Lừa đảo qua mạng: Cần chế tài ngân hàng, viễn thông không phối hợp cung cấp thông tin

21/10/2022 21:55 GMT+7

Thảo luận trong chuyên đề về lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, Công an Q.8 (TP.HCM) kiến nghị cần có chế tài đối với ngân hàng, đơn vị viễn thông không cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra.

Ngày 21.10, Viện KSND Q.8 (TP.HCM) tổ chức thảo luận chuyên đề "Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng trên địa bàn Q.8".

Người dân được tuyên truyền nhưng vẫn bị lừa

Theo báo cáo của Viện KSND Q.8, từ tháng 1.2021 - 6.2022, cơ quan này tiếp nhận 99 tin báo, tố giác về tội phạm liên quan lừa đảo qua mạng, tổng số tiền thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. Tất cả các vụ việc đều chưa xác định đối tượng thực hiện, không thu hồi được tài sản chiếm đoạt.

Buổi thảo luận chuyên đề về lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng do Viện KSND Q.8 tổ chức

KHÁNH TRẦN

Đại tá Lê Văn Bích, Trưởng công an Q.8, cho hay từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận 90 tin báo về lừa đảo qua mạng, tổng thiệt hại 12,8 tỉ đồng.

Trong năm 2022, nhằm giảm thiểu việc bị lừa đảo qua mạng, Công an Q.8 đã tuyên truyền đến từng hộ dân, các cơ quan, đoàn thể. “Hầu như người dân chỉ điện thoại trình báo qua đường dây nóng của công an sau khi bị lừa. Chúng tôi có tiếp xúc 5 bị hại bị lừa đảo chuyển tiền ngân hàng. Họ đều nói cảnh sát khu vực gửi thông tin tuyên truyền, có đọc, có nắm được nhưng không hiểu sao bị dẫn dắt, bị lừa”, ông Bích nói.

Đại tá Lê Văn Bích, Trưởng Công an Q.8

KHÁNH TRẦN

Theo ông Bích, hiện nay đối với việc mua bán tài khoản ngân hàng, chỉ xử phạt hành chính chứ không xử lý hình sự. Tình trạng mở tài khoản ngân hàng rồi bán hoặc cho người khác sử dụng vẫn diễn ra. Đối với giấy CMND 9 số, chính chủ mang đi cầm cố rồi không chuộc về, dẫn đến người nhận cầm cố mang ra bán cho người khác, tạo điều kiện cho đối tượng mua CMND để lừa đảo.

Ông Bích kiến nghị, cần cấm mua bán, thuê mượn tài khoản ngân hàng của cá nhân. Kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 2,3 của Điều 38 luật Căn cước công dân, vì hiện cấp CCCD gắn chip nhưng CMND 9 số, CCCD có mã vạch vẫn còn giá trị. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc tuyên truyền cho người dân, cần phân ra tuyên truyền từng giới, từng ngành để hiệu quả hơn.

Cần có chế tài đối với ngân hàng, viễn thông không hợp tác

Thiếu tá Trịnh Hồng Thái, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an Q.8, cho biết khi tiếp nhận trường hợp lừa đảo qua mạng, công an có công văn đề nghị tạm ngừng giao dịch nhưng ngân hàng không chấp nhận.

“Đến phòng giao dịch ngân hàng địa bàn quận đều không chấp nhận và đề nghị công an phải chuyển công văn đến hội sở, rất mất thời gian. Nếu hệ thống các ngân hàng có liên kết, khi có sự việc lập tức báo lên trên thì sẽ tăng tỷ lệ ngăn chặn được tội phạm”, thiếu tá Thái nói.

Thiếu tá Trịnh Hồng Thái, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an Q.8

KHÁNH TRẦN

Bên cạnh đó, các công ty viễn thông khi nhận được công văn từ phía công an, đến 2 tháng mới trả lời hoặc không trả lời, không phối hợp điều tra. Một số đơn vị không trả lời bằng văn bản nên không có giá trị pháp lý để đưa vào hồ sơ vụ án.

Thiếu tá Thái kiến nghị cần có chế tài đối với các đơn vị như công ty viễn thông, ngân hàng... khi đã có quy định về cung cấp thông tin cho CQĐT nhưng rất chậm hoặc không cung cấp.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Trung, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự cho biết, quá trình thụ lý vụ lừa đảo qua mạng, phía công an đã có đề xuất thủ trưởng ra thông báo ngân hàng ngăn chặn giao dịch.

“Ngân hàng yêu cầu theo Điều 129 bộ luật Tố tụng hình sự. Nhưng Điều 129 chỉ quy định cho người bị phạm tội, nên đến khi khởi tố bị can mới phong tỏa được tài khoản. Còn trong trường hợp này chưa xác định được người phạm tội”, thiếu tá Nguyễn Hữu Trung cho hay.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM

KHÁNH TRẦN

Phát biểu cuối buổi thảo luận, ông Nguyễn Văn Tấn, Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM, đánh giá cao Viện KSND Q.8 đi đầu trong 21 quận, huyện, tổ chức thảo luận chuyên đề tội phạm lừa đảo qua mạng. Trường hợp các quận vướng nhau thẩm quyền xử lý thì xin ý kiến Công an TP, nếu thẩm quyền xử lý tại các tỉnh khác nhau thì báo cáo Bộ Công an để xin ý kiến.

"Tội phạm lừa đảo qua mạng là vấn đề nóng, có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn tinh vi nên cần khởi tố vụ án, đưa ra xét xử làm án điểm, xét xử lưu động để tuyên truyền đến người dân", ông Tấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.