Theo Variety, cuốn sách Be Water, My Friend: The Teachings of Bruce Lee do Shannon Lee (Lý Hương Ngưng) - con gái của Lý Tiểu Long, chấp bút được trình làng hôm 6.10. Tác phẩm kể lại quá trình đấu tranh của ngôi sao võ thuật huyền thoại trên phim trường Long tranh hổ đấu (tên tiếng Anh: Enter the Dragon), cuộc chiến của cố diễn viên với chủ nghĩa bài ngoại có hệ thống ở Hollywood cùng những bài học sâu sắc để lại cho con cái. Tạp chí kể trên đã đăng tải độc quyền một trích đoạn trong sách mới của Shannon Lee nhằm giúp khán giả hiểu rõ hơn về những thách thức mà ngôi sao võ thuật người Mỹ gốc Hoa phải đối mặt khi tham gia bộ phim cuối cùng.
Theo lời con gái Lý Tiểu Long, Long tranh hổ đấu chính là cơ hội để cha cô đạt được ước mơ của mình: có một bộ phim Hollywood do ông đóng chính. Đây được xem là một canh bạc mạo hiểm mà các nhà sản xuất tại kinh đô điện ảnh thế giới đặt vào ngôi sao võ thuật huyền thoại gốc Á bởi khán giả và giới làm phim phương Tây lúc bấy giờ vẫn còn nhiều định kiến với diễn viên da màu và có tư tưởng bài ngoại sâu sắc. Thế nhưng, Lý Tiểu Long không quá lo lắng về vấn đề đó, ngôi sao trẻ sẵn sàng tận dụng tối đa cơ hội này để đạt được khát vọng cho thế giới phương Tây thấy được tinh hoa của võ thuật Trung Hoa.
|
Tuy nhiên, vấn đề mà Lý Tiểu Long không hài lòng nhất là kịch bản phim. Huyền thoại võ thuật Hồng Kông cảm thấy chúng thật khủng khiếp và nam diễn viên thất vọng đến mức đòi sa thải biên kịch rồi sốt sắng viết lại phần lớn cốt truyện. Tất nhiên, hãng phim không làm theo ý của ngôi sao gốc Hoa, tiếp tục giữ lại biên kịch ở Hồng Kông trong khi nói dối rằng họ đã đưa người này về Los Angeles (Mỹ). Họ chỉ sửa lại một vài chi tiết nhỏ, tác phẩm ban đầu có tên Blood and Steel sau đó là Han's Island nhưng vẫn không khiến Lý Tiểu Long hài lòng và hoàn toàn thiếu vắng những cảnh quay biểu tượng mà khán giả về sau được theo dõi trong bản phim hoàn chỉnh.
Đối với Lý Tiểu Long, điều quan trọng nhất của bộ phim đó chính là phản ánh nghệ thuật và văn hóa của ông một cách chính xác và sâu sắc nhất với thế giới. Ngôi sao đình đám không muốn tác phẩm mang nhiều ý nghĩa này được làm ra mà không truyền tải được tất cả tinh thần đó. “Bố tôi đã quyết định viết lại kịch bản, gửi bản thảo của mình cho nhà sản xuất, ông cũng tranh cãi qua lại với hãng phim về tiêu đề. Nghệ danh tiếng Trung của ông ấy là Tiểu Long tức là con rồng nhỏ và tác phẩm là lời chào của ông đến thế giới phương Tây. Chính vì vậy, tiêu đề Enter the Dragon có một sức mạnh và đặc trưng mà hai cái tên Han's Island hay Blood and Steel không thể truyền tải. Ông ấy đã viết nhiều lá thư cho Warner Bros để kiến nghị về sự thay đổi này”, Shannon Lee tiết lộ.
|
Hãng phim cuối cùng cũng chịu nhượng bộ trước yêu cầu của Lý Tiểu Long và đổi tên phim. Những ngày sau đó, huyền thoại sinh năm 1940 đã tập luyện hăng say và làm việc liên tục để tạo ra kịch bản tốt nhất có thể. Ngôi sao võ thuật cũng viết một lá thư cho Ted Ashley - chủ tịch hãng Warner Bros, để bộc bạch về những tâm huyết và kỳ vọng với bộ phim, nỗ lực cống hiến cho tác phẩm đồng thời mong muốn nhận được sự đồng tình từ phía nhà sản xuất.
