Lớp tiếng Anh của tình yêu thương

14/01/2020 07:05 GMT+7

Đó là lớp học tiếng Anh miễn phí tại Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị, do hai vợ chồng người Mỹ tài trợ, để tưởng nhớ con trai đã dành cả thanh xuân để làm thiện nguyện rồi nằm xuống tại VN.

Tiếp nối những điều dang dở

Bước vào lớp học tiếng Anh giao tiếp dành cho trẻ khiếm thị, có thể thấy ngay bức chân dung của một thanh niên nước ngoài được đặt ở vị trí trang trọng. Chàng trai có nụ cười ấm áp trong ảnh là Landon Schmidt. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng anh nặng lòng với những phận người nghèo khó, đặc biệt là trẻ em khiếm thị tại VN. Landon từng đến Quảng Trị và trở về với câu hỏi: “Làm thế nào để giúp đỡ được những em bé không may mắn có đôi mắt sáng?”.
Câu hỏi đó đi vào từng giấc ngủ của Landon, thôi thúc anh trở lại để làm những điều nhỏ bé nhưng vô cùng ý nghĩa. Cảm nhận được niềm hạnh phúc của con khi giúp đỡ những người dân nghèo ở một đất nước xa xôi, ông Richard và bà Dabney Schmidt, bố mẹ của Landon, cũng ấm lòng.

Ngoài giờ lên lớp, các giáo viên còn dẫn các bạn trẻ khiếm thị đi dã ngoại ở siêu thị

ẢNH: THANH LỘC

Không ai ngờ Landon Schmidt vĩnh viễn nằm lại VN ở tuổi đôi mươi. Một vụ tai nạn đã khiến những ước mơ, dự định của chàng trai Mỹ mãi mãi dang dở. Giữa đau thương, hai vợ chồng ông bà Richard bàn nhau phải làm điều gì đó thật ý nghĩa để tưởng nhớ người con trai quá cố. Cuối cùng, họ quyết định bước tiếp hành trình thiện nguyện của con...
Vợ chồng ông Richard Schmidt quyết định đến VN. Tới mảnh đất này, ông bà mới hiểu tại sao con trai mình lại muốn gắn bó đến thế. Những con người xa lạ đón ông bà bằng nụ cười, ánh mắt ấm áp và cái bắt tay siết chặt. Nỗi thương nhớ Landon lại cuộn lên nhưng lần này không làm ông bà đau mà là được tiếp thêm động lực.

Ông trời lấy đi đôi mắt sáng nhưng bù lại cho các em trí nhớ, khả năng nghe và nói rất tốt. Nếu được đào tạo bài bản, các em hoàn toàn có thể giao tiếp với người nước ngoài, tạo cho mình thêm nhiều cơ hội

Cô giáo Nguyễn Thị Mai

 
Từ đó đến nay, thông qua Quỹ Phát triển cộng đồng toàn cầu, vợ chồng ông Richard Schmidt đã có nhiều hoạt động giúp đỡ những người nghèo ở VN, đặc biệt là Quảng Trị. Bao giờ cũng vậy, ông bà luôn ưu tiên hỗ trợ các em nhỏ khiếm thị, vốn được con trai mình rất yêu quý. Đi qua những ngày đen tối, ông bà đều hiểu nỗi đau lớn nhất là không còn thấy cuộc sống muôn màu. Biết các em nhỏ khiếm thị ở Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị rất thích học tiếng Anh nhưng điều kiện không cho phép, ông bà liền hỗ trợ kinh phí, với mong muốn mở một “con đường sáng” cho các em.

“Con đường sáng” cho trẻ khiếm thị

Các em nhỏ khiếm thị đang theo học tại lớp tiếng Anh giao tiếp miễn phí ở cơ sở 2 Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị không thể nhìn thấy bức ảnh và nụ cười ấm áp của Landon Schmidt, nhưng ai cũng biết câu chuyện về anh. Vì thế, các em thỏa thuận với nhau trước mỗi buổi học dành khoảng thời gian tưởng niệm Landon.
Hôm chúng tôi đến thăm, lớp học vừa bắt đầu với bài hát Three little birds (Ba chú chim nhỏ). Thanh âm tươi vui từ cây đàn guitare trên tay người giáo viên ngoại quốc như chắp thêm đôi cánh cho tiếng hát của các học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Mai (27 tuổi) đến từ Trung tâm Anh ngữ quốc tế EIS, tươi cười khoe dù mới học nhưng các em đã thuộc rất nhiều bài hát tiếng Anh.

Những giờ học tiếng Anh đã chắp cánh ước mơ cho học sinh

ẢNH: THANH LỘC

Là người trực tiếp đứng lớp và tham gia trợ giảng cho giáo viên nước ngoài, cô Mai từng rất lo lắng khi lần đầu tiên nhận nhiệm vụ. Để tháo gỡ những nút thắt, cô giáo trẻ đã ngồi hàng giờ với giáo viên nước ngoài để lên chương trình giảng dạy. Họ thống nhất với nhau sẽ tập trung giúp các em phát triển kỹ năng nghe, nói; tổ chức nhiều trò chơi, đưa nhiều bài hát thiếu nhi vào giáo trình...
Nỗi lo của cô giáo Mai cùng đồng sự tan biến ngay buổi học đầu tiên. Cả 10 em nhỏ khiếm thị phấn khởi, háo hức với giờ học và tự tin như những đứa trẻ bình thường. Đặc biệt, qua tiếp xúc, cô Mai cảm nhận rõ tình yêu lớn mà các em dành cho bộ môn tiếng Anh. “Ông trời lấy đi đôi mắt sáng nhưng bù lại cho các em trí nhớ, khả năng nghe và nói rất tốt. Nếu được đào tạo bài bản, các em hoàn toàn có thể giao tiếp với người nước ngoài, tạo cho mình thêm nhiều cơ hội”, cô Mai khẳng định.
Những giờ học tiếng Anh đã chắp cánh cho ước mơ của học trò khiếm thị bay cao. Trước đây, các em thường không dám hoặc ngại chia sẻ về ước mơ của mình hoặc nếu có, các ước mơ ấy thường nhỏ bé, vụn vặt và… giống nhau. Vì thế, khi nghe cậu bé Mai Văn Quân (10 tuổi, quê ở xã Hải An, H.Hải Lăng) chia sẻ mong ước có thể trò chuyện với nhiều người ngoại quốc, rồi được đi vòng quanh thế giới, cô Trần Hoàng Hà, giáo viên Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị, xúc động muốn rơi nước mắt. Hay như em Nguyễn Trường Hiếu (12 tuổi) thường lắc đầu khi được hỏi “con muốn gì?”, nhưng nay bỗng thẽ thọt với cô mong ước trở thành một nghệ sĩ piano để đệm nhiều bản nhạc tiếng Anh.
Ngay những buổi đầu tiên, những học viên khiếm thị nhỏ tuổi đã chọn cái tên “Niềm vui” để đặt cho lớp học của mình. Có lẽ các em đã đúng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.