đất nước.
Người đứng đầu EVN cho rằng, đảm bảo cung ứng điện là nhiệm vụ cam go, thách thức của tập đoàn này trong năm nay và những năm tới. Hiện nay, EVN được giao nhiệm vụ là người mua điện duy nhất trên thị trường, khi xảy ra thiếu điện thì tập đoàn này phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, tổng nguồn cung điện của EVN chỉ chiếm hơn 37%, cộng thêm nguồn cung từ các tập đoàn kinh tế nhà nước như PVN, TKV cũng chỉ chiếm 48%.
Ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh, 52% còn lại chiếm sản lượng rất lớn đang phụ thuộc vào các doanh nghiệp bên ngoài. Nếu các đơn vị sản xuất không tốt sẽ ảnh hưởng đến cung ứng điện cho cả nước. Theo đó, lãnh đạo EVN đề nghị Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực và cơ quan chức năng chỉ đạo sâu sát đối với các doanh nghiệp cung ứng điện bên ngoài.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) bày tỏ lo ngại, cung ứng điện ở miền Bắc trong cao điểm mùa khô năm nay tiếp tục gặp khó và kiến nghị EVN sớm gửi văn bản tới các tỉnh, thành phố có công suất sử dụng điện lớn thông báo khó khăn trong khả năng cấp điện năm nay, để chính quyền các địa phương hỗ trợ EVNNPC trong quản lý phụ tải đối với các khách hàng lớn và triển khai tiết kiệm điện.
Cạnh đó, đại diện lãnh đạo EVNNPC đề nghị EVN tính toán bổ sung mua điện từ Trung Quốc tối đa trong năm nay; đàm phán tiếp tục mua điện qua đường dây Thâm Câu - Móng Cái 110 kV Móng Cái và xem xét kế hoạch mua điện 220 kV ở khu vực Hải Hà, Quảng Ninh để bổ sung nguồn cung ứng điện cho miền Bắc.
Bình luận (0)