Lửa cháy trên biển Đông - Kỳ 2: Máu đỏ những vùng biển

05/08/2014 07:00 GMT+7

(TNO) Những con tàu hải quân đi làm nhiệm vụ, đến mỗi vùng biển đều kéo còi gượng nhẹ, cho dù nơi đó chẳng có tàu ngược chiều. Bộ đội tàu bảo: “Còi chào những đồng đội ngã xuống từ bao nhiêu năm trước!”.

(TNO) Những con tàu hải quân đi làm nhiệm vụ, đến mỗi vùng biển đều kéo còi gượng nhẹ, cho dù nơi đó chẳng có tàu ngược chiều. Bộ đội tàu bảo: “Còi chào những đồng đội ngã xuống từ bao nhiêu năm trước!”. Những hồi còi thương nhớ này, đều đặn cất lên từ Bãi Cháy, Lạch Trường, Sông Gianh... suốt 50 năm qua, chào những người lính - con tàu đã ngã xuống, ngay trong trận đầu đánh Mỹ: 5.8.1964.

Di ảnh liệt sĩ Đồng Quốc Bình (hình: MTH)
Di ảnh liệt sĩ Đồng Quốc Bình - Ảnh: M.T.H

>> Lửa cháy trên biển Đông - Kỳ 1: Ý chí Hạ Long

Gương sáng Đồng Quốc Bình
   
Ở TP.Hải Phòng có 1 phường, 1 con đường mang tên Đồng Quốc Bình - người chiến sĩ hải quân hy sinh ngày 5.8.1964, khi chưa tròn 19 tuổi.
   
Sau hơn nửa tiếng chạy xe máy từ trung tâm thành phố, chúng tôi tìm đến gia đình liệt sĩ Đồng Quốc Bình ở xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng), khiến ông Đồng Minh Chính, anh trai liệt sĩ có phần bất ngờ.

 

Trong hồi ức, ông Trần Văn Lự (xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) không bao giờ quên: sơ đồ mộ chí tại nghĩa trang xã do ông vẽ, có hàng lối, riêng những người có bia mộ - tên tuổi đã lên đến con số 42 người. Không đủ quan tài mai táng liệt sĩ, lãnh đạo xã phải đứng ra vận động nhân dân hiến quan tài. “Với dân chài, cỗ quan tài quan trọng lắm. Cả một tài sản đấy. Người cha, người mẹ nào thương con thì suốt một đời tần tảo, dành dụm để đóng sẵn cho mình cỗ quan tài để đến khi chết, con cái mình cũng đỡ khó khăn. Thế mà khi bộ đội hy sinh, các gia đình trong xã đều tự nguyện hiến tặng!”, ông Lự lặng người...

Ông Chính năm nay 84 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn nên rất nhớ từng kỷ niệm của 4 chị em ông thủa thiếu thời. Trong đấy, kỷ niệm với người em trai Đồng Quốc Bình là gắn bó và sâu đậm nhất.

Sau khi tham gia kháng chiến chống Pháp, ông Chính chuyển ngành làm ở huyện An Lão. Khi đó, Đồng Quốc Bình vừa học xong lớp 7, được đi học sư phạm nhưng xung phong nhập ngũ. Ông kể: “Chú Bình khi chưa đi bộ đội chỉ được 47 kg. Sau mấy tháng huấn luyện đã lên 67 kg. Ngày chú ấy huấn luyện ở Thủy Nguyên, cứ cuối tuần, tôi lại đạp xe từ An Lão sang đón về thăm nhà 1 đêm, rồi sáng sau hai anh em lại chở nhau sang đơn vị!”.

