Lừa đảo qua mạng manh động, tinh vi: Bóp méo bản tin của Báo Thanh Niên

Lừa đảo qua mạng manh động, tinh vi: Bóp méo bản tin của Báo Thanh Niên

25/06/2024 08:30 GMT+7

Từ bản tin với nội dung ‘Công an Hà Nội cảnh báo 7 thủ đoạn lừa đảo qua mạng’ trên Báo Thanh Niên vào tháng 6.2022, các đối tượng đã bóp méo thành nội dung ‘hỗ trợ thu hồi số tiền bị treo trên không gian mạng’. Điều này một lần nữa cho thấy sự tinh vi của tin giả và sự manh động của các đối tượng lừa đảo qua mạng.

Thời gian qua đã có rất nhiều người lợi dụng uy tín của Báo Thanh Niên đã tạo ra các tin giả với hình thức khác nhau. Hình thức thì khác nhau nhưng mục đích thì chỉ có một: Đó là trục lợi, hoặc tệ hơn là lừa đảo những người nhẹ dạ; thậm chí nhẫn tâm hơn là lừa tiếp những nạn nhân từng bị lừa.

Lừa đảo qua mạng manh động, tinh vi: Bóp méo bản tin của Báo Thanh Niên

"Bóp méo" bản tin của Báo Thanh Niên

Ngay cả những BTV, PV hay một cơ quan báo chí có uy tín lâu năm như Báo Thanh Niên cũng bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của tin giả.

Mới đây, bạn đọc đã gửi về Báo Thanh Niên một bài đăng trên Facebook giả mạo BTV Cẩm Tú. Trong bài đăng này, người làm tin giả đã sử dụng một video của Báo Thanh Niên thời điểm tháng 6.2022. Trong video gốc, BTV Cẩm Tú đang dẫn một bản tin với nội dung "Công an Hà Nội cảnh báo 7 thủ đoạn lừa đảo qua mạng". Nội dung của bản tin nói về việc Công an thành phố Hà Nội cảnh báo đến người dân về 7 phương thức các đối tượng thường dùng để phạm tội trên không gian mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Thế nhưng, người làm tin giả này đã cắt ghép, bóp méo video với mục đích xấu, thay hình ảnh ở màn hình phía sau, tắt âm thanh và thay bằng một đoạn âm thanh do robot đọc với nội dung "Hỗ trợ thu hồi số tiền bị treo trên không gian mạng".

Lừa đảo qua mạng manh động, tinh vi: Bóp méo bản tin của Báo Thanh Niên- Ảnh 1.

Trong video giả mạo bản tin, hình nền bị đổi, chất lượng hình ảnh kém

Chụp màn hình

Lừa đảo qua mạng manh động, tinh vi: Bóp méo bản tin của Báo Thanh Niên- Ảnh 2.

Video giả mạo (bên phải) được đăng tải lên trang Facebook có tên "Tiếp Nhận Thu Hồi Vốn Treo Hiệu Quả" vào ngày 19.6.2024.

BTN

Đáng chú ý, khi video giả mạo này đăng lên Facebook với những lời quảng cáo như "Hỗ trợ thu hồi số tiền treo trên không gian mạng nhanh chóng - uy tín - bảo mật cao"; "thu hồi tất cả tiền bị treo trên không gian mạng; thu hồi trước, thanh toán sau...", video này đã nhận về hơn 6.000 lượt thích, hơn 1.500 bình luận và gần 50 lượt chia sẻ.

Rất có thể những người từng bị lừa đảo qua mạng, thông qua video này họ đã dính thêm một bẫy lừa khác, ít nhất là bẫy lừa tin giả. Có thể thấy, những người làm tin giả này nhắm vào những nạn nhân của lừa đảo qua mạng.

Nạn nhân "dính" bẫy không chỉ một lần...

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện tại, trên Facebook, các hội nhóm xuất hiện tràn lan kèm theo các trang web giả mạo với giao diện tương tự website của đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng luật, luật sư…

Lừa đảo qua mạng manh động, tinh vi: Bóp méo bản tin của Báo Thanh Niên- Ảnh 3.

Phía dưới các bài đăng là hàng loạt tin nhắn bình luận có nội dung "đã lấy lại được tiền lừa đảo".

Chụp màn hình

Những bài bình luận, hoặc tin nhắn trong các hội nhóm giới thiệu đã lấy lại được tiền lừa đảo hoàn toàn là kịch bản của các đối tượng lừa đảo và 100% các hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo và thu hồi nợ treo trên mạng đều có dấu hiệu lừa đảo.

Đối tượng thường yêu cầu người dùng gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin từ 3 - 5 triệu đồng. Điểm chung của các đối tượng sử dụng hình thức lừa đảo này là đều đưa ra các mức phí và giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với cơ quan chức năng của Việt Nam.

Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết thời gian qua, có tình trạng nhiều người đã bị lừa lần 1, sau đó lại tiếp tục bị lừa lần 2 và nhiều lần khác với số tiền có khi lên tới hàng tỉ đồng bởi những hội nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng. Chiêu trò của các đối tượng dù không mới nhưng rất tinh vi nên khiến nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy.

Trang web giả mạo giao diện Báo Thanh Niên, quảng cáo thuốc trị tiểu đường

Video không phải là hình thức duy nhất mà những người làm tin giả sử dụng. Mới đây, Báo Thanh Niên phát hiện một đường dẫn đến website lạ, hoàn toàn không liên quan gì đến Báo Thanh Niên nhưng có giao diện giống hệt và có cả logo của Báo Thanh Niên.

Lừa đảo qua mạng manh động, tinh vi: Bóp méo bản tin của Báo Thanh Niên- Ảnh 4.

Giả giao diện bài Báo Thanh Niên quảng cáo thuốc

Chụp màn hình

Khi truy cập vào đường dẫn thì một bài viết có giao diện giống bài báo trên Thanh Niên Online. Bài báo quảng cáo về một nhân vật được gọi là nhà khoa học và là bác sĩ nổi tiếng nhất ở Việt Nam, đã tìm ra cách chữa bệnh tiểu đường, "đưa mức đường trong máu trở lại bình thường một lần và mãi mãi!".

Lồng ghép trong bài báo giả mạo (có hình thức giống như bài phỏng vấn) là hình ảnh quảng cáo một loại thuốc được giới thiệu là điều trị tiểu đường.

Thời gian qua đã có rất nhiều người lợi dụng uy tín của Báo Thanh Niên đã tạo ra các tin giả với hình thức khác nhau. Hình thức thì khác nhau nhưng mục đích thì chỉ có một: Đó là trục lợi, hoặc tệ hơn là lừa đảo những người nhẹ dạ; thậm chí nhẫn tâm hơn là lừa tiếp những nạn nhân từng bị lừa.

Báo Thanh Niên đã nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn, cơ quan chức năng cũng đã thông qua báo chí đưa ra rất nhiều khuyến cáo thế nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra.

Để không trở thành nạn nhân của lừa đảo qua mạng và luôn cập nhật được thông tin nhanh và chính xác nhất, quý vị hãy truy cập vào website thanhnien.vn, và bấm theo dõi các kênh Báo Thanh Niên trên các nền tảng YouTube, Facebook và TikTok.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.