Luật sư cầu thủ và lãnh đạo CLB TP.HCM đã trao đổi gì trước vụ đình công?

08/04/2022 12:42 GMT+7

Cầu thủ CLB TP.HCM đình công bỏ tập trước thềm trận gặp CLB Sài Gòn ở vòng 1/8 Cúp Quốc gia 2022 khiến dư luận cực kỳ quan tâm khi "Chiến hạm đỏ" nổi sóng ngầm.

Cầu thủ và CLB TP.HCM sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý

CLB TP.HCM

Mùa giải 2021 ngưng lại ở vòng 12 do dịch Covid-19 và CLB TP.HCM quyết định không trả tiền phí lót tay của giai đoạn 2 V-League 2021, bên cạnh đó cũng giảm lương cầu thủ.

Bất đồng âm ỉ từ đầu mùa giải 2022 và bùng phát sau khi CLB TP.HCM ra công văn chính thức ra công văn quyết định không trả tiền lót tay giai đoạn 2, thay vào đó "hỗ trợ 10% tiền lót tay giai đoạn 2" sau hạn chót chốt danh sách đăng ký giai đoạn 1 V-League 2022 của VFF.

"Phí lót tay của Cầu thủ trong giai đoạn 1 của mùa giải V-League 2021 đã được Công ty thanh toán đầy đủ. Giai đoạn 2 của mùa giải V-League 2021 đã không diễn ra nên công ty sẽ hỗ trợ cho cầu thủ tương ứng 10% phí lót tay của giai đoạn 2.

Công văn hỗ trợ 10% lót tay cầu thủ của CLB TP.HCM

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Đối với các cầu thủ đã được nhận 100% phí lót tay cả mùa giải V-League 2021, thì phần ứng trước của giai đoạn 2 (sau khi đã trừ 10% phí lót tay hỗ trợ giai đoạn 2 như nêu tại mục 1) sẽ được cấn trừ vào phí lót tay của mùa giải V-League 2022", trích công văn của CLB TP.HCM ngày 16.2.

Các cầu thủ CLB TP.HCM đã phản ứng mạnh mẽ, cho rằng mình cần được trả tiền lót tay đầy đủ, hoặc chí ít ở một mức thích hợp giống như nhiều CLB V-Leaugue khác ví dụ như 50% tiền lót tay giai đoạn 2 V-League 2021 như một hình thức hỗ trợ khó khăn cho CLB.

Ngày 21.3, đại diện luật sư của các cầu thủ CLB TP.HCM đã gửi công văn đến lãnh đạo đội bóng có biệt danh "Chiến hạm đỏ" cho rằng: "Theo thoả thuận đã ký kết giữa các bên, công ty cổ phần bóng đá TP.HCM (công ty) cam kết trả một khoản phí lót tay để cầu thủ tham gia đầu quân cho CLB bóng đá TP.HCM (CLB)...

Mối quan hệ giữa cầu thủ và CLB được ràng buộc với nhau trên cơ sở hợp đồng lao động và các văn bản thỏa thuận điều kiện kèm theo, được ký kết giữa cầu thủ với công ty, theo đó khi cầu thủ thực hiện đúng nghĩa vụ thì công ty cũng phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi như đã cam kết với nhau.

Theo quy định pháp luật, trong quá trình thực hiện hợp đồng, bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng phải dựa trên cơ sở các bên thỏa thuận với nhau nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của cả hai bên.

Công văn nhắc ngày 25.3 của luật sư gửi CLB TP.HCM

Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên trong trường hợp này, công ty đơn phương không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết mà không thông qua bất kỳ thỏa thuận mới nào với cầu thủ là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cầu thủ".

Trong công văn gửi CLB TP.HCM, đại diện luật sư cho các cầu thủ đã dẫn ra bộ luật dân sự 2015: "Điều 13. Bồi thường thiệt hại: Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ: Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm: 1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. 2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Các cầu thủ TP.HCM cho rằng mình đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình

CLB TP.HCM

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Điều 419. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng: 1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.

2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc".

Công văn trả lời của CLB TP.HCM

CLB TP.HCM

Cho rằng trong quá trình phục vụ cho CLB, các cầu thủ thực hiện tốt nghĩa vụ như đã cam kết, chưa từng vi phạm bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng hoặc vi phạm các quy định của pháp luật, luật sư đề nghị CLB TP.HCM tiến hành các buổi làm việc để thảo luận về phương án thanh toán chi phí hỗ trợ cho các cầu thủ như đã cam kết và hoàn tất việc thanh toán chi phí hỗ trợ cho tập thể cầu thủ nếu không tiến hành khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền.

Đến ngày 25.3, luật sư của các cầu thủ TP.HCM tiếp tục có công văn đề nghị công ty có ý kiến phản hồi trước ngày 31.3. Đáp lại, Lãnh đạo công ty cổ phần bóng đá TP.HCM đã có công văn ngày 30.3 cho rằng do thời gian nhận các văn bản của luật sư đề nghị phản hồi thông tin trước ngày 31.3 là quá ngắn, nên hẹn sẽ có văn bản phản hồi trước ngày 6.4.

Theo trao đổi cùng các cầu thủ, họ đã không nhận được câu trả lời của CLB TP.HCM sau ngày 6.4, nên một nửa đội bóng đã quyết định đình công không tập luyện từ ngày 7.4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.