Loại túi ni lông khỏi siêu thị

Mai Phương
Mai Phương
19/10/2019 07:15 GMT+7

Hạn chế túi ni lông, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường đang là chiến dịch của cả Chính phủ và các thành phố, địa phương nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp .

Sử dụng lá chuối, lục bình, dây lát, hộp giấy...

Mục tiêu được UBND TP.HCM đưa ra là cuối năm 2020 các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... sẽ hoàn toàn sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy. Bên cạnh đó, tiểu thương tại các chợ dân sinh cần giảm 50% túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng đến năm 2020. Chương trình chống rác thải nhựa cũng đã được phát động trên toàn quốc vào đầu tháng 6.2019 và khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu, phấn đấu đến 2025 cả nước không dùng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần.
Nhà nước cần tuyên truyền và hỗ trợ như đào tạo cho các đơn vị sản xuất chuyển đổi vì không cần thay máy móc, nhân sự hay tăng thêm điện, nước mà chỉ cần có thêm phụ gia tự hủy trong nguyên liệu sản xuất là có ngay túi tự hủy... Ngoài ra, đã có quy định áp dụng thuế môi trường cho túi ni lông thì phải siết chặt và thực hiện nghiêm thì mới hạn chế được các đơn vị sản xuất
Chị Phan Thị Thúy Phượng, Công ty TNHH sản xuất - thương mại tổng hợp 2 (TP.HCM)
Trước đó, từ tháng 4.2019, nhiều siêu thị đã sử dụng các loại lá chuối, lá lục bình, dây lát, hộp giấy... để bọc thực phẩm bên cạnh túi nhựa thân thiện môi trường (túi tự hủy). Ngày 18.10, khảo sát tại một số siêu thị lớn trên địa bàn TP.HCM như Lotte Mart, Saigon Co.op thì việc sử dụng các sản phẩm trên vẫn được duy trì. Nhưng các loại vật liệu này chỉ được sử dụng bao gói một số lượng sản phẩm nhỏ như rau thơm, bí đao, khổ qua... Chị Ngọc An, một khách hàng đang lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Lotte Mart (Q.7), cho biết rất thích khi siêu thị dùng lá chuối gói rau, quả. Bên cạnh đó, quầy rau củ organic được đựng trong các hộp bằng giấy cũng thu hút khách hàng. “Nhưng loại hàng hóa được bọc bằng lá chuối hay đựng trong hộp giấy không nhiều. Nếu có thêm sản phẩm được bao bọc bằng các sản phẩm tự nhiên thì người đi mua hàng luôn thích”, chị Ngọc An nói.
Thực tế, so với khối lượng hàng hóa khổng lồ trong các siêu thị thì những bó rau thơm, quả bí đao ấy như “muối bỏ biển” giữa một rừng các loại bao bì ni lông, nhựa. Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, từ 2011, hệ thống siêu thị Co.opmart đã thay thế 100% túi nhựa bằng túi ni lông thân thiện với môi trường. Trong năm 2019 hệ thống siêu thị này đã sử dụng nhiều vật liệu thân thiện với thiên nhiên để gói hàng và vẫn đang tiếp tục từng bước hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thuyết phục được người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông. Tiếp theo là nguồn nguyên liệu tự nhiên thay thế cần phải đảm bảo nguồn gốc, chất lượng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi đưa vào bao gói. "Co.op đã thay bao gói thực phẩm bằng lá chuối, thay ống hút nhựa bằng ống hút giấy... Tuy nhiên chúng tôi đang từng bước áp dụng lộ trình phù hợp vì còn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất mặt hàng này và thói quen tiêu dùng. Phải để cho DN sản xuất đủ thời gian để chuyển đổi, từ đó tạo ra nguồn thay thế phù hợp”, ông Đỗ Quốc Huy chia sẻ thêm.

Ròng rã thuyết phục người dùng

Nếu chỉ để thay thế túi ni lông tại các siêu thị, trung tâm thương mại thì có lẽ mục tiêu này sẽ không quá khó. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định túi ni lông nói riêng và lượng rác thải nhựa nói chung phần lớn được sử dụng ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, quán ăn vỉa hè... Vì vậy bên cạnh việc loại bỏ túi ni lông ở các siêu thị thì làm thế nào để thay thế túi ni lông ở khu vực chợ truyền thống cũng cực kỳ quan trọng.
Chị Phan Thị Thúy Phượng, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH sản xuất - thương mại tổng hợp 2 (TP.HCM), kể lại hành trình thuyết phục tiểu thương ở các chợ chuyển sang sử dụng túi ni lông phân hủy sinh học của công ty theo chương trình của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM phát động. Từ năm 2011 chị đã tham gia cuộc vận động này ở các chợ nhưng phải bỏ cuộc vì không có ai tham gia. Đến 2014 chị lại tiếp tục nhưng cũng thất bại do bị chê giá cao. Từ năm 2017 đến nay, mỗi ngày chị vẫn đến các chợ Phùng Hưng, Nguyễn Tri Phương... để năn nỉ, thuyết phục người bán hàng dùng túi thân thiện với môi trường và kết quả ngày càng khả quan hơn. Nếu như trong năm 2017 - 2018, mỗi tháng công ty chỉ bán được từ 200 - 300 kg túi ni lông phân hủy sinh học thì nay lượng đặt hàng đã tăng lên bình quân 700 - 800 kg. Ngoài việc ý thức người dân về bảo vệ môi trường đang gia tăng thì giá thành của bao bì tự hủy cũng giảm xuống khiến việc thuyết phục của chị trở nên dễ dàng hơn.
Hiện nay TP.HCM có 2.000 - 3.000 cơ sở sản xuất túi ni lông, nên vận động, tuyên truyền để họ chuyển sang sản xuất túi phân hủy sinh học. “Nhà nước cần tuyên truyền và hỗ trợ như đào tạo cho các đơn vị sản xuất chuyển đổi vì không cần thay máy móc, nhân sự hay tăng thêm điện, nước mà chỉ cần có thêm phụ gia tự hủy trong nguyên liệu sản xuất là có ngay túi tự hủy. Đồng thời, phải khuyến khích và nhanh chóng cấp giấy chứng nhận sản xuất túi thân thiện môi trường cho các đơn vị khi tham gia sản xuất”, chị Phượng đề xuất.