Cuối cùng, ngày quay đầu tiên cũng đến, đoàn phim của Hồng Kông và Mỹ đều có mặt trên phim trường và sẵn sàng bắt đầu. Tuy nhiên, nam chính Lý Tiểu Long vắng mặt, ngôi sao 32 tuổi từ chối đến trường quay. Nguyên nhân là do kịch bản cuối cùng không có những phần nội dung tâm huyết mà nghệ sĩ trẻ đã tạo ra, cũng không có bất kỳ sự thay đổi nào được thực hiện. “Người ta có thể nói rằng tại thời điểm ấy, cha tôi nên làm một bộ phim theo ý họ và hy vọng nó đủ tốt để ông có cơ hội tiếp theo và biết đâu sẽ có nhiều quyền sáng tạo hơn… Thế nhưng cha tôi đã thử điều này ở Hollywood và ông biết chúng không hiệu quả. Ông ấy biết rằng nếu bản thân không có lập trường, ông sẽ bị gạt ra ngoài hết lần này đến lần khác bởi những kẻ được cho là hiểu rõ hơn”, Shannon Lee bày tỏ.
|
Bất chấp sự vắng mặt của nam chính, đoàn phim đã bắt đầu quay những cảnh không liên quan đến Lý Tiểu Long trước. Giữa lúc đó, sao phim Tinh võ môn ở nhà, phớt lờ những lời khuyên giải, thuyết phục của các nhà sản xuất. Ngôi sao 32 tuổi khi ấy tuyên bố chỉ quay phim với kịch bản đã được đổi theo ý mình. Các nhà sản xuất sau đó đã che đậy sự việc bằng cách truyền tin rằng ngôi sao họ Lý đã quá lo lắng khi tham gia vào một bộ phim Hollywood và sợ tác phẩm thất bại nên không dám đến phim trường.
Shannon Lee bênh vực cha: “Trong những cuốn sách được viết nhiều năm sau khi cha tôi qua đời, Fred Weintraub (một trong số nhà sản xuất của phim) đã kể lại câu chuyện về nỗi sợ hãi tê liệt về phía cha tôi - trước sự kinh tởm và thất vọng tột độ của mẹ tôi và cả gia đình. Lý Tiểu Long không sợ cơ hội này. Trên thực tế, ông ấy là người duy nhất nhận ra bản chất đầy đủ của cơ hội, những gì có thể xảy ra và ông ấy thà thổi bay nó còn hơn lãng phí bằng cách làm điều gì đó nửa vời”.
|
Sự việc căng thẳng suốt hai tuần. Thời gian trôi qua, đoàn phim đã quay hết những cảnh phụ mà nam chính kiêm biên đạo võ thuật của phim vẫn chưa xuất hiện. Mọi chuyện trở nên nghiêm trọng bởi đoàn phim tốn kinh phí đáng kể trên trường quay nhưng không làm được gì. Các nhà sản xuất bắt đầu nhận được áp lực từ Warner Bros để đưa việc quay phim trở lại đúng hướng và cuối dùng đành nhượng bộ trước yêu cầu của Lý Tiểu Long. Họ thực hiện những thay đổi trong kịch bản theo nội dung mà nam diễn viên đã dày công sáng tạo và đồng ý quay bộ phim theo hướng mà sao nam này vạch ra.
Cuối cùng, Long tranh hổ đấu được hoàn thành vào tháng 4.1973 nhưng ba tháng sau Lý Tiểu Long qua đời khi phim chưa kịp ra rạp. Tháng 8 cùng năm, siêu phẩm hành động võ thuật này đổ bộ màn ảnh rộng và trở thành cơn sốt tại phòng vé toàn cầu. Tác phẩm thu về hơn 350 triệu USD trong khi chỉ tốn khoản chi phí 850.000 USD. Đây là bộ phim hoàn chỉnh cuối cùng của huyền thoại võ thuật xứ Cảng thơm đồng thời là tác phẩm củng cố vị thế của ngôi sao họ Lý với tư cách là một biểu tượng võ thuật, văn hóa.
Enter the Dragon cũng được xem là một trong những bộ phim hành động có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Thành công của phim đã làm khơi dậy niềm đam mê võ thuật trên toàn thế giới đồng thời truyền cảm hứng cho hàng loạt tác phẩm hành động, chương trình truyền hình, trò chơi đối kháng, truyện tranh, phim hoạt hình…
Bình luận (0)