Ký ức của 50 năm trước: 14 giờ 25 phút ngày 5.8.1964, Sở Chỉ huy Khu Tuần phòng 1 ở Bãi Cháy nhận được thông báo của Bộ Tư lệnh Hải quân về tình hình địch và các thủ đoạn đánh phá của chúng. Chỉ huy Khu Tuần phòng ra mệnh lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Các tàu được lệnh phân tán lực lượng khỏi cảng theo phương án tác chiến phòng không, tổ chức tàu trực ban, vị trí trực canh, sẵn sàng chiến đấu.

Hôm đó, Đồng Quốc Bình đã tạm biệt đồng đội để về quê nghỉ phép. Đúng lúc anh rời doanh trại thì máy bay địch ập đến. Binh nhất Đồng Quốc Bình lập tức quay trở lại đơn vị với tấm giấy phép vẫn còn thơm mùi mực. Khi ra đến quân cảng cũng là lúc con tàu của anh đang rời đi chiến đấu. Đồng Quốc Bình mượn ngay chiếc thuyền nan đỗ gần đó bơi ra tàu.

14 giờ 40 phút, địch sử dụng 8 máy bay phản lực chia thành nhiều tốp bay sát mặt biển, đến gần đèn Long Châu mới vọt lên cao rồi lao xuống đánh vào khu vực các tàu của ta đang đậu ở Cửa Lục làm một số tàu và lực lượng pháo cao xạ không kịp nổ súng.

Đến đợt chúng bổ nhào lần thứ 2 thì các đơn vị đã chủ động đánh trả địch. Sau một thời gian chiến đấu, Sở Chỉ huy Khu Tuần phòng 1 quyết định cho các tàu cơ động ra vịnh Hạ Long. Tàu 144 được lệnh cơ động ra trước. Đi được một đoạn, gặp máy bay địch lao xuống công kích, các loại hỏa lực trên tàu bắn lên mạnh mẽ, máy bay địch buộc phải tăng độ cao để thoát khỏi tầm hỏa lực của tàu ta.

Trong các mục tiêu: Bãi Cháy, Hạ Long, núi Bài Thơ, mỏ Hà Lầm, Hà Tu, địch xác định Bãi Cháy là căn cứ hải quân lớn nhất và quan trọng nhất của ta ở miền Bắc, nơi thường xuyên trú đậu nhiều loại tàu chiến nên chúng cho nhiều máy bay đánh phá với cường độ lớn và thời gian dài.
  
Cuộc chiến đấu của lực lượng hải quân ở Khu Tuần phòng 1 diễn ra quyết liệt. Các đơn vị hỏa lực của ta tiếp tục đánh trả máy bay địch. Khoảng 10 phút sau, một máy bay khác của địch bị trúng đạn rơi xuống vịnh.

Trong quá trình chiến đấu tại tàu 144 (Khu Tuần phòng 1), chiến sĩ Đinh Trọng Mua bị hai mảnh đạn văng vào trán, máu chảy xuống mặt, lấy tay vuốt máu tiếp tục cùng đồng đội ngắm bắn. Khẩu đội trưởng Lê Sĩ Hằng bị thương gãy một bên chân đã dùng dây buộc chân bị thương lên thành pháo, tiếp tục đứng vững trên vị trí chỉ huy khẩu đội đánh địch.

Binh nhất Đồng Quốc Bình bị thương hai lần vẫn nén đau, bình tĩnh tiếp đạn cho đồng đội. Lần thứ 3 bị thương bên sườn, anh dùng một tay giữ để ruột khỏi tuột ra, tay còn lại chuyển tiếp những băng đạn cuối cùng cho đồng đội đánh địch và hy sinh anh dũng khi tuổi đời tròn 19 và cũng vừa 19 tháng tuổi quân. 

Ký ức Sông Gianh

50 năm đã trôi qua, ký ức 5.8.1964 vẫn vẹn nguyên trong đầu đại tá Ngô Đức Lô, nguyên Chỉ huy trưởng Vùng 3 Hải quân (hiện sống tại TP.Đà Nẵng). Nhập ngũ năm 1959, khi mới 18 tuổi, chàng thanh niên Ngô Đức Lô quê Lệ Thủy, Quảng Bình công tác tại lực lượng Đặc công nước, sau đó chuyển sang biên chế Phòng bảo đảm hàng hải, Quân chủng Hải quân với nhiệm vụ đo đạc vẽ bản đồ, khảo sát các cửa biển, phục vụ tác chiến.

