Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường gạo thế giới đang có xu hướng tăng giá trong mấy ngày gần đây. Cụ thể gạo 5% tấm của Việt Nam được điều chỉnh tăng 5 USD/tấn từ mức 393 lên 398 USD/tấn, gạo Thái Lan tăng từ 401 lên 407 USD/tấn, gạo Ấn Độ từ 338 lên 343 USD/tấn; gạo Pakistan vẫn giậm chân tại chỗ.
Nông dân Bạc Liêu thu hoạch lúa giống Tài Nguyên vụ đông xuân |
Chí Nhân |
Các doanh nghiệp dự báo thương mại gạo sẽ tăng mạnh vào khoảng 2 tuần tới khi vụ đông xuân ở ĐBSCL vào cao điểm thu hoạch. Lượng gạo xuất khẩu của cả năm 2022 dự báo tương đương các năm trước từ 6 - 6,2 triệu tấn. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vừa qua đạt gần 506.000 tấn, trị giá 246 triệu USD, tăng 45,4% về khối lượng và tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Giá gạo xuất khẩu bình quân của tháng đầu năm 2022 là 486,5 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, tiếp sau đó là Bờ Biển Ngà và Trung Quốc. Trung Quốc giảm 36% về khối lượng và giảm 37% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sụt giảm nhập khẩu của Trung Quốc là do nước này đang tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh; bên cạnh đó, các thương nhân nước này cũng chưa muốn “chốt đơn” vì chờ Việt Nam vào chính vụ thu hoạch lúa đông xuân, để được lợi hơn về giá.
Hiện tại các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh thu mua phục vụ xuất khẩu. Theo ghi nhận tại một số tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ… giá lúa các loại tăng trung bình từ 300 - 500 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Cụ thể như lúa Tài Nguyên (khô) thương lái thu mua từ 6.900 - 7.000 đồng/kg. Nhưng nhiều nông dân cho biết, so với cùng kỳ năm 2021, giá vẫn còn thấp hơn từ 200 - 400 đồng/kg. Còn lúa thường thương lái mua tại ruộng từ 5.300 - 5.500 đồng/kg, lúa khô tại kho từ 6.300 - 6.800 đồng/kg.
Chị K.T. Minh ở xã Tài Văn (Trần Đề, Sóc Trăng), cho biết: Vừa thu hoạch 9 ha lúa giống chất lượng cao bán tại ruộng với giá 5.900 đồng/kg, thấp hơn năm rồi khoảng 350 đồng/kg. Mấy năm nay giá khá tốt nhưng lãi ít lắm vì chi phí phân thuốc tăng rất cao, lại thêm chi phí bơm tưới. Năm nay dịch bệnh nên phong tỏa khắp nơi, hạn chế đi lại do đó việc chăm sóc lúa cũng không được như mọi năm làm cho năng suất giảm 20 - 30% rồi thêm chuột bọ cắn phá. Rồi lại phải qua nhiều khâu trung gian, môi giới nữa; đến bán rơm cũng phải tốn tiền “cò”. Chính vì vậy mà nông dân trồng lúa năm nay ai hòa vốn đã là may mắn rồi.
Bình luận (0)