Đau thương là điều không thể tránh khỏi đối với 3 gia đình có người thân mất tích trong vụ chìm tàu câu mực QNa 91928 TS. Nhưng có lẽ ám ảnh nhất là lời nói của Lê Thị Tiểu Nhi (20 tuổi) con gái đầu của ngư dân Lê Văn Phường đang bị mất tích.
Tiểu Nhi cùng mẹ, ông bà nội ra bến tàu để ngóng tin cha. Lần lượt từng người bước xuống tàu, nhưng không có hình bóng cha mình. Lúc đó, hy vọng le lói cuối cùng về một phép màu tắt lịm.
Cũng là lúc giọt nước mắt tràn lên hai khóe mắt của cô gái trẻ. “Cha hứa sau chuyến biển này về sẽ cho tiền để con dẫn em mua quần áo mới đi học mà. Em con cũng đang chờ món quà trung thu của cha. Sao cha nói không giữ lời vậy?”. Câu nói đẫm trong nước mắt khiến những người xung quanh ai cũng ngậm ngùi.
“Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”, câu nói đó đã có từ xa xưa. Những người vợ, người mẹ miền biển đều hiểu rõ điều đó. Nhưng đau thương, mất mát thì đâu có ai dễ dàng chấp nhận, dễ dàng nguôi ngoai...
Phép màu đã đến với 41 ngư dân sống sót, nhưng đã không có một phép màu nào với những người đã mất tích. Họ nằm lại với biển cả, như một kiếp người sinh ra, lớn lên rồi mất đi ở nơi mà họ đã từng gắn bó. Đến giờ này các ngư dân vẫn còn ám ảnh khi trôi dạt trên biển cả giữa đêm hàng giờ liền. Và cả ám ảnh trước những bạn ghe chưa thể được tìm thấy...
Có thể nói rằng, biển mang lại cho ngư dân một cái nghề để ổn định cuộc sống, nhưng mỗi lần ra biển cũng là mỗi lần ngư dân đặt cược tính mạng mình trên “đầu sóng ngọn gió”. Song, nếu có ai đó nói với những ngư dân vừa trở về từ “cõi chết” rằng: “Đừng đi biển nữa!”, họ sẽ đáp ngay: “Không! Biển là Tổ quốc. Biển là cuộc sống”. Họ có thể khuất ở biển, nhưng không thể xa biển, xa ngư trường…
Bình luận (0)