Luật vừa thi hành đã sửa đổi, vì đâu?

23/08/2024 06:31 GMT+7

Đại biểu Quốc hội phản ánh thực trạng luật vừa mới thi hành, thậm chí chưa kịp thi hành đã phải sửa đổi, và đề nghị cho biết trách nhiệm của Chính phủ khi các luật cứ phải sửa đổi liên tục thời gian qua.

Luật cứ liên tục phải sửa đổi

Ngày 22.8, tiếp tục phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đề cập việc Chính phủ đang chỉ đạo việc sửa đổi 13 luật có vướng mắc, bất cập và sẽ đề nghị QH thông qua ngay tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Luật vừa thi hành đã sửa đổi, vì đâu?- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) chất vấn tại Quốc hội sáng 22.8

GIA HÂN

Theo bà Thủy, cả ĐBQH lẫn cử tri thắc mắc tại sao chương trình xây dựng pháp luật đã được định hướng ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác rà soát cũng được thực hiện thường xuyên, thế nhưng "luật vừa mới thi hành đã phải sửa đổi, thậm chí luật chưa thi hành cũng phải sửa". Nhiều địa phương, dự án không muốn áp dụng quy định của luật mà lại đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách đặc thù khác luật. Nguyên nhân tình trạng này là vì đâu, trách nhiệm của Chính phủ khi các luật cứ liên tục phải sửa đổi là như thế nào?

Hồi đáp ĐB, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết lý do dẫn tới việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một phần xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn, cần có giải pháp nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển KT-XH. Ngoài ra, một phần có nguyên nhân chủ quan là chưa chủ động và nhận thức chưa hết của các bộ, ngành.

Tranh luận lại, ĐB Thủy cho rằng cần "nhìn thẳng vào nguyên nhân thực tế", đó là năng lực và tính chuyên nghiệp của bộ máy tham gia công tác xây dựng pháp luật. Theo bà Thủy, với một bộ máy "đang có vấn đề", nhưng các dự án luật vẫn đang tiếp tục được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình khiến ĐB rất lo ngại về chất lượng các dự án luật.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận định "cái khó nhất" trong xây dựng pháp luật là phải dung hòa giữa 2 việc: một là đáp ứng nhu cầu thực tế, hai là giữ vững sự ổn định của hệ thống pháp luật. Về năng lực cán bộ, ông Long đồng tình cùng với việc đầu tư thêm cho lực lượng xây dựng chính sách pháp luật, song "cơ bản nhất" vẫn là tâm huyết, trách nhiệm, lòng đam mê nghề nghiệp của cán bộ.

Giải pháp nào cho án hành chính?

Cũng tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) dẫn chứng năm 2023, tòa án các cấp ban hành 571 quyết định buộc thi hành án hành chính, con số này trong 6 tháng đầu năm 2024 là 107. Các cơ quan thi hành án dân sự cũng ban hành 135 kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp không chấp hành án hành chính. Cho rằng tình trạng chậm hoặc không chấp hành thi hành án hành chính ảnh hưởng lớn đến kỷ cương, phép nước, ĐB Tạo đặt câu hỏi giải pháp nào khắc phục tình trạng trên.

Luật vừa thi hành đã sửa đổi, vì đâu?- Ảnh 2.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

TTXVN

Tương tự, ĐB Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) phản ánh việc tham gia tố tụng của chủ tịch UBND hoặc người được ủy quyền còn hạn chế. Nhiều vụ việc người bị kiện là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, cung cấp tài liệu, chứng cứ… Lộ trình hoàn thiện thể chế về tố tụng hành chính sẽ được thực hiện như thế nào?

Trả lời các ĐB, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay số bản án hành chính đã thi hành xong năm 2024 có tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, tình trạng tồn đọng vẫn xảy ra ở một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Kiên Giang. Về nguyên nhân, ông Long nhìn nhận còn tình trạng "chưa có thái độ đúng" đối với việc tham gia tố tụng và thi hành án hành chính, cùng đó là sự nể nang giữa các cơ quan trong tỉnh và các đơn vị hành chính.

Để giải quyết, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường phối hợp với TAND tối cao trong công tác kiểm tra; phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất sửa đổi luật Tố tụng hành chính năm 2015; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 71/2016 để theo dõi thi hành án hành chính.

Vẫn theo Phó thủ tướng, tổ chức thi hành án hành chính trước hết phải gắn liền với trách nhiệm công vụ. Do đó, người đứng đầu phải phát huy trách nhiệm công vụ, coi đây là một sức ép để mình tự làm, có như vậy tình hình sẽ tốt hơn.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc để phát triển KT-XH

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đánh giá, qua phiên chất vấn cho thấy về cơ bản, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh đó, ĐBQH cũng chỉ rõ việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải sớm được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về giám sát chuyên đề và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ QH sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn với những yêu cầu cụ thể đối với từng nội dung, nêu rõ thời gian thực hiện, hoàn thành.

Chủ tịch QH cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần đề cập đến vai trò quan trọng, yêu cầu cấp bách trong việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. "Phiên chất vấn hôm nay cũng là góp phần tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu rất quan trọng đó", Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.