Họ dấn thân, họ học tập, họ trải nghiệm và có những bài học "lên bờ xuống ruộng", nhưng điểm chung là họ không cho phép mình bỏ cuộc…
Tôi may mắn được biết đến một cô gái như thế. Một người giàu nghị lực và tình yêu thương. Cô ấy cho tôi rất nhiều điều đáng học hỏi từ những cử chỉ, hành động và suy nghĩ thường ngày của mình. Cô gái mà tôi muốn nói đến có tên gọi thân thương trên Facebook là Lê Nguyễn Sami.
Cô nàng nhỏ nhắn sinh năm 1996 tại TP.Đông Hà, Quảng Trị, tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm ngữ văn tại Trường ĐH Sư phạm Huế với thành tích loại giỏi. Ở cô ấy, ngoài tình yêu thương dành cho những trẻ em khó khăn, đồng bào miền núi, tôi còn thấy rất rõ sự tử tế, nhẹ nhàng, khiêm tốn.
Không khí vui vẻ tại lớp học Cầu Vồng
Tác giả cung cấp
CHO ĐI NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP
Theo lời Sami, từ năm 15 tuổi, cô bắt đầu thường xuyên tham gia các hoạt động Đoàn hội. Trong đó có các hoạt động thiện nguyện tại vùng cao, quyên góp áo quần, sách vở và hoạt động hỗ trợ thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Cô dần xây dựng tình yêu thương, tinh thần cho đi và lòng tốt từ đó.
Khi bước vào cánh cửa đại học, Sami tự quyên góp quần áo cũ tại Huế, hỗ trợ bà con quê hương cô và người dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Cô cũng tham gia các hoạt động thiện nguyện do Hội đồng hương Quảng Trị tổ chức. Năm 2019, lúc sắp ra trường, cô là đại diện kêu gọi để xây dựng Nhà Cầu Vồng, với sự tham gia của sinh viên các trường trên toàn TP.Huế.
Với sự giúp sức của những người bạn cùng chung tấm lòng, Nhà Cầu Vồng nhanh chóng được xây dựng và hoạt động với 3 mục đích chính: tủ sách để xây dựng văn hóa đọc; hoạt động thiện nguyện, quyên góp áo quần, sách vở cũ để hỗ trợ người dân ở vùng sâu, vùng xa đang cần; lớp học từ thiện gồm: tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh tiểu học, vẽ căn bản…
Ngay từ khi bắt đầu hoạt động, Nhà Cầu Vồng đã thu hút nhiều sinh viên, trẻ em, người lớn cùng chung lý tưởng xây dựng một cộng đồng xanh, sạch, lành. Họ đến để đọc sách, uống trà, tập thiền, tập yoga… Có khi là cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, những trải nghiệm và bài học trên hành trình của mình. Mọi thứ đang tốt lên và được mọi người yêu thương đón nhận thì dịch Covid-19 bùng phát, chủ nhà lấy lại địa điểm thuê, lớp học bắt buộc phải được dọn đi nhanh chóng trong vòng một tuần. Thế là mọi người lại chung tay di dời những thứ gom góp được gồm sách giáo khoa cũ, quần áo cũ, bàn ghế, dụng cụ, cây xanh… và chia đến những người đang cần, chỉ giữ lại một ít sách để duy trì tủ sách đặt tại nhà bạn Hữu Nhân, một người bạn của Sami, ở Huế.
Sau đó, Sami bắt đầu công việc dạy kèm tại nhà, đồng thời xây dựng một tủ sách nhỏ dành cho những ai yêu thích văn hóa đọc.
