Luật phải tạo môi trường để điện ảnh phát triển

24/02/2022 06:54 GMT+7

“Tôi nói để các anh chị yên tâm, quan điểm của tôi, cũng như cách làm của Cục Điện ảnh, là phim Việt luôn được ủng hộ”, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông khẳng định như thế khi khép lại hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại TP.HCM sáng 23.2.

Để hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh vào sáng qua 23.2 tại TP.HCM (sau khi tổ chức tại Hà Nội hôm 18.2).

Hậu kiểm nội dung phim trên mạng

Đến nay, theo đánh giá của ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các điều khoản luật đã sửa đổi bổ sung và chỉnh lý nhiều nội dung, cơ bản được sự thống nhất, đồng tình giữa Thường trực Ủy ban, Thường trực Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan và chuyên gia. Một trong những nội dung được nghiên cứu sửa đổi nhiều, theo ông Lượng, là cấp phép thẩm định phân loại phim (điều 27 đến 32) và phổ biến phim, nhất là vấn đề hậu kiểm trong việc phổ biến phim trên không gian mạng (điều 21). Ông cho rằng hiện nay điều kiện về tổ chức bộ máy, năng lực, kỹ thuật... có thể đáp ứng được yêu cầu, vì vậy vấn đề hậu kiểm cần được quan tâm, cân nhắc.

Ròm, phim Việt đầu tiên giành giải New Current - giải thưởng cao nhất tại LHP Busan, một trong những LHP lớn nhất của châu Á

ĐPCC

Cụ thể, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, điều 21 được chỉnh lý: Một là, bổ sung điểm e, g khoản 1 quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng, thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để quản lý, giám hộ trẻ em xem phim phù hợp với lứa tuổi; cung cấp công cụ để người sử dụng dịch vụ phản ánh nội dung phim vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước. Hai là, chỉnh sửa bổ sung khoản 2 quy định trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng trên không gian mạng về gỡ bỏ phim vi phạm. Ba là, chỉnh lý khoản 6 quy định trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL và Bộ TT-TT về kiểm tra nội dung phim, xử lý vi phạm phổ biến phim trên mạng cho phù hợp hơn.

Hỗ trợ điện ảnh phát triển

Bên cạnh đó, như ông Lượng đề cập, vẫn còn các nội dung đang được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện: chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh (điều 5, 6, 14); lưu chiểu, lưu trữ phim (từ điều 33 đến 36), quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh (từ điều 37 đến 40) và quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (điều 42, 43, 44).

Về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh và quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng: “Có vấn đề lâu nay chúng ta không dám đối mặt, là việc nhìn lại hiệu quả đầu tư ngân sách cho tác phẩm điện ảnh”. Ông Di nói thêm, việc giới hạn nhiệm vụ chính trị (trong một số thể loại: phim thiếu nhi, phim lịch sử, phim về đồng bào miền núi…) cản trở việc thu hút các tài năng hoặc tiếng nói mới trong điện ảnh. “Đã đến lúc nhiệm vụ chính trị phải hiểu theo nghĩa rộng hơn, tức là dân tộc Việt Nam phải có tiếng nói trong điện ảnh trên bình diện rộng hơn, phải có những tác phẩm đóng góp vào điện ảnh thế giới, phải đến được các LHP hàng đầu của thế giới. Đến khi nào phim Việt Nam chưa vào được LHP quốc tế hạng A thì lúc đó nền điện ảnh chúng ta vẫn là vô danh”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.

Thêm nữa, theo ông Di, có nhiều yếu tố trong luật tuy được quy định, như phát triển nguồn nhân lực (điều 6), nhưng rất chung chung mà không có cơ chế để hiện thực hóa. Trong khi cơ chế phát triển cụ thể nhất chỉ có 2 cách, hoặc là đưa những đối tượng phim được thụ hưởng ngân sách nhà nước rộng ra, hoặc phải giữ quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và tạo cơ chế hoạt động sao cho hiệu quả.

Một ý kiến khác từ bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD, được hội nghị quan tâm, ghi nhận: “Trong luật nên có điều khoản nào đó khuyến khích sự đa dạng văn hóa trong điện ảnh, khuyến khích các thể loại khác nhau, các nghệ sĩ theo đuổi những dòng phim khác nhau và có chính sách hỗ trợ riêng để không ai thấy mình bị bỏ lại phía sau”. Ngoài ra, bà nêu vấn đề bất cập trong sản xuất phim mà chính công ty mình gặp phải, liên quan các thủ tục xin phép. “Một địa điểm chúng tôi muốn quay, ví dụ ở Bờ Hồ, Hà Nội, phải xin ít nhất 4, 5 giấy phép qua 4, 5 cơ quan khác nhau, rất vất vả. Những người làm phim nhiều khi thấy phức tạp quá sẽ chuyển vào nhà cho dễ, vậy thì làm sao quảng bá các địa điểm văn hóa? Hoặc ở những địa điểm di tích quốc gia, nhiều thành phố hỗ trợ cho đoàn phim, nhưng cũng có không ít địa điểm tính tiền trên trời. Nên chăng có phí ưu đãi cho các đoàn phim vì chúng ta đang quảng bá cho các địa điểm đó. Ở Singapore có luật rất rõ ràng, tất cả những điểm công cộng của nhà nước thì đơn vị sản xuất phim không cần xin giấy phép, chỉ cần thông báo”, bà Hạnh đề xuất.

“Mỗi lần có sự thành công của nền điện ảnh khác, như Hàn Quốc chẳng hạn, gần đây đã có phim đoạt Oscar - Ký sinh trùng hay phim được thế giới chú ý trên Netflix - Trò chơi con mực, chúng ta biết mình sẽ khó làm được những phim như thế vì luật không cho phép. Vì sao Hàn đạt được điều này? Là bởi từ năm 1998, họ có thay đổi lớn trong việc làm luật: từ quản lý sang ủng hộ. Chúng ta cũng có các quy định trong luật, nhưng khi đọc cảm giác phần kiểm soát, quản lý mạnh hơn, tạo cảm giác lo lắng cho người làm phim hơn là tự tin sáng tạo; trong khi phần cụ thể, quảng bá thế nào lại không đẩy mạnh”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bày tỏ.

Tiếp tục nhận ý kiến đóng góp

Ban soạn thảo vẫn tiếp tục chờ đợi và mong nhận những ý kiến đóng góp khác. Các anh chị có thể gửi văn bản đến Ban soạn thảo (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội hoặc Cục Điện ảnh). Tất cả vấn đề của các nhà làm phim, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, các anh chị cũng có thể gọi điện trực tiếp với tôi. Chúng tôi sẽ phối hợp để giải quyết sao cho luật điện ảnh có thêm nhiều điểm mới, hiệu quả hơn, và như các anh chị nói, nó không phải để quản lý mà làm sao để thúc đẩy phát triển.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.