Lớp học đặc biệt của trẻ khuyết tật

Mạnh Cường
Mạnh Cường
09/09/2019 08:58 GMT+7

Một lớp học được mở ra dành cho những đứa trẻ khuyết tật tại ngôi làng quê ven biển Quảng Nam, với các thầy cô đứng lớp chưa từng được đào tạo qua chuyên ngành sư phạm.

Dạy 4 tháng để học sinh đọc được 24 chữ cái

Trái ngược với sự trang nghiêm của quân đội, gần một năm nay những ai đi qua Đồn biên phòng Bình Minh (xã Bình Minh, H.Thăng Bình, Quảng Nam) vào các buổi chiều thứ ba, năm và sáu hằng tuần đều nghe tiếng đánh vần, đọc bài ê, a vang lên trong căn phòng nhỏ tại đồn. Không phải tiếng bi bô thường thấy của những đứa trẻ bình thường mà đó là những giọng đọc to, khỏe nhưng lại không rõ lời. Chúng tôi gọi đây là lớp học đặc biệt bởi nó chỉ dành cho những đứa trẻ khuyết tật, do Đồn biên phòng Bình Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh phối hợp mở. Thầy giáo đứng lớp là người mang quân hàm xanh hay cô giáo chưa từng qua một lần đào tạo sư phạm.
Thượng úy Lê Văn Chính, người trực tiếp đứng lớp học đặc biệt này, cho biết anh nhiều lần chứng kiến các em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương, thân thể không lành lặn, không được đến lớp như những bạn cùng trang lứa. Điều này khiến anh lên ý tưởng thành lập lớp học. Thế rồi lớp học tình thương dành cho 8 trẻ khuyết tật, hồn nhiên, ngây ngô chính thức ra đời vào tháng 11.2018. “Tất cả các em ở đây đều là học sinh đặc biệt, khuyết tật về trí tuệ và chân tay. Các em lần đầu tiên đến lớp, việc tiếp xúc với con chữ như một tờ giấy trắng. Vì vậy, để giúp các em nhận biết được mặt chữ là một hành trình dài với nhiều khó khăn, vất vả”, thượng úy Chính tâm sự.
Để có bảng đen, những người đứng lớp phải đến một trường học trên địa bàn xã mượn tạm. Nhằm trang bị kỹ năng sư phạm, các thầy cô lại tìm gặp một số giáo viên có nghiệp vụ sư phạm để học hỏi các phương pháp dạy học, quản lý lớp học, đồng thời lên mạng tìm xem các video dạy trẻ khuyết tật rồi ứng dụng vào dạy tại lớp mình. Theo thượng úy Chính, các thầy cô phải mất hơn 1 tháng để các em làm quen với lớp, với bạn. Khi các em đã quen thì mới bắt đầu hành trình dạy chữ. “Có em phải mất hơn 4 tháng mới đọc được 24 chữ cái”, thượng úy Chính nói.

Vừa dạy, vừa dỗ

Ngoài thời gian làm công tác chuyên môn, các thầy cô giáo tranh thủ đứng lớp, cầm tay nắn từng nét chữ, con số cho học trò, rồi hướng dẫn các em vui chơi, ca hát, nhảy múa… Biết học trò của mình kém may mắn, các thầy cô luôn khen ngợi, động viên các em. “Trong quá trình giảng dạy, chỉ cần quát mắng hay tâm lý nặng nề là các em sẽ không học. Bởi vậy, vừa dạy mình vừa phải dỗ dành để các em có tâm lý thoải mái nhất. Mục đích mở ra lớp học không chỉ dạy các em biết đọc viết, mà xa hơn nữa là có thể tính toán, làm văn”, thượng úy Lê Văn Chính trải lòng.
Cùng tham gia đứng lớp, chị Đặng Thị Mỹ Ly, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh, cho biết học sinh của lớp đa số ở độ tuổi 10 - 12, ngoài ra có người đã hơn 30 tuổi, khả năng tiếp nhận rất kém. “Bằng sự kiên trì của cả thầy và trò, đến nay hầu hết các em đã có thể đánh vần hay đếm số. Những âm thanh các em đọc lên, những con chữ tự tay các em viết ra thật sự khiến chúng tôi hạnh phúc. Ở đây không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em cách hòa nhập cộng đồng”, chị Ly nói.
Bà Đoàn Thị Hải (42 tuổi, ở xã Bình Đào, H.Thăng Bình), mẹ em Nguyễn Thị Hường (12 tuổi) cho biết Hường bị hở hàm ếch, phải phẫu thuật nhiều lần khiến thần kinh bị ảnh hưởng nên chậm tiếp thu. Dù đưa đi học ở trường nhiều năm nhưng đến nay Hường vẫn chưa biết đọc, viết. “Nghe tin ở đây mở lớp cộng đồng, tôi phấn khởi chở con hơn 4 km đến tham gia. Tôi tin rằng lớp học này sẽ giúp cháu sớm biết đọc, viết chữ”, bà Hải phấn khởi nói.
Thiếu tá Lê Văn Nam, Chính trị viên Đồn biên phòng Bình Minh, chia sẻ: “Ngay khi lớp học tình thương khai giảng, Đồn biên phòng Bình Minh đã vận động kêu gọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị xây dựng “hũ gạo tình thương”, tiết kiệm mỗi tháng 300.000 đồng hỗ trợ các em trong việc học tập”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.