Liên Hiệp Quốc đánh giá mức đầu tư của Việt Nam vào các chính sách xã hội vẫn còn thấp đáng kể so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Đồng thời khẳng định rằng vị thế của Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể xem xét tăng cường đầu tư, bởi mục tiêu "kép: đưa đất nước phát triển bền vững, tăng chất lượng cuộc sống của dân và tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Thường thấy việc đầu tư chính sách xã hội xoay quanh các chương trình như bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp xã hội. Song song đó là những chỉ tiêu cụ thể về giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua giáo dục, lao động - việc làm. Song, tính hiệu quả của các chính sách sẽ được đánh giá, thể hiện rõ nhất khi quốc gia đứng trước các sự cố như thiên tai dịch bệnh, suy thoái kinh tế… Dịch Covid-19 cho thấy những bất cập như BHXH chưa bao phủ hết người lao động, các nhóm yếu thế khó tiếp cận các dịch vụ xã hội, chính sách ban hành còn nhiều thủ tục phiền hà… Vì vậy, sau khi trở lại bình thường, việc mở rộng lưới an sinh được xem là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam.
Trong một hội thảo lấy ý kiến sửa đổi luật BHXH gần đây, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc kiêm Trưởng đại diện Quỹ dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam, đã trích một dữ liệu nghiên cứu rằng nếu Việt Nam đầu tư 1 triệu đồng vào các chính sách xã hội thì GDP quốc gia tăng thêm 3,2 triệu đồng. Dữ liệu này đo lường hiệu quả của việc tăng chi tiêu trong chính sách tài khóa của Chính phủ đối với tổng sản lượng quốc gia GNP hoặc GDP.
Mặc dù việc tăng GDP từ việc đầu tư chính sách xã hội không phải thể hiện ngay lập tức, song phải bắt tay từ hôm nay. Điều này có thể bắt đầu từ việc mở rộng các dịch vụ BHXH, y tế để lưới an sinh phủ hết người dân, để mỗi cá nhân, gia đình tăng khả năng chống chịu rủi ro nếu đời sống của họ gặp biến cố.
Bình luận (0)