Siết thuế?

Từ đầu năm 2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi ni lông được tăng từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg, việc này được coi là để góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi ni lông khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, ở VN mỗi hộ gia đình sử dụng trung bình khoảng 1 kg túi ni lông/tháng. Riêng Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và ni lông. Như vậy, nếu đánh thuế bảo vệ môi trường đầy đủ thì ngân sách nhà nước sẽ có thêm nhiều chục nghìn tỉ đồng mỗi năm. Thế nhưng theo số liệu Bộ Tài chính công bố thì số tiền thu thuế bảo vệ môi trường từ túi ni lông rất thấp. Cụ thể, số thuế thu đối với kim ngạch nhập khẩu túi ni lông năm 2016 là 20,1 tỉ đồng, năm 2017 là 22,7 tỉ đồng và số thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông sản xuất trong nước năm 2016 khoảng 56 tỉ đồng và năm 2017 là khoảng 54 tỉ đồng. Đây là con số quá nhỏ khiến nhiều người băn khoăn, phải chăng đang có hiện tượng thất thoát nghiêm trọng trong việc thu thuế bảo vệ môi trường với túi ni lông?
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nhận xét dù giá các loại túi ni lông tự hủy đã giảm nhưng vẫn cao hơn túi thông thường. Trên thị trường, nhiều người bán hàng ở chợ chủ yếu sử dụng các loại túi chỉ dưới 20.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ hơn 10.000 đồng/kg nên rất khó để thuyết phục họ chuyển sang mua loại túi cao gấp 2 - 3 lần. "Tại sao thuế bảo vệ môi trường là 50.000 đồng/kg thì túi ni lông chỉ bán có giá hơn 10.000 đồng/kg? Vậy các DN đã không đóng thuế hay cơ quan thuế không thể thu được?", ông Phú đặt vấn đề và cho rằng, để loại bỏ túi ni lông hay các loại rác thải nhựa, nhà nước phải xây dựng bài toán với lời giải cấp bách và lâu dài. Trong đó sử dụng cả biện pháp giáo dục, tuyên truyền lẫn chính sách kinh tế. Chẳng hạn như với các cơ sở sản xuất túi ni lông đa số là nhỏ lẻ theo hộ kinh doanh, chỉ đóng thuế khoán rất ít thì phải buộc lên DN và dần dần có lộ trình chuyển đổi sản xuất. Nếu không thì bị cấm sản xuất. Đặc biệt việc thu thuế bảo vệ môi trường phải được thu đủ để theo đúng mục tiêu là hạn chế túi ni lông. Vì khi đó giá túi ni lông tăng cao lên 50.000 - 60.000 đồng/kg thì rõ ràng túi nhựa tự hủy không bị áp thuế bảo vệ môi trường sẽ rẻ hơn và người tiêu dùng sẽ dễ dàng lựa chọn mà không từ chối như hiện nay. Ngoài ra có thể nghiên cứu thêm chính sách giảm thuế, phí cho các đơn vị sản xuất túi tự hủy để các DN này cố gắng hạ giá thành, đưa sản phẩm có sức cạnh tranh cao hơn nhằm nhanh chóng phổ biến rộng rãi trên cả nước.
GS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ - Quản lý môi trường, ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhấn mạnh việc sử dụng các loại túi tự hủy phải được tuyên truyền và phân loại rõ.
Phải đúng là loại túi phân hủy hoàn toàn chứ không chỉ là loại tan rã sau một thời gian ngắn. Bởi vì khi tan rã thành từng mảnh ni nông nhỏ hoặc còn bụi mịn thì cũng nguy hại cho môi trường. Các mảnh ni lông nhỏ nếu không được phân hủy hoàn toàn và khi còn nằm sâu trong lòng đất vẫn nhiễm vào thực vật, động vật và từ đó lan truyền sang cho con người.
Ngoài việc đề ra mục tiêu loại bỏ túi ni lông trong các siêu thị, chính quyền TP.HCM nói riêng và Chính phủ cần phải có giải pháp hạn chế tối đa dùng bao bì nhựa trong sản xuất khi đóng gói sản phẩm vì đây là nguồn cung rất lớn ra thị trường và sẽ đến tay người dùng.
Nếu không hạn chế thì từ đó nguồn chất thải nhựa vẫn tràn ngập môi trường. Việc tuyên truyền, kêu gọi cần đi kèm hình thức chế tài cụ thể theo lộ trình và áp dụng cho cả đơn vị sản xuất lẫn người tiêu dùng. Từ đó mới mong đạt được mục tiêu giảm thải rác nhựa bừa bãi khắp nơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.