Manh mối về nguồn gốc Covid-19 từ bệnh nhân người Ý

Xuân Thu Thủy
Xuân Thu Thủy
14/07/2021 00:10 GMT+7

The Wall Street Journal ngày 12.7 đưa tin, các thành viên trong nhóm nghiên cứu nguồn gốc dịch Covid-19 do Tổ chức Y tế thế giới ( WHO ) dẫn đầu đang điều tra trường hợp một phụ nữ 25 tuổi tại Milan (Ý) đến bệnh viện vào ngày 10.11.2019 với triệu chứng đau họng và tổn thương da.

Trên mẫu da nhỏ hơn đồng xu mà người phụ nữ này để lại, các nhà khoa học đã thực hiện 2 cuộc kiểm tra trong hơn 6 tháng và tìm thấy dấu vết của SARS-CoV-2 (vi rút gây ra đại dịch Covid-19), theo nghiên cứu được công bố vào tháng 1 bởi Chuyên san Da liễu Anh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng mẫu da dương tính với SARS-CoV-2, hiện được đặt trong một phòng nghiên cứu ở Milan, là bằng chứng về việc dịch bệnh đã thực sự xuất hiện rải rác trên khắp thế giới trong những ngày đầu của đại dịch. Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu về trường hợp của người phụ nữ này có thể giúp xác định vi rút đã lưu hành ở Trung Quốc và những nơi khác trong bao lâu, trước khi một loạt ca bệnh bùng phát tại Vũ Hán vào tháng 12.2019.

Một phụ nữ Ý có thể là 'bệnh nhân zero' của đại dịch Covid-19?

Tuy nhiên, một vấn đề lớn đối với các nhà nghiên cứu hiện tại là họ không có thêm bất kỳ thông tin nào về người phụ nữ nói trên. Bệnh viện Policlinico (Milan, Ý), nơi tiếp nhận trường hợp này, cho biết họ không thể tìm thấy thông tin chi tiết của bệnh nhân, theo The Wall Street Journal. Tiến sĩ - bác sĩ Raffaele Gianotti, chuyên khoa da liễu - người trực tiếp điều trị cho cô gái, đã qua đời vào tháng 3, vài ngày trước khi nhóm nghiên cứu do WHO dẫn đầu kêu gọi điều tra thêm về bệnh nhân của ông.
Từ cuối năm 2020, WHO đã khởi động kế hoạch tìm kiếm các trường hợp mắc Covid-19 có thể xảy ra ở các quốc gia khác trước Trung Quốc nhằm củng cố lịch trình về sự lây lan của vi rút. Để làm được điều này, nhóm nghiên cứu đã yêu cầu các ngân hàng máu ở một số quốc gia xét nghiệm mẫu từ cuối năm 2019 để tìm sự hiện diện của kháng thể chủng vi rút gây bệnh Covid-19, theo Daily Mail ngày 13.7.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Ý vào đầu năm 2020, tiến sĩ Raffaele Gianotti đã xem xét lại các mẫu da được lưu trữ từ các bệnh nhân của mình. Ông đã tiến hành 2 cuộc kiểm tra trên mẫu da của người phụ nữ bí ẩn kể trên, cả hai đều tìm thấy protein và vỏ protein đột biến. Không may là mẫu da đã quá suy thoái, không thể tiến hành cuộc thử nghiệm thứ ba giải trình tự gien của vi rút để xác nhận người phụ nữ kia thực sự đã mắc Covid-19. Tiến sĩ Massimo Barberis, cộng sự của ông Gianotti, cho rằng có khả năng cô gái đã bị nhiễm Covid-19 không triệu chứng trong một thời gian.

Chuyên gia dịch tễ Trung Quốc kêu gọi tập trung điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Mỹ

Theo một nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Ý và ĐH Siena (Ý) vào tháng 11 năm ngoái, SARS-CoV-2 đã âm thầm lan truyền tại Ý từ tháng 9.2019. Hơn 11% số mẫu thử trong nghiên cứu cho thấy có các kháng thể đặc trưng của chủng vi rút gây bệnh Covid-19. Một báo cáo khác cũng do các nhà khoa học nước này công bố hồi tháng 6.2020, dấu vết Covid-19 được tìm thấy trong các mẫu nước thải từ tháng 12.2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.