Ví như anh Chí Phèo (1941), nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, để chỉ những người ăn vạ, bất cần lý lẽ, mà ngôn ngữ đời thường gọi là “nhây”...
Có anh bợm nhậu, sau hồi “chén tạc chén thù” bị CSGT “vịn” đã vận dụng kiến thức “luật rừng” ra cãi lấy, cãi để. Mới đây, lại có anh đi xe máy, tuy không say, nhưng khi đến chốt kiểm soát dịch trên đỉnh đèo Lò Xo (H.Đăk Glei, Kon Tum), anh không dừng lại khai báo y tế. Bị 2 CSGT dùng mô tô chuyên dụng truy đuổi, ép xe vào lề, nam thanh niên hất hàm thách thức: “Các anh biết tôi là ai không?” rồi lao vào đánh nhân viên công vụ đến... chảy máu mũi.
Từ sáng 14.6, tổ công tác thuộc Đội CSGT Bến Thành - thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM thực hiện chuyên đề tuần tra kiểm soát, lập biên bản xử lý những trường hợp chạy xe máy vào làn đường dành cho xe ô tô, một hành vi “tự sát” vì rất nguy hiểm với người đi xe máy. Ấy vậy mà vẫn có người chạy xe với tốc độ “bàn thờ” vào làn đường dành cho xe ô tô, thấy bóng dáng CSGT... tiếp tục tăng ga bỏ chạy. CSGT phần thấy đường đông, phần vì thấy người vi phạm liều lĩnh, nếu đuổi theo có thể gây ra tai nạn cho người đi đường, đành ghi lại biển số để xử lý sau...
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, vào thời điểm bắt đầu có hiệu lực (từ ngày 1.1.2020), được ví như “bàn tay sắt” có thể xử phạt được người vi phạm giao thông vì mức chế tài nghiêm hơn hẳn các nghị định trước đó. Công bằng mà nói, nhiều người từng rất ngán điều này, nhưng thời gian gần đây có vẻ, không ít người “lờn thuốc”. Thế nên, đã có ý kiến đề xuất cần tịch thu phương tiện của người vi phạm để sung công với lý lẽ đánh vào ý thức, buộc người phạm luật phải trả phí tổn mà xã hội phải gánh chịu do hành vi lệch chuẩn của họ gây ra.
Bình luận (0)