Luật pháp quốc tế bị vi phạm, tín nghĩa bị hủy hoại

Hành vi xâm phạm của Trung Quốc đối với vùng biển Việt Nam vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và hủy hoại uy tín của nước này trên thế giới .

Từ tháng 7 đến nay, Trung Quốc hai lần đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 vào vùng biển phía nam Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Hành vi này của Trung Quốc không những vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế mà còn hủy hoại chữ tín của nước này trong quan hệ quốc tế.

Chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam

Ngày 19.8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tiếp tục lặp lại quan điểm không có cơ sở pháp lý rằng: “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa”. Thực chất, quần đảo Trường Sa, theo cách gọi ngụy xưng của Trung Quốc là “Nam Sa”, chưa bao giờ của Trung Quốc, mà từ ít nhất thế kỷ 17 đã thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Các bằng chứng lịch sử dựa trên những sử liệu chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam cho thấy rõ ràng Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ ít nhất thế kỷ 17. Theo nghiên cứu công phu của PGS-TS Nguyễn Hồng Thao đăng trong sách Tìm kiếm giải pháp vì hòa bình và công lý ở Biển Đông (Đặng Đình Quý chủ biên, NXB Thế giới, 2015), riêng tên gọi Trường Sa được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1843, nhưng mô tả về các đảo và các hoạt động của nhà nước phong kiến Việt Nam được ghi chép trong nhiều tài liệu lịch sử chính thức từ đầu thế kỷ 17. Quan trọng nhất là các tài liệu như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (1600 - 1775), Đại Nam Thực Lục Chính Biên (1865 - 1882), Đại Nam Nhất Thống Chí (1865 - 1882), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (1843 - 1851), Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821), Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833), Việt Sử Cương Giám Khảo Lược (1876). Trước đó, còn có Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư.
Các hoạt động của nhà nước phong kiến Việt Nam gồm 5 dạng: tổ chức khai thác một cách có hệ thống các đảo; tổ chức khảo sát đo đạc tình trạng các đảo và các tuyến hàng hải nhằm kiểm soát đường biển; xây dựng đền thờ, miếu, trồng cây thể hiện chủ quyền; tổ chức thu thuế tại địa phương và trao đổi thương mại với các quốc gia khác; và cứu trợ các tàu bè nước ngoài gặp nạn. Theo luật pháp quốc tế, các hoạt động đó của nhà nước phong kiến Việt Nam đã là cơ sở để Việt Nam xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng trăm năm nay. Chủ quyền đó đã được Việt Nam thực thi liên tục và hiệu quả cho đến ngày nay.

Ngang ngược “biến không thành có”

Trong khi đó, về phía Trung Quốc, cho đến trước thế kỷ 20, các bản đồ của tất cả triều đại nước này đều cho thấy cực nam lãnh thổ là đảo Hải Nam. Nhà nước Trung Quốc với văn hóa “trọng lục khinh hải” từ ngàn năm nay đã không quan tâm và thể hiện bất cứ ý chí nào trong việc xác lập chủ quyền với các đảo xa xôi ở Biển Đông. Theo nhà nghiên cứu Bill Hayton thuộc Viện Chatham House (Anh), cho đến tận năm 1933, nhà nước Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm, không có yêu sách và cũng chưa bao giờ tiến hành khảo sát toàn bộ Biển Đông. Năm 1933, khi Pháp thay mặt Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nội bộ Trung Quốc hoàn toàn không biết về sự tồn tại của quần đảo này, thậm chí nhầm lẫn Hoàng Sa và Trường Sa là một. Bill Hayton dẫn một văn bản của Bộ Hải quân Trung Quốc gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19.7.1933, trong đó khẳng định “sau khi khảo sát, không thấy có đảo nào ở 10 độ vĩ bắc, 150 độ kinh đông giữa Việt Nam và Philippines”.
Sau Thế chiến 2, xem xét vấn đề trao trả lãnh thổ của Trung Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng, các tuyên bố Cairo và Postdam không nhắc gì đến Trường Sa. Hội nghị San Fransico năm 1951 cũng bác bỏ đề xuất của Liên Xô đề nghị công nhận chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo này. Có thể thấy, cộng đồng quốc tế chưa bao giờ công nhận quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Năm 1988, lần đầu tiên Trung Quốc đặt chân thường trú trên quần đảo Trường Sa sau khi sử dụng vũ lực đánh chiếm một số đảo của Việt Nam. Hành vi này vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực - một nguyên tắc có tầm quan trọng bậc nhất, là nền tảng của hệ thống pháp lý quốc tế sau năm 1945. Sự chiếm đóng của Trung Quốc không bao giờ có thể được hợp pháp hóa bởi vì đây là kết quả của hành vi vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng. Một nguyên tắc pháp lý chung trong luật quốc tế là bên vi phạm không thể được hưởng lợi từ chính hành vi vi phạm của mình. (còn tiếp)
EU quan ngại hành động gây căng thẳng ở Biển Đông
Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) ra tuyên bố cảnh báo những hành động đơn phương trong thời gian gần đây ở Biển Đông làm leo thang căng thẳng và khiến môi trường an ninh biển ngày càng xấu đi, đe dọa sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực. “Điều quan trọng là tất cả các bên trong khu vực tự kiềm chế, có những bước đi vững chắc hướng tới quay lại hiện trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS)”, tuyên bố viết. EEAS còn nhấn mạnh thêm: “EU sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ các tiến trình khu vực do ASEAN dẫn đầu để thúc đẩy trật tự khu vực và thế giới dựa trên luật pháp”, đồng thời “mong muốn có một kết luận nhanh chóng, minh bạch về cuộc đàm phán cho ra bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý, bền vững và hiệu quả”. 
Văn Khoa
Hôm qua 29.8, tờ The Wall Street Journal đăng bài bình luận của 2 chuyên gia Murray Hiebert và Gregory B.Poling thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) chỉ rõ có nhiều tàu tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc hộ tống tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Theo các tác giả, cộng đồng quốc tế cần phải có thêm hành động để buộc Bắc Kinh kiểm soát tàu hải cảnh và tàu dân quân biển trước khi xảy ra những vụ va chạm chết người, kéo theo khủng hoảng lớn hơn. “Nếu Trung Quốc muốn dựa vào lực lượng dân sự và bán quân sự để cưỡng ép các nước láng giềng thì những lực lượng này phải bị vạch mặt”, 2 chuyên gia Poling và Hiebert kêu gọi, đồng thời cảnh báo: “Tình trạng đeo đuổi các tuyên bố chủ quyền một cách hung hăng, xem thường luật pháp quốc tế dẫn tới tổn hại quyền lợi của các nước Đông Nam Á là thách thức nghiêm trọng đối với trật tự hàng hải quốc tế và ổn định khu vực”. 
Minh Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.