Lừa đảo mạng, gian lận tài chính tăng vọt trong dịch Covid-19

30/03/2022 18:08 GMT+7

Theo thống kê của Viettel Threat Intelligence, năm 2021, số lượng lỗ hổng an toàn thông tin tăng hơn 10% so với năm 2020. Các nguy cơ lỗ hổng xuất hiện ngày càng nhiều, có mức độ ảnh hưởng lớn.

Viettel Threat Intelligence là một sản phẩm thuộc hệ sinh thái giám sát an toàn thông tin với các chức năng: thu thập, lưu trữ và xử lý nguy cơ tập trung, phân tích, đánh giá mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ và đưa ra các cảnh báo; đồng thời, hỗ trợ giám sát theo dõi các nguy cơ, cung cấp thông tin về các đối tượng liên quan với nguy cơ, cho phép loang phục vụ điều tra.

Báo cáo của Viettel Threat Intelligence cho thấy, các cuộc tấn công lừa đảo, gian lận tài chính tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Những cuộc tấn công này ngày càng tinh vi, khó nhận biết hơn, như: lừa đảo sử dụng SMS Brand name; lừa đảo sử dụng các tên miền phụ để truy cập, đồng thời phải truy cập điện thoại mới vào được trang lừa đảo.

Số lượng lỗ hổng an toàn thông tin tăng hơn 10% so với năm 2020

VT

Nhiều dấu hiệu cho thấy các nhóm tấn công có chủ đích đang tấn công thông qua những lỗ hổng bảo mật mới như Microsoft Exchange Server, Log4j và những kỹ thuật mới như Remote Template Injection, MSBuild và IIS Raid.

Đồng thời, các nhóm tấn công có chủ đích vẫn sử dụng các chủ đề Covid-19 trong các email lừa đảo tấn công tổ chức. Theo ghi nhận của Viettel Threat Intelligence, xu hướng tấn công phần lớn nhắm vào các công ty tài chính, ngân hàng và các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam.

Trong tình hình Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp kéo theo các nhu cầu chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp phải làm việc từ xa theo chính sách, quy định của nhà nước tuy nhiên chưa đảm bảo an toàn thông tin dẫn đến bị khai thác.

Ông Nguyễn Công Cường, Giám đốc Trung tâm Giám sát và phản ứng trên không gian mạng, Công ty An ninh mạng Viettel, giới thiệu về Trung tâm Điều hành an toàn thông tin của Viettel

An An

Chính vì vậy, việc lộ lọt thông tin diễn ra càng nhiều và càng nguy hiểm hơn bao giờ hết. Số lượng vụ lộ lọt thông tin tăng 10% so với năm 2020. Số lượng bản ghi lộ lọt lên đến hàng chục triệu bản ghi, bao gồm cả các dữ liệu quan trọng của cá nhân, tổ chức như tài khoản đăng nhập, tài liệu mật, mã nguồn. Các nạn nhân bao gồm các tổ chức, cá nhân thuộc các lĩnh vực công nghệ, ngân hàng, giáo dục, tài chính, y tế, bảo hiểm xã hội ...

Bối cảnh này khiến nhu cầu về an toàn thông tin tăng cao tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Hiện nay, Công ty An ninh mạng Viettel là đơn vị đang chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin cho hạ tầng mạng lưới viễn thông trên toàn cầu của Viettel tại 11 thị trường, cũng như đang cung cấp giải pháp an ninh mạng, rà soát lỗ hổng, ứng cứu và xử lý sự cố cho trên 100 khách hàng là các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

Chuyên gia an toàn thông tin đang được săn đón tại Việt Nam. Chính vì vậy, những công ty hoạt động trong lĩnh vực này như Công ty An ninh mạng Viettel đã nhanh chóng đưa ra chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài.

Nhiều chuyên gia của đơn vị này đã được những hãng công nghệ và cộng đồng an toàn thông tin uy tín trên thế giới vinh danh, trao thưởng, có thể kể đến chuyên gia Đào Trọng Nghĩa đã lọt Top 5 tại Cuộc thi tấn công mạng lớn nhất thế giới Pwn2Own 2021; chuyên gia Phạm Văn Khánh, Hà Anh Hoàng đã có 4 năm liên tiếp lọt vào bảng xếp hạng chuyên gia có đóng góp giá trị nhất (Most Valuable Security Researchers) của Microsoft; chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh liên tiếp lọt vào top MVP 4 lần trong 4 quý của BugCrowd - nền tảng tìm kiếm lỗ hổng bảo mật lớn nhất toàn cầu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.