Xin mượn tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khắc Trường viết cách đây gần 30 năm, để nói về những câu chuyện “ma đất” rộ lên ngày càng nhiều, ở khắp nơi mọi chốn, đã làm điên đảo biết bao gia đình, bao người phải lao đao khốn đốn vì những “dự án ma”!
Theo điều tra của Báo Thanh Niên, thì chỉ trong vòng 3 năm, Công ty CP địa ốc Alibaba có gần 50 dự án tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai với 20 ngàn sản phẩm đất nền tung ra bán, nhưng không đủ hồ sơ pháp lý. Tương tự, trên một tờ báo khác, dẫn theo nguồn từ các quận, huyện: Bình Tân, 12, Hóc Môn thuộc TP.HCM, có đến 19 khu đất công hoặc đất nằm trong quy hoạch các dự án công cộng, phúc lợi cộng đồng, đang được những “ma đất” ngang nhiên rao bán. Lãnh đạo của Q.12 còn cho rằng, hiện nay trên địa bàn có một số đối tượng lập dự án phân lô bán nền trái phép! Tại các xã: Đông Thạnh, Xuân Thới Thượng, Nhị Bình thuộc H.Hóc Môn, cũng đang có rất nhiều cò đất dẫn dụ người mua đất vào những khu đất mà nơi đó, chúng hoàn toàn không có một tờ giấy đảm bảo tính pháp lý nào, để rao bán!Vì sao các “ma đất” lại lộng hành đến như vậy? Trước hết, xin nói thẳng, đó là do các cơ quan chức năng của chính quyền các địa phương không nghiêm. Bởi, chẳng ai có thể đặt một viên gạch, đổ một xe cát hay phóng một đoạn đường, dù là bê tông để phân lô, mà qua mặt được các cơ quan thuộc chính quyền sở tại. Chẳng ai có thể dựng một chiếc lều trên một khu đất trống mà không bị “sờ gáy” hoặc sự nhòm ngó của các quan chức địa phương. Tất cả nhan nhản những bảng hiệu rao bán đất nền tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh, thành khác, là những nơi phải được phép của chính quyền, được chiếu theo luật Kinh doanh bất động sản và nhiều bộ luật khác như: luật Đất đai, luật Xây dựng để hành xử. Chẳng ai, chẳng một người dân nào lại có thể ngang nhiên rao bán được một “cục đất chọi chim”, nếu không có sự đồng ý của chính quyền. Còn nại ra đủ thứ lý do để nói rằng không biết, không thấy, thì nhất định phải xem lại hiệu lực quản lý của cả hệ thống chính quyền địa phương ấy.
Còn nhớ, nhiều năm trước, ở các quận: Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh… rất nhiều đầu nậu lập “dự án ma” rồi xây dựng hàng trăm căn nhà trái phép ngay trước mắt chính quyền. Khi báo chí vào cuộc phanh phui, thì các vị đại diện chính quyền thanh minh bằng một câu cũ rích: “Họ xây dựng vào ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ nên không thể nào phát hiện được (?!)”. Cách nói bao biện ấy cho thấy đằng sau nó là cái gì, chắc ai cũng thừa hiểu! Và rồi ra quyết định cưỡng chế, và rồi trên mặt báo, ai cũng chứng kiến nước mắt của bao người dân bị lừa đến đồng bạc cuối cùng. Và rồi hàng loạt quan chức bị kỷ luật. Để rồi cho đến bây giờ, “ma đất” vẫn đầy rẫy!
Tôi còn nhớ như in hình ảnh đôi mắt của hai đứa bé, con của một cặp vợ chồng công nhân, khi chiếc xe ủi trờ tới định bứng căn nhà xây qua loa bằng gạch, lợp tôn, thì chúng òa khóc nức nở. Hỏi ra mới rõ, bố mẹ chúng biết là sẽ bị phá nhà, nên đã bỏ đi, bất tuân quyết định cưỡng chế, nhốt hai đứa con nhỏ trong nhà để người ta không phá bỏ, để cho căn nhà tồn tại! Chiếc xe ủi ấy phải dừng lại, và những người trong lực lượng cưỡng chế phải phá bỏ căn nhà bằng phương pháp thủ công.
Cũng tại nhiều quận huyện ở TP.HCM, có hàng loạt dự án phân lô xây nhà trái phép hiện vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Người dân mua những căn nhà một trệt một lầu có diện tích 4x12 m hoặc 4x10 m với giá từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, cách đây đã 4-5 năm, nhưng bây giờ vẫn chưa được nhận giấy tờ chủ quyền riêng cho những căn nhà của mình. Vì, các đầu nậu nhà đất ở đây mua đất “sổ đỏ” có diện tích rộng 200-300 m2, nhưng chỉ xin được một giấy phép xây dựng (do bị khống chế về hạn mức tách thửa), rồi phân ra xây 5-6 căn nhà để bán. Thành ra, bây giờ đất thì vẫn chung một “sổ đỏ”, nhiều nhà thì có chung một giấy phép xây dựng, chẳng thể tách ra được để làm thủ tục cấp… “giấy hồng”! Thành ra, nhà thì người dân bỏ tiền mồ hôi nước mắt tích cóp để mua, mà giấy tờ vẫn đang ở phương nào đó! Vấn nạn ấy sinh ra do đâu? Có hay không sự cấu kết giữa các đầu nậu với các quan chức cấp phường, cấp quận, huyện?
Đất đai, xây dựng là một lĩnh vực vô cùng phức tạp và “nhạy cảm”, nhưng không thể vì vậy mà không quản lý chặt chẽ. Còn nếu chính quyền vẫn buông lỏng, hoặc cố tình buông lỏng, thì khẳng định chắc chắn một điều: chẳng bao giờ hết “ma”!
Bình luận (0)