'Logan': Lời tạm biệt đượm buồn sau 17 năm của Hugh Jackman
03/03/2017 14:29 GMT+7
Được dán nhãn R ở Mỹ và 18+ ở Việt Nam bởi tính bạo lực dữ dội của những pha chiến đấu sống còn, thế nhưng, điều khiến khán giả khắc khoải về bộ phim Logan lại chính là sự buồn bã của những lời tạm biệt.
Tự động phát
Đây chính là bộ phim đánh dấu thời điểm khán giả chia tay với Hugh Jackman trong vai trò Người sói nói riêng và nhiều diễn viên khác từng thủ vai các dị nhân nói chung của loạt phim X-Men.
Phần phim được đánh giá cao nhất
Có lẽ, trong lịch sử ra đời 10 bộ phim về X-Men từ năm 2000 đến nay, chưa từng có phần phim nào được giới phê bình và công chúng quốc tế đánh giá cao như Logan. James Mangold, đạo diễn của phần phim này, trước đó chỉ mới từng thực hiện duy nhất một phần là The Wolverine, bộ phim riêng về người sói Logan.
Tuy nhiên, trái với sự thất bại của tác phẩm ra mắt vào năm 2013 ấy, Logan của lần này đánh dấu một sự lên tay trong phong cách chỉ đạo, cách kể chuyện cũng như sự thẩm thấu về mặt tinh thần của James Mangold về thế giới của những dị nhân. Có lẽ, chính việc bộ phim này đánh dấu sự "về hưu" của Hugh Jackman đối với hình tượng Wolverine đã góp phần tạo ra xúc tác khiến cả James Mangold lẫn ê kíp làm phim có được nhiều cảm xúc hơn, từ đó mà trau chuốt hơn, chỉn chu hơn, và đặt nhiều tâm huyết hơn cho sự hình thành ra nó.
Logan, không cần phải đợi đến khi công chiếu chính thức tại Bắc Mỹ, trước đó đã từng được giới phê bình tung hô nhiệt liệt vì là một tác phẩm ngập tràn cảm xúc. Và dù là một bộ phim được dán nhãn R với vô vàn cảnh máu me, trong đó có cả những cảnh cô bé diễn viên 12 tuổi Dafne Keen trong vai Laura tham gia nhiều phân đoạn bạo lực dữ dội, thì tác phẩm vẫn được xem là một bộ phim đầy chiều sâu với cấu tứ rõ ràng, bố cục gọn ghẽ, thắt mở nhịp nhàng. Không chỉ vậy, Logan còn chính là phần phim giúp hãng Marvel "thay đổi bàn cờ" của thế giới dị nhân, khi gửi lời chia tay đến thế hệ dị nhân cũ và chào đón mới thế hệ dị nhân mới ra đời, hứa hẹn nhiều điều khác biệt.
Với những ai từng là fan của dòng phim X-Men nói chung và người sói Wolverine nói riêng, đây là một bộ phim buồn bã đến nao lòng. Chứng kiến Hugh Jackman, nay đã gần ở độ tuổi ngũ tuần, bắt đầu chậm chạp và mệt mỏi hơn rất nhiều so với những hình ảnh ngày xưa, có lẽ không ai có thể khỏi chạnh lòng. Dẫu biết việc xây dựng hình tượng Logan có phần yếu ớt và bệ rạc chính là một trong những chủ ý của các nhà làm phim nhằm hướng đến một cái kết chuyển giao giữa hai thế hệ, nhưng khi xem, người ta vẫn không thể ngăn chính mình liên hệ đến chính Hugh Jackman ngoài đời. Bởi ai rồi cũng phải già đi, và chúng ta không thể cứ đóng mãi một vai diễn được. Wolverine là một nhân vật bất tử, nhưng Hugh Jackman thì không.
Có nhà phê bình nào đó đã nói, Logan là một bộ phim khiến bạn cảm thấy như tuổi trẻ của chính mình đang trôi qua trước mắt. Quả đúng như vậy thật. Tất cả những cuộc chiến kia, tất cả những màn truy đuổi ấy, tất cả những trận so vuốt được dàn dựng tuyệt vời, xét cho cùng, vẫn chỉ để cho khán giả thấy rằng thời gian thật tàn khốc. Và đôi khi, để hướng đến những điều mới mẻ hơn, người ta phải từ giã một vài điều cũ kỹ.
|
Dùng bạo lực để chống bạo lực
Trong Logan, bằng cách này hay cách khác, đạo diễn James Mangold từng nhiều lần nhắc đến bộ phim Shane, một tác phẩm điện ảnh tuyệt vời về chủ đề miền viễn Tây, ra mắt vào năm 1953. Shane là một bộ phim khai thác chủ đề về bạo lực một cách trần trụi, trực diện nhưng cũng đầy sự chiêm nghiệm về mối quan hệ của con người trong xã hội với nhau. Và hệ tư tưởng của tác phẩm này cũng được James Mangold và ê kíp biên kịch kế thừa rất hoàn hảo, tạo nên "xương sống" cho bộ phim Logan cũng như xây dựng "bàn cờ" mới trong thế giới dị nhân.
Một đoạn trích dẫn từ bộ phim Shane mà nhân vật Laura đọc ở cuối phim, trước khi chia tay tất cả những bạo lực để đi tìm chốn dung thân mới, và xây dựng cuộc đời lại từ đầu. Đoạn trích này ngụ ý ám chỉ đến tinh thần phản bạo lực của cả bộ phim Logan, của chính nhân vật Logan, và cũng là điều mà anh muốn gửi gắm đến cô con gái của mình. Dù được thể hiện với bất cứ hình thức nào, đúng hay sai, dù với danh nghĩa hay mục đích gì, thì bạo lực vẫn để lại trong ta một vết sẹo. Một vết sẹo sẽ ở cùng ta đến hết đời, không thể nào xóa bỏ được. Và cách duy nhất để thế giới được yên bình, đó chính là kiên quyết từ chối trước những hành động bạo lực. Và tư tưởng này chính là lý do vì sao chúng ta có thể gọi Logan là một bộ phim dùng bạo lực để chống bạo lực.
Dẫu vậy, vẫn có một số ý kiến khán giả cho rằng cái bạo lực trong Logan được mô tả trần trụi quá, dữ dội quá, đau lòng quá, điều đó đáng lẽ nên được giảm nhẹ đôi chút để bớt gây ám ảnh với khán giả xem phim. Tuy nhiên, đây dù sao cũng là một lựa chọn mang tính phong cách của James Mangold, anh đã đi theo và có trách nhiệm với lựa chọn này, để mang đến được cho khán giả một bộ phim hoàn hảo, trọn vẹn nhất về chân dung người sói. Cả đời Wolverine đã từ chối bạo lực nhưng bằng cách này hay cách khác, anh vẫn luôn bị lôi kéo vào những trận chiến đẫm máu (kể cả ở bộ phim), và đó chính là điều khiến thế giới này trở nên chẳng thể nào hiểu nổi.
|
Bình luận (0)