Không thể tiếp tục trì hoãn
Hơn 1 năm trước, anh Lê Quang Trường (quê ở Tuyên Quang) xin vào làm công nhân tại một doanh nghiệp (DN) điện tử ở Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long (Hà Nội). Trung bình mỗi tháng, tính cả tiền tăng ca, thu nhập của anh Trường là 7 triệu đồng.
Người lao động mong sớm được tăng lương tối thiểu để đời sống bớt khó khăn |
Ngọc Dương |
“Năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi chỉ mong có việc là tốt rồi; nhưng sang năm nay thì khác, từ xăng xe, hàng tiêu dùng, đến lương thực thực phẩm đều tăng. Tính cả tiền nhà trọ, điện thoại… thì tôi chẳng còn dư là bao. Tôi nghe nói công nhân được hỗ trợ tiền nhà trọ, nhưng không biết bao giờ mới được lĩnh. Nếu không tăng lương tối thiểu (LTT), có lẽ tôi lại quay về quê làm nông”, anh Trường chia sẻ.
Hiện tại dịch bệnh cũng đã được khống chế, hoạt động sản xuất ổn định trở lại, trong khi giá cả thị trường trong thời gian gần đây tăng lên rất nhanh khiến đời sống của NLĐ bị ảnh hưởng. Do đó, việc tăng lương tối thiểu không thể trì hoãn
Ông Nguyễn Thế Quyết, Chủ tịch Công đoàn các KCN Bắc Ninh
Cùng là công nhân, nhưng chị Trịnh Thị Chung, công nhân tại KCN ở TX.Từ Sơn (Bắc Ninh), lại có thêm gánh nặng nuôi 2 con nhỏ. Chị Chung cho hay: “Ở quê thu nhập không ổn định nên hai vợ chồng xin đi làm công nhân. Lương cả 2 vợ chồng được khoảng 15 - 16 triệu đồng/tháng, phải tằn tiện chi tiêu. Nếu tôi không tăng ca, làm thêm giờ thì không thể đủ sống”.
Sau 2 năm bị trì hoãn vì dịch Covid-19, thời điểm này người lao động đều mong ngóng được tăng lương |
NGỌC DƯƠNG |
Ông Nguyễn Thế Quyết, Chủ tịch Công đoàn các KCN Bắc Ninh, cho hay tỷ lệ lao động ngoại tỉnh tại Bắc Ninh chiếm khoảng 70 - 75%. Trong khi đó, 2 năm qua, LTT của người lao động (NLĐ) chỉ ở mức 4,5 - 5 triệu đồng, tổng thu nhập là 8 - 8,5 triệu đồng. NLĐ gánh rất nhiều chi phí từ tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, chi phí sinh hoạt, tiền gửi con… “Việc chưa tăng LTT trong 2 năm qua do điều kiện khách quan là ảnh hưởng của dịch bệnh, NLĐ sẵn sàng chia sẻ với khó khăn với DN. Tuy nhiên, vấn đề này nhiều DN chưa quan tâm đúng mức. Hiện tại dịch bệnh cũng đã được khống chế, hoạt động sản xuất ổn định trở lại, trong khi giá cả thị trường trong thời gian gần đây tăng lên rất nhanh khiến đời sống của NLĐ bị ảnh hưởng. Do đó, việc tăng LTT không thể trì hoãn”, ông Quyết bày tỏ.
Theo Chủ tịch Công đoàn các KCN Bắc Ninh, DN cần chia sẻ lợi ích để NLĐ có cuộc sống tốt hơn, có an cư mới lạc nghiệp. Khi NLĐ không còn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền, họ sẽ toàn tâm toàn ý với công việc.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN, cho rằng trong thời gian khá dài, LTT không được điều chỉnh đã không còn là sàn để bảo vệ được NLĐ yếu thế, để thương lượng thỏa thuận tiền lương trên thực tế của NLĐ và DN.
Nên hài hòa lợi ích đôi bên
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc đàm phán tiền LTT lẽ ra tiến hành trong năm 2021 đã phải trì hoãn sang năm 2022. Ông Lê Đình Quảng cho rằng nếu không tăng lương ngay trong năm nay, đời sống của NLĐ sẽ còn tiếp tục khó khăn. Còn chờ đến năm 2023 mới tăng sẽ phải tính toán mức tăng để bù đắp cho NLĐ cho mấy năm không tăng. “Từ năm 2016 - 2020, mức điều chỉnh LTT bình quân hằng năm là 7,4%. Nếu năm 2023 tăng ở mức 10% so với mức hiện nay thì có thể sẽ tạo một cú “sốc” cho DN trong việc chi trả, nhưng nếu tăng thấp quá thì không bù đắp được khó khăn của NLĐ. Đây là bài toán khó tới đây công đoàn sẽ phải thương lượng với giới chủ sử dụng lao động”, ông Quảng nói.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho hay hiện nay hầu hết các DN đã đi vào hoạt động bình thường. Bên cạnh các DN khó khăn thì cũng có một bộ phận DN phát triển tốt. NLĐ đã qua 2 năm chưa được tăng LTT, do đó yêu cầu về tăng LTT càng trở nên cấp thiết và không thể lỗi hẹn với sự mong chờ của NLĐ.
