Ma trận đầu tư chứng khoán, tiền ảo bủa vây người dân

19/09/2024 06:16 GMT+7

Xuất phát từ những cuộc gọi quảng cáo hay kết bạn với người lạ, nhiều người đã bị dẫn dụ vào các hội nhóm đầu tư chứng khoán, tiền ảo và cuối cùng mất trắng số tiền dành dụm.

Giả mạo giấy tờ để mời gọi đầu tư

Một ngày giữa tháng 9, anh B.C.N, giám đốc một công ty thực phẩm tại TP.HCM, liên tục nhận những cuộc điện thoại mời gọi đầu tư chứng khoán, tham gia sàn giao dịch quốc tế. Anh N. chia sẻ: "Tôi có tài khoản ở một công ty chứng khoán trong nước, có lẽ vì vậy mà thông tin của tôi bị lộ, bị mua bán nên nhiều người gọi đến chào mời. Thậm chí họ còn tự động đưa tôi vào những nhóm chat Telegram dù tôi không yêu cầu hay đồng ý".

Ma trận đầu tư chứng khoán, tiền ảo bủa vây người dân- Ảnh 1.

Nhiều người bỗng dưng bị lôi kéo vào các hội, nhóm đầu tư chứng khoán

ẢNH: ĐINH ĐANG

Đưa cho PV Thanh Niên xem điện thoại của mình, chị N.K, ngụ Q.4 (TP.HCM), cho biết gần đây chị bị nhiều nhóm chat lôi kéo vào một cách tự động với những tên gọi rất "kêu" như: "Tư vấn siêu cổ tăng trưởng 2024", "Nhóm VIP lướt sóng", "Room VIP: khuyến nghị tư vấn mua cổ phiếu"… Chị N.K bức xúc: "Tôi thấy tình trạng cuộc gọi rác hiện nay đang bùng phát trở lại, đặc biệt là các telesale chào mời giao dịch chứng khoán. Tôi chưa biết những người này có lừa đảo hay không, nhưng các cuộc gọi spam như vậy rất phiền phức và làm mất thời gian của tôi".

Ngay chính PV Thanh Niên cũng gặp những cuộc gọi chào mời tham gia đầu tư chứng khoán. Nói chuyện với chúng tôi qua điện thoại, một nữ nhân viên tự giới thiệu đến từ một công ty uy tín có trụ sở tại Q.Tân Bình (TP.HCM) và sẵn sàng mời chúng tôi đến văn phòng để trao đổi thông tin. Nhân viên này khẳng định: "Công ty tụi em cam kết đầu tư sẽ có lợi nhuận 10% mỗi tháng và nếu có lỗ thì công ty sẽ chịu 100%, khách hàng vẫn nhận được tiền lãi đều đặn". Thấy có vẻ hoang đường, chúng tôi đã từ chối nhưng cô này vẫn tiếp tục dẫn dụ chúng tôi tham gia nhóm Zalo để được tư vấn cụ thể hơn.

Ma trận đầu tư chứng khoán, tiền ảo bủa vây người dân- Ảnh 2.

Các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến hiện nay

ẢNH: CHONGLUADAO.VN

Thử tham gia nhóm này, chúng tôi thấy nhiều người thảo luận sôi nổi, khoe thành tích và tiền lời, thỉnh thoảng lại xuất hiện một "thầy" tư vấn và sau đó nhiều người lại tung hô, khen ngợi "thầy" dự đoán quá chính xác, mang lại lợi nhuận rất cao. Một ngày sau khi tham gia nhóm, chúng tôi tiếp tục được nhân viên nhắn tin riêng để tư vấn, mời gọi vào room VIP để có thể gặp trực tiếp "thầy" và có thêm các quyền lợi để đầu tư.

Mặc dù đây là hình thức "lùa gà" quen thuộc, nhưng không phải ai cũng có thể tỉnh táo để nhận ra. Anh D.T.H, ngụ tại Hà Nội, mới đây đã mất số tiền hơn 14 tỉ đồng. Theo trình báo, anh H. nhận được cuộc điện thoại lạ của một người phụ nữ mời tham gia quỹ đầu tư chứng khoán nhưng anh từ chối. Tuy nhiên, người này tiếp tục đề nghị kết bạn qua Zalo và sau đó mời anh vào nhóm "Chia sẻ giao lưu Quỹ SeQuoia Capital VN". Vì tò mò đọc tin nhắn trong nhóm và theo dõi thấy các mã chứng khoán được tư vấn tăng tốt, hiệu quả nên anh H. đã tham gia.

Anh H. được hướng dẫn cài app "Smart SQV" mở tài khoản và nạp tiền chơi cổ phiếu. Số tiền anh H. đã đầu tư mua mã chứng khoán là 14 tỉ đồng và giá trị sau khi tăng "ảo" là hơn 30 tỉ đồng. Sau đó, anh nhận được các thông báo tạm dừng, từ chối mua tiếp, hoàn thành các thủ tục để rút tiền về. Để rút được tiền, những người quản lý app buộc anh H. phải chuyển tiền phí quản lý lợi nhuận là 1,6 tỉ đồng và thuế thu nhập cá nhân là 332 triệu đồng. Nộp xong, anh H. không liên lạc được với quỹ đầu tư chứng khoán nói trên. Lúc này anh mới biết mình bị lừa.