Cũng trong thời điểm dịch, cô nhận "giải cứu", bán giúp dừa cho bà con và bây giờ đã trở thành đại lý dừa tại quê nhà. Khi công việc kinh doanh đang trên đà phát triển ổn định, với cá tính của một người dám nghĩ, dám làm, dám chịu, cô tiến tới cho ra mắt nhiều sản phẩm nhà làm thủ công từ dừa như: mứt dừa, dừa rim đường thốt nốt, dừa sáp, dầu dừa…
Nối lại Cầu Vồng
Đầu tháng 7.2023, khi công việc và kinh tế đã ổn định, được sự ủng hộ của gia đình, Sami quyết tâm quay về với dự án còn dở dang ngày ấy, thế là lớp học Cầu Vồng ra đời. Với đam mê, sự yêu nghề đi cùng tình thương, sự thấu cảm với các bạn nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn, lớp học thu hút nhiều học sinh đến tham gia vui học.
Khi mới bắt đầu đăng tải ý tưởng về lớp học trên trang cá nhân, Sami được bạn bè tích cực ủng hộ, đóng góp bàn, ghế, quạt, bảng, sách giáo khoa cũ… Có thể nói, không những cho đi những điều tốt đẹp mình có, cô giáo trẻ còn tạo điều kiện cho những người xung quanh cùng chung tay, cùng trao tặng những điều cần thiết đến với đúng người đang cần. Sách giáo khoa cũ dành cho học sinh, sách cũ để xây dựng tủ sách, quạt điện và bảng đen cũng được hỗ trợ giao tận nơi. Thật trân quý những tấm lòng, đặc biệt trên hết vẫn là tâm khởi phát của cô giáo Sami.
Mỹ Linh, cô em họ của Sami, đang học ngành ngôn ngữ Anh, cũng tham gia góp sức. Lớp học miễn phí bắt đầu đi vào hoạt động giảng dạy với chương trình các khối lớp 2, 3, 4 gồm 3 môn chính là toán, tiếng Việt và Anh với sự đứng lớp chủ yếu của hai cô giáo trẻ tuổi, tài năng, nhiệt huyết và giàu lòng nhân ái.
Khi tôi hỏi Sami có nỗi sợ gì không, cô thẳng thắn trả lời những thăng trầm trong cuộc sống mà cô trải nghiệm đã dạy cô rắn rỏi hơn mỗi ngày, cô không lo sợ, không ngại bất cứ điều gì mà chỉ quyết tâm trong mỗi dự định của mình, nhất là việc mở lớp học miễn phí giúp đỡ các bạn nhỏ tại địa phương nơi cô sinh sống.
Dự định tiếp theo của Sami là không ngừng quyên góp để xây dựng tủ sách miễn phí và tủ sách di động, nhằm nối tiếp đam mê, dự án một thời còn dang dở vì dịch Covid-19.
Lớp học miễn phí của Sami đầy ắp tình yêu thương dành cho bọn trẻ. Cô đứng lớp để thỏa lòng yêu nghề và duy trì bằng niềm vui trao - nhận kiến thức giữa cô và trò. Lớp học hiện tại đang diễn ra đều đặn, số lượng học viên đăng ký ở các khối lớp không ngừng tăng lên mỗi ngày. Nụ cười của cô giáo; nụ cười hồn nhiên, sự chăm chỉ đến lớp sớm và đông đủ của các bạn nhỏ là động lực lớn lao để lan tỏa tình yêu thương của lớp học đến nhiều người hơn nữa.
Mỗi người đều có xuất phát điểm khác nhau nên khó mà đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối ở cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng nếu xuất phát từ tình yêu thương, tấm lòng nhân ái, sự chân thật, sự tử tế mong muốn được cho đi; chúng ta phần nào đó hoàn toàn có thể giúp những hoàn cảnh kém may mắn hơn vơi bớt những nhọc nhằn, vất vả đời thường.
Tấm lòng của hai cô giáo trẻ Sami và Mỹ Linh, đặc biệt là ước mơ cống hiến, phụng sự cho đời của Sami là một tấm gương mà tôi nghĩ cần được lan rộng hơn nữa. Biết ơn cô giáo Sami vì luôn kiên trì, kiên định với tình yêu thương của mình. Biết ơn vì cô luôn biết cách cho đi điều mà người khác cần, và tạo điều kiện để người đủ đầy hơn có thể chung tay giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống.
Bình luận (0)