Loạn 'xã hội đen' ở Phú Quốc: Do buông lỏng quản lý đất đai thời gian dài

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/12/2022 13:53 GMT+7

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Dương Thành Bình cho biết dù đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu ngăn chặn việc dùng băng nhóm "xã hội đen" giải quyết các tranh chấp đất đai nhưng chuyển biến còn chậm.

Trưởng ban Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình vừa có báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong 2 tháng 10 - 11.2022 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện trường vụ dùng băng nhóm xã hội đen giải quyết tranh chấp đất đai tại xã Cửa Dương, H.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang hôm 27.10

chụp màn hình

Liên quan tình hình khiếu nại, tố cáo, ông Bình cho biết, thời gian qua trên địa bàn cả nước xảy ra một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, trong số đó có nhiều vụ việc xuất phát từ tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đến đất đai, khai thác mặt nước.

Dẫn vụ việc dùng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết tranh chấp đất tại xã Cửa Dương, H.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang hồi cuối tháng 10 vừa qua, ông Bình cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên “phần lớn do công tác quản lý đất đai của chính quyền cấp cơ sở bị buông lỏng trong thời gian dài”.

Cạnh đó, còn có tình trạng một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; người dân lợi dụng sự buông lỏng quản lý, lợi dụng kẽ hở của pháp luật tự ý bao chiếm đất công, đất rừng…

Theo Trưởng ban Dân nguyện, thời gian qua, lực lượng công an địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.

Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng việc thực hiện giao đất, giao rừng còn chậm trễ, có trường hợp còn có sai phạm dẫn đến khó khăn trong công tác giải quyết tranh chấp, xử lý triệt để đối với trường hợp vi phạm.

Ông Bình cho biết, về việc này, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang cần tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý nghiêm đối với trường hợp xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm đất công, đất rừng; và chỉ đạo lực lượng công an ngăn chặn và xử lý kịp thời trường hợp dùng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân nhưng chuyển biến còn chậm.

Diễn biến mới vụ nổ súng kinh hoàng ở Phú Quốc Bắt thêm 6 bị can

Vụ nổ súng tại Phú Quốc làm 2 người tử vong: Bắt thêm 12 nghi can, thu giữ súng, đạn

5 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cũng cho biết, trong kỳ báo cáo tại các địa phương xảy ra 15 vụ việc vi phạm trong quản lý đất đai, trong đó có 11 vụ việc cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính, 4 vụ việc cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy cứu trách nhiệm hình sự những người sai phạm.

Cạnh đó, xảy ra 16 vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường, các cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động, yêu cầu khắc phục hậu quả và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lên đến hàng tỉ đồng.

Ông Bình cũng nhấn mạnh 5 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự tại các địa phương, gồm: vụ việc liên quan đến việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án dự án chỉnh trang, phát triển đô thị và quy hoạch khu dân cư khối 2, P.Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn, Lạng Sơn;

Vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đi qua TP.Hà Nội, tỉnh Hưng YênHải Dương;

Vụ việc khiếu tố phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến việc đạt trạm thu phí BOT Bờ Đậu, tỉnh Thái Nguyên;

Vụ việc chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy, Tiền Giang chậm sửa chữa, khắc phục hư hỏng nặng ở nhiều vị trí, không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông;

Vụ việc đình công của công nhân của Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam ở Phú Thọ (14 - 16.9.2022)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.