Lưu ý gì khi tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi?

Liên Châu
Liên Châu
11/04/2022 05:15 GMT+7

Lô vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã về đến Hà Nội tối 8.4. Bộ Y tế sẽ phân bổ cho các địa phương để tiêm cho trẻ ngay sau khi có kết quả kiểm định chất lượng.

Theo Bộ Y tế, sau lô vắc xin đầu tiên, sẽ có thêm các lô khác về VN vào các tuần tới. Các lô này gồm khoảng 13,7 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna do Chính phủ Úc tài trợ cho VN để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh tại Trường THCS Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM

Độc Lập

Ngoài ra, Bộ Y tế và chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia cũng tích cực tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8 - 10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi của VN.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi triển khai ngay từ tháng 4 này, dự kiến hoàn thành trong quý 2 năm nay.

Sau ngày 12.4, học sinh TP.HCM học trực tiếp ra sao?

Nên tiêm phòng dù Covid-19 chỉ gây bệnh nhẹ ở trẻ nhỏ

Trước băn khoăn của nhiều cha mẹ về việc vì sao trẻ phải tiêm vắc xin trong khi Covid-19 chỉ gây bệnh nhẹ với hầu hết trẻ nhỏ, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, chia sẻ mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 ở trẻ em thấp hơn so với người lớn, các biểu hiện khi mắc bệnh thường nhẹ hơn, nhiều trường hợp không có triệu chứng, nhưng hậu quả của bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe các em.

Việc tiêm vắc xin Covid-19 nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và biến chứng của Covid-19 sẽ góp phần tạo nên một thế hệ lao động đủ sức khỏe về thể chất và tinh thần.

PGS-TS Dương Thị Hồng (Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư)

Tại VN, theo báo cáo ban đầu từ các bệnh viện nhi tuyến T.Ư ở Hà Nội và TP.HCM, đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc MIS-C (hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em) với các biểu hiện viêm đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm trẻ có biểu hiện bệnh Covid-19 hoặc không có biểu hiện bệnh.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh tại Trường THCS Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM

Độc Lập

Đáng lưu ý, hội chứng MIS-C có thể tiến triển nặng, thậm chí gây tử vong. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng khả năng học tập và vui chơi của trẻ; và có thể có những hậu quả lâu dài mà chúng ta cần tiếp tục theo dõi.

“Việc tiêm vắc xin Covid-19 nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và biến chứng của Covid-19 sẽ góp phần tạo nên một thế hệ lao động đủ sức khỏe về thể chất và tinh thần”, TS Hồng đánh giá.

Theo bà Hồng, tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn lây lan mạnh; giúp trẻ tránh mắc bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội. Đồng thời, tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này còn tăng diện bao phủ vắc xin phòng Covid-19 trong cộng đồng, giảm lây lan cho những người xung quanh, góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Tiêm cho nhóm trẻ lớn trước

Theo chương trình TCMR quốc gia, việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định tại trạm y tế xã, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học.

Vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu. Bộ Y tế đã tập huấn về tiêm chủng cho các tỉnh, thành; các trẻ không đến trường vẫn được tiếp cận tiêm chủng đầy đủ.

Theo đó, trẻ trong độ tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp bao gồm học sinh lớp 6 của trường THCS, học sinh đang học trường tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) và trẻ 5 tuổi đang học mẫu giáo. Triển khai trước cho nhóm 11 tuổi (học lớp 6) và hạ thấp dần độ tuổi. Trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các cháu.

Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện.

Bắt buộc 100% cơ sở tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi phải ký số

Đã nhiễm, có nên tiêm?

Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc trẻ từng mắc Covid-19 (nghĩa là đã có miễn dịch tự nhiên) có cần tiêm vắc xin không, TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng TCMR miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), chia sẻ một số nghiên cứu cho thấy khi vi rút SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể lần đầu tiên thì để lại miễn dịch không cao, do đó trẻ vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Vì vậy, tiêm vắc xin sau khi nhiễm bệnh thì miễn dịch sẽ cao hơn, góp phần hạn chế nguy cơ tái nhiễm, thậm chí hạn chế hội chứng hậu Covid-19 và tình trạng Covid-19 kéo dài.

Về thời điểm tiêm vắc xin với các trường hợp đã mắc Covid-19, Bộ Y tế đã có văn bản thông báo, các chuyên gia của Bộ Y tế thống nhất chủ trương tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng; tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc xin cho trẻ.

Các đối tượng trên 12 tuổi đã mắc Covid-19 tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau khi hồi phục từ 3 - 6 tháng.

Bộ Y tế cho hay, theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trong các đợt dịch vừa qua, số trẻ mắc bệnh Covid-19 chiếm gần 20% tổng số ca mắc chung, tỷ lệ chuyển nặng và nguy kịch chiếm gần 4,5%.

