Lớp học đặc biệt giữa lòng TP.HCM, dạy thêm không lấy tiền

Tấn Đạt
Tấn Đạt
20/05/2022 10:38 GMT+7

Có một lớp học tình thương giữa lòng TP.HCM, nơi đây gieo con chữ và giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn.

Lớp học tình thương giữa lòng TP.HCM

t.đ

Cứ vào 18 giờ, thứ hai, tư, sáu hàng tuần, lớp học tình thương của Nguyễn Trí Tiến (25 tuổi, đoàn viên P.5, Q.10, TP.HCM) lại sáng đèn.

“Anh, chị ở đây dạy dỗ chúng em rất ân cần”

Trong căn phòng rộng khoảng 20m2, các em nhỏ cặm cụi nắn nót từng câu chữ, nhẩm đi nhẩm lại các công thức toán, hóa, vừa được học hôm trước.

Đến trễ 5 phút, Đinh Hà Linh (lớp 8 Trường THCS Hoàng Văn Thụ, TP.HCM) vội vã chạy vào lớp và nói: “Xin lỗi anh, em mới phụ mẹ bán tạp hóa xong”.

Sau khi tan trường, Linh còn tranh thủ phụ mẹ bán hàng. Nhà Linh tuy khó khăn nhưng ai cũng cố gắng làm lụng, mong muốn có một cuộc sống tốt hơn. Tại lớp học tình thương, Anh Thư hy vọng có thêm kiến thức, giải quyết những thắc mắc, bài tập chưa hiểu ở trường.

Lớp học tình thương chủ yếu dành cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở P.5, Q.10

t.đ

“Anh, chị ở đây dạy dỗ chúng em rất ân cần. Năm sau, em thi vào lớp 10 nên ngay từ bây giờ sẽ cố gắng học tập nhiều hơn để có nền tảng kiến thức vững chắc”, Linh nói.

Trung bình mỗi buổi có 5 - 10 học sinh từ lớp 1 - 9 đến lớp học tình thương này. Các em được dạy miễn phí những môn học như tiếng Việt, toán, hóa... và cách ứng xử, kỹ năng sống...

Trí Tiến, người mở lớp học

t.đ

Trí Tiến chia sẻ lớp tình thương được thành lập vào ngày 7.1.2021, đến 5.2021 thì tạm dừng vì dịch Covid-19 và bắt đầu hoạt động lại từ đầu năm 2022 cho đến nay. Lớp học trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên P.5, Q.10, TP.HCM, hoạt động tại nhà văn hóa P.5.

Chàng trai quê ở Đắk Lắk vào TP.HCM làm việc hồi năm 2019 và trở thành đoàn viên P.5, Q.10. Ngoài công việc chính, Tiến còn tham gia nhiều hoạt động xã hội của đoàn phường… Từ đây, anh biết được hoàn cảnh khó khăn của nhiều em nhỏ và nảy ra ý tưởng mở lớp học tình thương.

Khó khăn nhất của lớp học là thiếu người đứng lớp

trí tiến

“Bạn bè giới thiệu tôi đến P.5, Q.10 và tôi được hỗ trợ rất nhiều trong việc mở lớp học”, Tiến kể.

Thời gian đầu, Tiến gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi các bạn trẻ đứng lớp. “Hiện tại các bạn dạy học ở đây chủ yếu là sinh viên ngành sư phạm, hoặc từng đi dạy. Ban đầu, tôi kêu gọi được 8 bạn nhưng giờ chỉ còn có 4. Mọi người chia nhau dạy, mỗi buổi có 2 bạn đứng lớp”, Tiến nói.

Video lớp học tình thương giữa lòng TP.HCM

Mong học trò nhỏ sẽ có một tương lai tươi sáng

Thời gian học chỉ vỏn vẹn hai giờ nhưng các bạn trẻ đứng lớp nỗ lực hết mức để mang đến kiến thức cho học sinh. “Nhờ các anh, chị ở đây dạy thêm mà điểm số của em được cải thiện. Đến lớp em vui lắm, gia đình cũng rất ủng hộ, khuyên nên tranh thủ thời gian buổi tối để theo học”, Triệu Gia Tuấn (lớp 8, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, TP.HCM) chia sẻ.

Khoe quyển vở bài tập hóa được 9 điểm, Tuấn nói: “Bài này thầy Khánh chỉ em làm nè. Thầy Khánh giỏi lại còn đẹp trai nữa”. Rồi cả lớp bỗng cười ầm lên vì câu nói của Tuấn.

Ngọc Khánh tranh thủ những buổi tối rảnh rỗi đến lớp dạy cho các em nhỏ

t.đ

Người thầy mà Tuấn nhắc đến là Nguyễn Ngọc Khánh (27 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM), chuyên dạy môn hóa.

Khánh chia sẻ: “Khi giảng bài, tôi không theo một khuôn khổ nhất định và không áp đặt mà tạo sự đặt thoải mái nhất. Tôi luôn xem mình là những người bạn đồng hành với các em. Đối với những kiến thức khô khan các em sẽ dễ chán nên tôi thường lồng ghép với điều liên quan đến cuộc sống thường ngày, những điều các em thích".

Nắn nót từng con chữ

t.đ

“Tôi hy vọng những đóng góp nhỏ nhoi của bản thân sẽ giúp ích cho các em một phần nào. Tôi cũng mong các em có tương lai tươi sáng”, Khánh tâm sự.

Mỗi buổi học, các em nhỏ được ôn tập lại kiến thức cũ và học bài mới

t.đ

Tiến cùng các các bạn của mình san sẻ từng con chữ, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại phường

t.đ

Đứng lớp dạy cho tiếng Việt, ngữ văn, Bùi Thị Lan Hương (21 tuổi, sinh viên năm 3 ngành tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho hay cô thường ôn tập kiến thức cũ để học sinh nắm vững hơn, chuẩn bị tốt cho các kỳ thi. "Mỗi lần đến lớp nghe học sinh khoe thành tích của mình trong kỳ thi vừa qua, tôi vui lắm", Hương bộc bạch.

Hương còn tổ chức sinh nhật cho các em

trí tiến

Rồi Hương kể: “Lúc đầu, tôi cùng mọi người đến từng gia đình để vận động phụ huynh cho con em đi học. Lúc đó, nhiều phụ huynh chưa biết nên vẫn còn e ngại. Sau này, sĩ số học sinh trong lớp dần tăng lên, phụ huynh đã tin tưởng đưa các bé tới lớp học”.

Anh Nguyễn Trí Quý, Bí thư Đoàn P.5, Q.10, TP.HCM cho hay bản thân rất biết ơn và hạnh phúc khi các bạn trẻ mở lớp học tình thương tại địa phương. Hiện tại, chính quyền P.5 đang cố gắng hỗ trợ hết mình cho lớp học như vận động học bổng, trao dụng cụ học tập…

“Trí Tiến là một thanh niên có nhiệt huyết. Có tinh thần vì cộng đồng, xã hội. Cũng như có tinh thần cầu tiến và tính kỷ luật cao”, anh Quý nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.