Có một học viện yoga do người Việt mở ra trên đất Ấn - nơi được gọi là thánh địa yoga! Và một học viện khác lại được mở tiếp tại vùng được xem là cái nôi của yoga.
Sridevi Tố Hải - Ảnh: NVCC |
Người làm những điều kỳ lạ trên lại là một phụ nữ - Master Sridevi Tố Hải.
Lội ngược dòng
“Chở củi về rừng” chăng? Nhiều người thắc mắc về hành trình ngược của Sridevi Tố Hải - Chủ tịch Công ty yoga và thiền Trái Tim Vàng. “Đừng để những hoài nghi làm cản trở con đường mà bạn đã dành tất cả tâm huyết để vạch ra. Thành quả trên con đường bạn mở ra sẽ minh chứng cho những hoài nghi đó”, Sridevi Tố Hải chia sẻ tâm niệm về con đường mà cô đã chọn.
Theo Sridevi Tố Hải, không thể bỏ qua yếu tố Ấn Độ là cái nôi khai sinh ra yoga, và một yogi không thể không một lần đặt chân đến “đất thánh”. Chính vì vậy, việc mở học viện tại đất Ấn là chặng hành trình không thể bỏ qua trên con đường mà Sridevi Tố Hải mang yoga vươn ra thế giới. Thêm vào đó, một lý do nữa thôi thúc cô mở học viện yoga tại Ấn Độ là bởi niềm tin mãnh liệt “nghề yoga - nghề của người Việt” và cần phải được minh chứng bằng hành động cụ thể. Tại Rishikesh, hằng năm học viện của người phụ nữ mạnh mẽ này đón hàng ngàn yogi trên thế giới về tu luyện. Sau khóa học, các yogi được cấp chứng chỉ quốc tế và có giá trị trên toàn thế giới bởi các chuyên gia hàng đầu tại Ấn đào tạo.
Với 15 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy yoga và thiền không chỉ ở VN mà còn nhiều nước trên thế giới, Tố Hải rất tự tin, bởi 15 năm qua cô đi lại giữa VN và Ấn Độ như con thoi, đủ để thấu hiểu nhu cầu người Ấn cần gì ở yoga. “Ở tại cái nôi của yoga nhưng rất ít người Ấn tập yoga, dù họ hiểu rành rẽ công dụng của yoga như thế nào. Và đặc biệt, tôi nhận ra rằng người Ấn Độ được phổ cập yoga từ nhỏ nên những cái cơ bản họ nắm rất vững, nhưng yoga trị liệu, yoga massage, yoga nâng cao thì họ hầu như không biết đến”, Tố Hải tâm tư. Cô nói thêm, cũng giống như trong khi một số ngành nghề truyền thống ở VN đang dần mai một, thì lại được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng và tìm tòi khôi phục, yoga ở Ấn Độ cũng vậy. Tài sản của người Ấn là yoga và thiền định nhưng họ đã lãng quên nó, thậm chí yoga không được coi là một ngành nghề, chính vì vậy, đây lại càng là cơ hội để cô phát triển nó.
|
|
Từ yoga cho mình…
Để có những thành tựu như hôm nay là cả chặng hành trình không biết mệt mỏi của một cô gái phải ra đời mưu sinh khi mới 12 tuổi, bỏ lại sau lưng con đường học hành, trải qua các công việc từ giúp việc nhà, ai gọi gì làm nấy để kiếm tiền mưu sinh cho cả gia đình. Tố Hải đến với yoga rất tình cờ khi cô thiếu nữ 15 tuổi bắt đầu ý thức rằng vóc dáng thì mập, hai tay lại bị khoằm không khép lại được do chứng xơ hóa cơ Delta, và chỉ yoga mới có thể giúp cô cải thiện những nhược điểm ấy.
Ban đầu, Tố Hải chọn học aerobic để cải thiện vóc dáng. Cô đã nỗ lực chạy bộ mỗi ngày từ 4 giờ sáng nhưng hai tay vẫn không thể khép vào người. Yoga lúc bấy giờ là một khái niệm rất mới, cô đi học thử và chỉ sau một tháng, cô nhận thấy môn học này không chỉ giúp cho thân hình đẹp hơn mà còn có thể giúp cô kiếm tiền tốt hơn.
