Mất 'quy chế đặc biệt' của Mỹ có ý nghĩa gì với Hồng Kông?

01/06/2020 14:30 GMT+7

Tuyên bố của Washington với nội dung Hồng Kông không còn quyền tự trị từ Trung Quốc là một thời khắc lịch sử với những hậu quả sâu rộng đối với trung tâm tài chính của châu Á - mặc dù điều này phụ thuộc khá nhiều vào Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Mỹ hôm 29.5 tuyên bố sẽ rút lại quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông, động thái có thể dẫn đến tác động lớn đối với cửa ngõ kinh tế toàn cầu của Trung Quốc trong vài thập niên qua.

Vì sao Hồng Kông được hưởng quy chế đặc biệt?

Khi Anh giao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997, một thỏa thuận “1 quốc gia, 2 chế độ” được lập ra cho phép đặc khu giữ một số quyền tự do và tự trị trong 50 năm bao gồm kinh tế thị trường tự do, nền tư pháp tự do, tự do ngôn luận và tự chủ lập pháp.

Người dân Hồng Kông mang khẩu trang trên đường trong lúc dịch Covid-19 đang hoành hành

Getty Images

Sau đó, nhiều quốc gia ra luật cho phép xem Hồng Kông như một thực thể thương mại tách biệt khỏi Trung Quốc. Đặc khu tiếp tục phát triển thành trung tâm tài chính thế giới, sánh với London, New York nhờ các thỏa thuận miễn visa, đồng tiền định giá theo USD, sàn chứng khoán lớn thứ 4 thế giới, luật lệ thuận lợi, bảo vệ về luật pháp.

Chuyện gì đã xảy ra?

Quyết định rút lại quy chế đặc biệt ra đời sau khi có nhiều lo ngại Trung Quốc can thiệp sâu vào Hồng Kông. Mới nhất, quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết xúc tiến ban hành một luật an ninh riêng cho đặc khu nghiêm cấm phản loạn và hành vi đe dọa an ninh quốc gia, nhằm ngăn chặn “khủng bố” và “ly khai”.
Nhiều người phản đối cho rằng luật này làm giảm tự trị của Hồng Kông. Theo một đạo luật thông qua vào năm 2019 tại Mỹ, hằng năm Bộ Ngoại giao Mỹ phải chứng nhận rằng Hồng Kông duy trì mức độ tự trị với Trung Quốc đủ để nhận quy chế đặc biệt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ phiếu về luật an ninh quốc gia cho Đặc khu hành chính Hồng Kông tại phiên họp bế mạc Đại hội Nhân dân toàn quốc (NPC) tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 28.5

Reuters

Hôm 25.5, Bộ Ngoại giao Mỹ nói Hồng Kông đã mất quyền tự trị. Hôm 29.5, Tổng thống Donald Trump nói sẽ xóa một số đặc quyền thương mại dành cho Hồng Kông. Ông chỉ đạo giới chức “bắt đầu quá trình xóa bỏ chính sách đang cho Hồng Kông nhận được đối xử khác biệt và đặc biệt”.
“Điều này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều thỏa thuận, từ hiệp ước dẫn độ đến kiểm soát xuất khẩu các công nghệ lưỡng dụng và còn nhiều nữa, có rất ít ngoại lệ”, ông Trump nói. Nhưng ông không nói rõ chi tiết.
Nếu Washington nặng tay, Trung Quốc có nguy cơ mất hết mọi kết nối tài chính với thị trường tự do, Bloomberg News dẫn lời ông Robert Spalding, một chuyên gia Mỹ - Trung Quốc tại Viện Hudson.

Hồng Kông hết cửa làm ăn?

Chính sách về Trung Quốc của chính quyền Mỹ khá khó đoán định. Tổng thống Trump tỏ ra cứng rắn về thương mại với Bắc Kinh, nhưng vẫn nói về quan hệ tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cận kề cuộc bầu cử vào cuối năm nay, ông Trump cũng sẽ gặp nguy cơ nếu thỏa thuận thương mại với Trung Quốc bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp Mỹ có thể chịu tác động nặng nề nếu Mỹ trừng phạt kinh tế Hồng Kông.

Toàn cảnh các tòa nhà chọc trời tại Hồng Kông

Reuters

Ước tính có trên 700 công ty Mỹ đặt trụ sở cấp vùng tại đặc khu này. Tuy nhiên thái độ của chính quyền Mỹ với Trung Quốc ngày càng ngả theo hướng cứng rắn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Mặt khác, các công ty Trung Quốc cũng rất cần Hồng Kông để tiếp cận với ngoại tệ, ngân hàng quốc tế và công ty thương mại. Nhưng đặc khu không còn quá quan trọng như trước. Trong năm 2019, 12% xuất khẩu của Trung Quốc đi qua Hồng Kông. Năm 1992, tỉ lệ này là 45%.

Cảnh sát Hồng Kông đụng độ với người biểu tình phản đối dự luật cấm phỉ báng quốc ca Trung Quốc hôm 27.5

Reuters

Dự báo bước đi sắp tới?
Ông Julian Ku, chuyên gia luật quốc tế ở Đại học Hofstra, nói với AFP rằng Tổng thống Trump có “rất nhiều khoảng trống để linh hoạt”. “Tôi trông đợi ông Trump tiến hành vài bước lớn để Trung Quốc hiểu là ông nghiêm túc, nhưng ông sẽ không thay đổi mọi luật lệ Mỹ áp dụng với Hồng Kông”.
Còn ông Steve Tsang, chuyên gia về Trung Quốc ở Đại học London (SOAS), nói Bắc Kinh khó thay đổi lập trường sau động thái của Mỹ, thậm chí có thể trả đũa. Hãng nghiên cứu tư vấn Capital Economics cho rằng thiệt hại kinh tế ngắn hạn đối với Hồng Kông là “chấp nhận được” nếu Mỹ bỏ các đặc quyền thương mại. “Nhưng điều đó sẽ đẩy nhanh sự xói mòn vị thế là một trung tâm kinh doanh quốc tế của Hồng Kông”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.