Flavonoid là các phân tử có nguồn gốc thực vật có trong thực phẩm có màu sắc rực rỡ như việt quất, dâu tây, rượu vang đỏ và trà.
Các nhà khoa học của các Đại học Penn State, Harvard (Mỹ) và Đại học Queen’s Belfast (Vương quốc Anh) đã tổng hợp số liệu từ hai nghiên cứu tầm xa: Nghiên cứu sức khỏe của các y tá (NHS) và Nghiên cứu theo dõi các chuyên gia y tế (HPFS), để kiểm tra ảnh hưởng của flavonoid đến tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Parkinson.
Thực hiện trên 1.251 người, các nhà khoa học tiến hành đo tỷ lệ hấp thụ từ các loại thực phẩm như táo, việt quất, dâu tây, trà, cam và rượu vang đỏ. Dựa vào các nghiên cứu tầm xa trước đó, các nhà nghiên cứu có thể đo khẩu phần của người tham gia trong 32 đến 34 năm cho đến khi họ qua đời hoặc kết thúc nghiên cứu. Các nhà khoa học cũng định lượng thực phẩm chứa nhiều flavonoid trước và sau khi những người tham gia được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson.
Kết quả cho thấy những người tham gia ăn chế độ giàu flavonoid trước khi được chẩn đoán mắc Parkinson có tỷ lệ tử vong thấp từ tất cả các nguyên nhân. Những người bắt đầu chế độ giàu flavonoid sau khi được chẩn đoán mắc Parkinson cũng được chứng minh có tỷ lệ tử vong thấp hơn những người không ăn chế độ này.
Tiến sĩ Xiang Gao, tác giả nghiên cứu, giáo sư Khoa học dinh dưỡng tại Đại học Penn State, cho biết trên Medical News Today: “Điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, có nhiều trái cây và rau nhiều màu sắc, ví dụ như quả mọng, sau khi chẩn đoán Parkinson có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và cải thiện tỷ lệ sống sót”.
Bình luận (0)