“Khi cơ thể được cải thiện rõ rệt và việc kiếm tiền trở nên nhẹ nhàng hơn, niềm khao khát đến với nghề yoga trong tôi càng thêm mãnh liệt. Nó hối thúc tôi tìm thầy để học, tìm sách để đọc”, Tố Hải chia sẻ.
Miệt mài tìm tòi suốt một thời gian dài, được biết về cô Ayuni (người Nhật) nổi tiếng trong giới đang dạy tại khách sạn Sofitel (TP.HCM), Tố Hải bèn tìm đến tầm sư học đạo, nhưng cô Ayuni từ chối mà không đưa ra lý do. Không từ bỏ ý định, Tố Hải tìm đến nhà cô ở Phú Mỹ Hưng ròng rã một tuần và cuối cùng khuất phục trước sự “lì lợm” của Tố Hải, cô Ayuni đồng ý nhận cô làm học trò.
Không dừng lại đó, Tố Hải sẵn sàng đầu tư theo học lớp do người nước ngoài giảng dạy với giá 100 USD/tháng, không giới hạn giờ học. Thời gian đó, cô mang cơm theo ăn trưa để có thể theo học hết cả 4 lớp được dạy trong ngày. Sau đó, cô còn đặt lịch học tại nhà với một thầy người Mỹ với giá 60 USD/ giờ để vừa học được nghề, vừa học được tiếng Anh nhanh hơn.
“Lúc này tôi xác định mình sẽ phải trở thành một chuyên gia tầm cỡ thế giới để được như các thầy dạy bấy giờ”, Tố Hải nói. Cô như bị thôi miên khi cuốn theo các khóa học để đến với con đường chuyên nghiệp nhanh hơn, khao khát được làm việc cật lực để ra nước ngoài, bởi cô biết, không có kiến thức từ trường đại học thì phải có từ trường đời. Hơn nữa, cô nghĩ rằng có được bằng cấp quốc tế thì sẽ dễ dàng được công nhận hơn.
|
|
… Đến yoga cho thế giới
Năm 16 tuổi, lần đầu tiên Tố Hải ra nước ngoài với vốn kiến thức ít ỏi và khoản tiền eo hẹp. Sau khi tìm hiểu các khóa học, Tố Hải chọn Thái Lan vì ở đó có rất nhiều trung tâm yoga, mỗi trung tâm đều có chương trình học thử một tuần miễn phí, cô đăng ký học để hướng tới mục đích qua đất Ấn hành nghề. Lăn lộn nhiều, kinh nghiệm của Tố Hải cũng tăng lên. Sau mỗi chuyến đi Ấn Độ về, tiền công dạy của cô lại tăng thêm vài USD mỗi giờ. Thời điểm Tố Hải quyết định mở trung tâm cho chính mình, tiền công dạy của cô đã là 24 USD/giờ.
Sau nhiều lần qua các nước Thái Lan, Singapore, Dubai, Ấn Độ... theo Tố Hải, đây là một công việc nhẹ nhàng, có thu nhập tốt. Nhu cầu về yoga trên thế giới ngày càng cao, tiềm năng xuất khẩu huấn luyện viên yoga người Việt không nhỏ. Chính trong thời gian này, cô nung nấu ý định biến công việc huấn luyện viên yoga trở thành nghề đặc trưng của người Việt. “Nghề huấn luyện viên yoga về cơ bản phù hợp với tất cả mọi người, mọi thể trạng, tuy nhiên, nó đặc biệt phù hợp với cơ địa của người Việt. Bởi nghề huấn luyện viên yoga đòi hỏi phải có độ dẻo để thực hiện các động tác, mà điểm mạnh của người VN nói riêng và người châu Á nói chung là cơ thể linh hoạt, khung xương nhỏ; bên cạnh đó, người Việt rất siêng năng, chăm chỉ nên khá phù hợp”, Tố Hải cho biết.
Hiện tại, có 4 huấn luyện viên người Việt được cử sang Ấn dạy yoga tại hai học viện Surat và Rishikesh do Sridevi Tố Hải sáng lập. Ngoài ra, trong nước, Tố Hải cũng mở đến 9 trung tâm dạy yoga ở khắp các tỉnh thành và số lượng học viên đến đăng ký theo học mỗi ngày một đông.
|
|
|
Bình luận (0)