Thời gian gần đây, với sự xuất hiện của biến thể Omicron, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong ở trẻ mắc Covid-19 có giảm, nhưng vẫn có một số trường hợp bệnh nặng cần hỗ trợ hô hấp hoặc ECMO, đặc biệt trên các cháu có bệnh nền.

Kiểm soát nguy cơ tiêm nhầm

Bộ Y tế đã phê duyệt 2 loại vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là vắc xin Pfizer và Moderna. Mỗi trẻ cần được tiêm 2 mũi, cách nhau 4 tuần và chỉ tiêm 2 mũi cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vắc xin nào.

“An toàn tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu. Không sử dụng vắc xin Pfizer của người lớn để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Để tránh nhầm lẫn với vắc xin dùng cho người lớn, lọ vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có nắp màu cam. Bộ Y tế đã tập huấn rất kỹ, bao gồm việc sử dụng vắc xin và xử trí phản ứng sau tiêm”, một chuyên gia TCMR lưu ý.

Ngoài ra, PGS-TS Dương Thị Hồng cũng đề nghị cha mẹ, người giám hộ cần thông báo cho nhân viên y tế biết chính xác về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng của trẻ với các triệu chứng và điều trị cụ thể, tình trạng bệnh lý nền, các loại thuốc điều trị trẻ đang sử dụng. Những điều này rất quan trọng để bác sĩ có thể ra quyết định phù hợp trong việc chống chỉ định, chuyển viện hay cẩn trọng khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ và có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.

Theo chương trình TCMR quốc gia, các phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 hầu hết là phản ứng thông thường. Trong đó, với vắc xin Pfizer, các phản ứng rất thường gặp sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là đau đầu, tiêu chảy, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm (trên 80%), mệt mỏi (trên 50%), đau đầu (trên 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (trên 20%), đau cơ và ớn lạnh (trên 10%).

“Phản ứng này cũng gặp với các trẻ từ 12 - 17 tuổi sau tiêm vắc xin Covid-19. Vừa qua, ghi nhận một số trẻ 12 - 17 tuổi có phản ứng phản vệ, tất cả được xử trí kịp thời và hầu hết đều qua khỏi”, một chuyên gia TCMR cho biết.

Ngoài ra, các phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi sau tiêm vắc xin Pfizer là buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm; phản ứng ít gặp là nổi hạch. Các phản ứng ít gặp là phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay); giảm cảm giác thèm ăn; mất ngủ; ngủ li bì; tăng tiết mồ hôi; đổ mồ hôi đêm; đau chi; ngứa tại vị trí tiêm.

Với vắc xin Moderna, các phản ứng rất thường gặp là: sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác; đau đầu; buồn nôn/nôn; đau cơ; đau khớp; đau tại vị trí tiêm; mệt mỏi; ớn lạnh; sốt; sưng tại vị trí tiêm; ban đỏ tại vị trí tiêm.

Các phản ứng được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản (2 mũi) là: đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24%), sưng tại vị trí tiêm và đau khớp. Phản ứng thường gặp là tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp là chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm…

Chuyên gia tiêm chủng chia sẻ, phản ứng rất hiếm gặp sau tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (tỷ lệ dưới 1/10.000). VN hiện chưa ghi nhận phản ứng này đối với trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong hệ thống y tế. Tuy nhiên, sau tiêm vắc xin Covid-19, các gia đình không để trẻ vận động thể lực mạnh, tránh nguy cơ tăng nặng nếu có phản ứng viêm cơ tim xảy ra.

53 quốc gia đã có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi

Từ cuối tháng 12.2021, sau khi ghi nhận ca mắc biến thể Omicron đầu tiên, số mắc Covid-19 cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 với biến thể Omicron chiếm chủ đạo, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.

Trong 3 tuần gần đây, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày, từ 150.000 ca mắc mới mỗi ngày xuống còn trên dưới 50.000 ca mỗi ngày (tương đương với tuần thứ 3 của tháng 2 vừa qua - thời điểm trước khi số mắc bắt đầu gia tăng cao nhất). Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Đến ngày 9.4, VN đã tiếp nhận hơn 240 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo nguồn vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên đủ mũi 1, mũi 2; và mở rộng đối tượng tiêm liều bổ sung và mũi 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Hiện 53 quốc gia đã có kế hoạch/triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi. (Nguồn: Bộ Y tế)

100% cơ sở xác thực ngay mũi tiêm cho trẻ

Đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn quản lý; các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở tiêm chủng trực thuộc y tế bộ, ngành thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế về quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin Covid-19, quy trình xác thực thông tin người dân trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, bắt buộc 100% các cơ sở tiêm chủng triển khai tiêm, nhập dữ liệu đầy đủ, chính xác và thực hiện ký số chứng nhận trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, hoàn thành ngay trong ngày. Các mũi tiêm cho trẻ được cập nhật trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; các trẻ được cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19.(Nguồn: Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.