Đồng tình với việc cần phải tăng lương cho NLĐ, PGS-TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - công đoàn, cho biết nếu dịch Covid-19 không bùng phát, NLĐ đã có thể được tăng lương từ tháng 7.2021. Hiện tại sau dịch, đầu tư nước ngoài vào VN đang tăng trở lại, xuất khẩu cũng tăng nên cần phải tăng lương cho NLĐ. Ông Thọ kiến nghị: “Khi thiết kế mức LTT cho năm tới, các cơ quan hoạch định chính sách cần đảm bảo các yếu tố: đủ mức sống cho NLĐ, đảm bảo để họ nuôi được con; trong tiền lương có một phần tích lũy để NLĐ trang trải lúc ốm đau, thai sản; mức tăng phù hợp để công nhân VN có thể ngẩng đầu so với thế giới”.
Các chuyên gia cho rằng, nếu năm 2022 tiếp tục không thực hiện tăng LTT vùng thì sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của NLĐ khi đã phải trải qua 2 năm khó khăn. Mặt khác, việc 3 năm liên tiếp không điều chỉnh tăng lương sẽ tạo áp lực không nhỏ lên việc điều chỉnh LTT vào năm 2023.
Chia sẻ với khó khăn của NLĐ, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng việc tăng LTT còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, sự hồi phục của DN. “Tăng lương thì ai chẳng muốn, xét về bối cảnh, hiện cả NLĐ và DN đều khó khăn. Giá cả thì tăng, lương mấy năm không tăng khiến đời sống NLĐ bị ảnh hưởng. Song DN vừa trải qua đại dịch cũng rất khó khăn. Chính phủ đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN, phục hồi nền kinh tế bằng những chính sách tài khóa, tín dụng... Tôi cho rằng các bên nên đàm phán, chia sẻ khó khăn, để cùng tính toán tăng lương cho năm 2023 là phù hợp”, ông Huân chia sẻ.
Theo ông Huân, LTT là mức sàn quy định của Chính phủ, thực tế có một số DN phía nam dù khó khăn, nhưng trong 2 năm qua vẫn cố gắng tăng lương cho NLĐ. Ngoài sự chủ động của DN, công đoàn cơ sở đại diện cho quyền lợi của NLĐ cũng phải đàm phán với chủ sử dụng lao động để có mức lương phù hợp.
Điều tra về tiền lương, đời sống người lao động
Để làm căn cứ cho điều chỉnh LTT vùng năm 2023, ông Lê Đình Quảng cho biết trong tuần này Tổng LĐLĐ VN đang tiến hành khảo sát tiền lương và đời sống của công nhân lao động tại 6 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai. Đối tượng tham gia khảo sát là công nhân, chủ sử dụng lao động, cán bộ công đoàn. Ông Quảng cho hay: “Sau khi thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của NLĐ, sản xuất kinh doanh của DN, quan hệ cung - cầu lao động, chúng tôi sẽ có báo cáo tổng hợp và đưa ra phương án đề xuất tăng LTT để Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN xem xét. Dự kiến ngày 28.3, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên đầu tiên để bàn phương án điều chỉnh mức LTT năm 2023”.
Từ 1.4, Bộ LĐ-TB-XH cũng bắt đầu điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về LTT vùng năm 2023. Ông Tống Văn Lai, Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động - tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết bộ này vừa có công văn gửi sở LĐ-TB-XH các tỉnh, TP triển khai kế hoạch. Dự kiến 18 địa phương đồng loạt điều tra đợt này, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Long An, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ. Thời gian tiến hành điều tra trong 1 tháng, bắt đầu từ 1.4.
“Đây là cuộc khảo sát định kỳ hằng năm trước mỗi “mùa” Hội đồng Tiền lương quốc gia họp. Dự kiến, sẽ có 2.000 DN được chọn điều tra lần này thuộc nhóm ngành nghề sản xuất kinh doanh như: nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ. DN được điều tra có quy mô từ dưới 100 lao động đến trên 300 lao động. Các nội dung chính được tìm hiểu ở DN là quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, chi phí tuyển dụng đào tạo... Kết quả điều tra sẽ là căn cứ để xây dựng các nội dung về LTT vùng năm 2023 và các chính sách liên quan”, ông Lai thông tin.
“Việc chậm tăng LTT vùng cũng có một phần gây ra hệ lụy không tốt cho quan hệ lao động. Giá cả tiêu dùng tăng cao, tiền lương thực tế của NLĐ giảm sút, trong khi DN không điều chỉnh lương, tăng lương, dẫn đến nhiều vụ ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra vào đầu năm 2022”.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ VN
Bình luận (0)