Ma trận đầu tư chứng khoán, tiền ảo bủa vây người dân- Ảnh 3.

Mục đích kêu gọi dụ dỗ tham gia sàn giao dịch chứng khoán chủ yếu là để lừa tiền nhà đầu tư

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Giữa tháng 9, Công an TP.Hà Nội cũng nhận đơn trình báo một trường hợp tương tự từ bà V. (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội). Những kẻ lừa đảo dẫn dụ bà V. tham gia nhóm "Tài chính thời đại" và đầu tư tiền ảo qua sàn Bitforex.com. Trước khi bắt đầu giao dịch, "người quản lý" yêu cầu bà V. chuyển khoản tiền và giải thích đây là phí đăng ký, phí tham gia và tiền ký quỹ. Nghe lời quảng cáo của các đối tượng, bà V. đã chuyển tiền nhiều lần để đầu tư tiền ảo. Tuy nhiên khi thực hiện thao tác bán tiền ảo thì hệ thống báo lỗi. Sau đó, các đối tượng hướng dẫn bà phải đóng thuế, phí bảo hiểm… thì mới được rút tiền ra. Lúc này bà mới biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo, tổng số tiền bị chiếm đoạt là 2,3 tỉ đồng.

Cần giữ chặt túi tiền

Theo ghi nhận từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), thời gian gần đây, trung tâm nhận nhiều phản ánh từ người dân về cuộc gọi từ các số điện thoại lạ mời tham gia hội nhóm Telegram, Zalo để đầu tư tài chính. Các đối tượng này lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó giao cho đội ngũ nhân viên telesale gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia các nhóm Zalo và Telegram. Sau khi nhà đầu tư tham gia nhóm, đối tượng và thành viên của nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện thuyết phục nhà đầu tư thực hiện các nhiệm vụ điểm danh nhận tiền, giao dịch đầu tư tài chính, mua bán tiền ảo, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tài sản.

Phân tích sâu hơn, dự án Chongluadao.vn chỉ rõ: Ban đầu, đối tượng quảng cáo sàn giao dịch của mình với lời hứa lãi suất cao, thậm chí đưa ra các bằng chứng giả mạo về lợi nhuận từ các nhà đầu tư trước đó. Khi thấy người dân, nhà đầu tư không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng sẽ vô hiệu hóa tài khoản, chặn liên lạc nhằm chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển khoản… Hoặc sau khi thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư và nhận được tiền chuyển vào, các sàn giao dịch ảo này sẽ đóng cửa hoặc biến mất, khiến nhà đầu tư mất sạch số tiền đã đầu tư.

Bộ Công an chỉ ra các dấu hiệu nhận biết lừa đảo dụ dỗ đầu tư gồm các hành vi sau: Thứ nhất, các đối tượng thường chủ động tiếp cận người dân để giới thiệu, quảng cáo về trang web hoặc sàn giao dịch mà mình đang đầu tư và thu được lợi nhuận cao. Thứ hai, phương thức tiếp cận nạn nhân của các đối tượng rất đa dạng, có thể từ quảng cáo trên mạng xã hội, hoặc vào vai doanh nhân thành đạt kết bạn làm quen, trò chuyện tình cảm trong thời gian dài, dần dần lôi kéo đầu tư. 

Thứ ba, các đối tượng tìm nhiều cách để không gặp mặt nạn nhân, lấy lý do ở nước ngoài, đi công tác..., giả mạo định vị để tạo lòng tin. Chúng luôn đóng vai là người đầu tư cùng khiến nhiều nạn nhân dù đã nghi ngờ bị lừa đảo nhưng vẫn tin tưởng vào "người bạn" của mình nên tiếp tục chuyển tiền. Thứ tư, nạn nhân thường được đưa vào các nhóm kín trên mạng xã hội có nhiều tài khoản ảo đóng vai "chuyên gia đọc lệnh", thành viên cùng tham gia đầu tư. Các tài khoản ảo thường xuyên đăng tin chuyển tiền thành công hoặc đã nhận được lãi suất từ sàn đầu tư sau khi làm theo hướng dẫn của các "chuyên gia". Khi nạn nhân có dấu hiệu nghi ngờ, cân nhắc chuyển tiền, các tài khoản ảo liên tục thúc giục chuyển tiền để nhóm tiếp tục hoạt động...

Người dân cần thận trọng khi được giới thiệu mời chào đầu tư chứng khoán cũng như không nên tham gia các hoạt động sự kiện, hội nghị, hội thảo kêu gọi đầu tư liên quan đến tài chính, chứng khoán, tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc nhấp vào đường dẫn lạ. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, hoặc phát hiện trên địa bàn diễn ra các sự kiện liên quan đến tài chính, chứng khoán, tiền ảo, tiền kỹ thuật số, cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.