Ông Đồng Minh Chính (giữa) lật giở các giấy khen của liệt sĩ Đồng Quốc Bình - Ảnh: M.T.H
Ông Đồng Minh Chính (giữa) lật giở các giấy khen của liệt sĩ Đồng Quốc Bình - Ảnh: M.T.H

Ngày 5.8.1964, chiếc tàu vận tải 50 tấn, chở 22 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị ông đang khảo sát ở vịnh Hòn La, Quảng Bình bất ngờ bị 3 máy bay phản lực Mỹ tấn công, làm bị thương tức thì 2 chiến sĩ tín hiệu và cơ điện.

Tàu khảo sát nên trang bị chỉ có súng máy 12 ly 7, trung liên và súng bộ binh thông thường, tuy nhiên anh em vẫn vừa kiên cường bắn trả vừa cơ động tàu về phía cảng Sông Gianh (Quảng Bình). Bị đánh trả, địch gọi thêm 3 chiếc phản lực nữa đến, hợp thành biên đội 6 chiếc thay nhau tấn công hòng đánh chìm con tàu. Lại bị đánh trả quyết liệt và thấy tàu hư hỏng nặng, máy bay địch chuyển sang tấn công mục tiêu khác.

Trong đợt tấn công cuối cùng, rốc két của chúng đã phang cụt đôi chân đội trưởng đo sâu Hoàng Văn Quý và anh hy sinh khi tàu chưa kịp cập bờ, cấp cứu thương binh.

“Sau này được biết có chiếc máy bay bị bắn cháy từ đạn lửa của các tàu hải quân ở sông Gianh, có thể từ tàu của Phòng bảo đảm hàng hải thuộc Quân chủng”, đại tá Ngô Đức Lô trầm ngâm kể vậy và đúc rút: “Không quân địch không ngờ là dù chiếm ưu thế hỏa lực và cơ động, lại làm chủ trên không, nhưng đã vấp phải lực lượng đánh trả với vũ khí chưa hiện đại nhưng có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, ý chí chiến kiên cường, quyết đánh!”. 

Góp sức làm lên chiến thắng trận đầu cách đây 50 năm, không chỉ có công sức và máu của những người lính hải quân mà còn có cả sự tham gia giúp đỡ của mọi tầng lớp nhân dân. Sức mạnh lòng dân đó, còn mãi giá trị... Nhớ lại thời lửa đạn, TS Bùi Lại An, Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Viễn thông Quảng Ninh (nguyên Trợ lý Thông tin thuộc Ban Thông tin Lữ đoàn 172, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân) trầm giọng: từ 5.8.1964 đến hết cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, các cơ sở khai thác và các tuyến đường dây của Bưu điện Quảng Ninh đã bị đánh phá 871 lần; toàn Bưu điện Quảng Ninh có 11 cán bộ hy sinh, 18 bị thương...

Mai Thanh Hải - Hồng Vân - Phúc Vinh

>> Trang bị vũ khí hiện đại là để bảo vệ tổ quốc
>> Người trong cuộc kể về chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam
>> Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam
>> Bàn giao 2 tàu tên lửa hiện đại cho Quân chủng Hải quân
>> Công chức hải quan được trang bị vũ khí
>> Bộ Tư lệnh Hải quân thử nghiệm tàu tên lửa M3, M4
>> Bộ Tư lệnh Hải quân bàn giao và ra mắt Phi đội thủy phi cơ DHC-6
>> Hải quân Việt Nam và Philippines giao lưu trên đảo Song Tử Tây                      

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.