Lăng kính bạn đọc:

Lời cảnh tỉnh về ứng xử khi va chạm giao thông

Đình Huân
Đình Huân
14/08/2024 05:44 GMT+7

Vì một mâu thuẫn nhỏ trong lúc tham gia giao thông, người đàn ông đã có hành vi quá khích khi truy đuổi, đập phá ô tô và ép tài xế xe khác quỳ gối xin lỗi giữa đường. Hành vi côn đồ này bị dư luận lên án mạnh mẽ và đề nghị pháp luật xử lý nghiêm.

Như Thanh Niên thông tin, Công an TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã tạm giữ người đàn ông chặn đầu xe, đập vỡ kính ô tô, đe dọa, bắt tài xế xuống xe quỳ xin lỗi. Trước đó, khoảng 13 giờ ngày 11.8, camera của nhà dân trên đường Nguyễn Chí Thanh (P.Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) ghi lại vụ việc người đàn ông đi trên ô tô 4 chỗ đã chặn xe 7 chỗ chạy cùng chiều, rồi lấy khúc xương khô bên đường đập vỡ kính, đe dọa tài xế. Sau khi đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội, Công an TP.Thủ Dầu Một vào cuộc điều tra, xác định người đàn ông dùng khúc xương khô đe dọa tài xế là ông Trần Tấn Phong (46 tuổi, ngụ P.Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một).

Qua xác minh ban đầu, vào trưa cùng ngày, ông Phong chạy xe 4 chỗ trên đường Nguyễn Chí Thanh. Khi chuẩn bị rẽ vào đường Lê Chí Dân (P.Hiệp An), xe của ông Phong chạy phía sau xe 7 chỗ do anh S. điều khiển. Do anh S. điều khiển xe chạy vận tốc hơi chậm nên ông Phong cho rằng anh S. cản trở xe của mình rẽ vào đường Lê Chí Dân. Lúc này, ông Phong vượt xe lên rồi chặn đầu xe 7 chỗ, buộc anh S. phải cho xe chạy lên vỉa hè.

Sau đó, ông Phong cho xe ép sát xe 7 chỗ, rồi xuống xe chửi bới anh S., đồng thời lấy 1 khúc xương khô trên vỉa hè đập vỡ kính xe anh S. Mặc dù anh S. van xin và nhiều người can ngăn nhưng ông Phong vẫn cầm khúc xương đe dọa buộc anh S. phải quỳ xin lỗi.

Lời cảnh tỉnh về ứng xử khi va chạm giao thông- Ảnh 1.

Công an làm việc với ông Phong về vụ việc đập kính ô tô, bắt tài xế quỳ xin lỗi

CÔNG AN CUNG CẤP

Quá côn đồ, cần xử nghiêm

Hành vi côn đồ, coi thường pháp luật và xem thường nhân phẩm người khác của ông Phong bị lên án gay gắt. "Hành vi quá hung hăng, coi thường pháp luật như vậy cần phải bị trừng trị nghiêm khắc. Cần áp dụng hình phạt cao nhất cho tất cả các tội danh liên quan như làm nhục người khác, hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng. Không thể để những kẻ côn đồ này tiếp tục hoành hành và coi thường pháp luật như thế này được", bạn đọc (BĐ) Thái Hạo bức xúc.

Cùng quan điểm, BĐ Đặng Đạt ý kiến: "Tôi đã xem đoạn clip và thật sự không thể chấp nhận được hành vi hung hăng, côn đồ của người đàn ông lớn tuổi kia. Pháp luật cần xử nghiêm. Phải nói là anh tài xế trẻ rất bình tĩnh, nếu gặp phải một người khác nóng tính hơn thì hậu quả có thể rất nghiêm trọng".

Còn BĐ Trang Nguyên viết: "Dạo gần đây, thật đáng buồn khi thấy nhiều người có xu hướng sống hung hăng, thích thể hiện sức mạnh bằng bạo lực. Hành động bắt người khác quỳ giữa chốn đông người là một sự sỉ nhục không thể chấp nhận được. Hy vọng chính quyền sẽ có biện pháp trừng phạt thích đáng đối với người đàn ông côn đồ này. Nếu không xử lý nghiêm minh, không làm gương cho xã hội thì sẽ không có tác dụng giáo dục".

Lời cảnh tỉnh về ứng xử khi va chạm giao thông- Ảnh 2.

Trước sự đe dọa của ông Phong, anh S. phải quỳ xin lỗi

CHỤP MÀN HÌNH

"Cần thiết phải tăng nặng hình phạt đối với những hành vi phá hoại và làm nhục người khác. Các mức phạt hiện tại đã không còn đủ sức ngăn chặn những hành vi tiêu cực này", BĐ Thanh Phạm thẳng thắn.

Cần ứng xử văn minh khi tham gia giao thông

Nhiều ý kiến cũng cho rằng vụ việc này là một lời cảnh tỉnh về vấn đề văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông. "Cần nâng cao ý thức, kiềm chế cảm xúc và giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp ôn hòa, tránh để xảy ra những hành vi bạo lực đáng tiếc", BĐ Duy Xuân lưu ý.

Cùng quan điểm, BĐ Thanh Hòa ý kiến: "Hành động đập vỡ kính xe, ép tài xế quỳ gối chỉ vì va chạm giao thông đã khiến ông Phong phải đối mặt với nhiều hậu quả pháp lý. Đây là bài học đắt giá về việc kiểm soát cơn nóng giận và ứng xử văn minh khi không may xảy ra va chạm trên đường".

"Khi tham gia giao thông, chúng ta nên nhường nhịn lẫn nhau để tránh xung đột. Không may xảy ra va chạm, nếu thiệt hại nhỏ thì nên bỏ qua, còn nếu thiệt hại lớn thì hãy để cơ quan chức năng giải quyết. Việc cãi vã, rồi dùng sức mạnh để ép người khác quỳ gối là hành vi không thể chấp nhận được. Đây là bài học cho nhiều người", BĐ Lê Sơn ý kiến.

"Trong cuộc sống, nếu không có vấn đề gì quá nghiêm trọng, chúng ta nên học cách bỏ qua để giữ hòa khí. Đặc biệt khi tham gia giao thông, tôi luôn ưu tiên nhường nhịn, kể cả khi không rõ ai đúng ai sai, tôi cũng sẵn sàng chịu thiệt một chút để tránh phiền phức. Nếu mỗi người đều có cách ứng xử như vậy, chắc chắn sẽ giảm thiểu được rất nhiều rắc rối không đáng có", BĐ Minh Đức nêu quan điểm.

Mong cơ quan chức năng nghiêm trị để làm gương cho nhiều người khác.

Nguyễn Sơn

Mọi tranh chấp đúng sai đã có cơ quan chức năng giải quyết, không việc gì phải dùng đến bạo lực kiểu giang hồ, thiếu văn hóa như vậy.

Quỳnh Lê

Cuộc sống không tránh khỏi những va chạm, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, cần giữ bình tĩnh để tránh làm sự việc trở nên nghiêm trọng rồi phải hối hận về sau.

Thanh Sơn


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.