Trong nhiều thập niên, các cộng đồng ven vịnh Mexico ở hai bang Louisiana và Texas của Mỹ đã sống trong bóng tối của các nhà máy hóa dầu khổng lồ thải ra chất thải độc hại, biến các khu vực này trở thành "Cung đường ung thư" hay Thung lũng chết".
Giờ đây, trong bối cảnh xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu bùng nổ chưa từng có, ngành công nghiệp khai thác nhiên liệu hóa thạch đang nhắm đến chính những cộng đồng này để xây dựng hàng loạt cơ sở công nghiệp mới với hứa hẹn về việc làm và đầu tư.
Song một số người dân địa phương đang yêu cầu chấm dứt các hoạt động xây dựng. Họ cho rằng họ đang bị biến thành "vật tế thần" trong cuộc chạy đua nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng tại châu Âu sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào đầu năm 2022, cũng như để làm giàu cho các doanh nghiệp, theo tường thuật gần đây của báo Financial Times (FT).
"Khu vực hy sinh"
Nhờ sự bùng nổ kéo dài hai thập niên của ngành khai thác dầu đá phiến và khí đốt, Mỹ đã chuyển từ nước nhập khẩu ròng sang nước xuất khẩu ròng về năng lượng vào năm 2019. Cùng với chiến sự ở Ukraine, Mỹ đã gia tăng xuất khẩu LNG và vượt qua Qatar để trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ, 7 cảng LNG hiện tại của nước này có thể sản xuất tới 323 triệu m3 LNG mỗi ngày - đủ để đáp ứng nhu cầu khí đốt tổng hợp của Đức và Pháp. Năm dự án nữa sẽ bổ sung thêm 275 triệu m3 LNG/ngày. Hàng chục dự án LNG khác đã được đề xuất, hầu hết đều nằm xung quanh ranh giới Texas - Louisiana.
Các công ty trong ngành LNG cho rằng sự bùng nổ của lĩnh vực này đang tạo ra hàng trăm tỉ USD đầu tư, thúc đẩy an ninh năng lượng của các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á, đồng thời tạo ra hàng chục ngàn việc làm ở những khu vực có nhiều người sống dưới mức nghèo khổ.
Song các cộng đồng sống trong sự ảnh hưởng của việc xây dựng cơ sở hạ tầng ồ ạt nói rằng họ đã bị các nhà hoạch định chính sách lãng quên - và những lo ngại của họ về tình trạng di dời nơi cư trú, ô nhiễm và biến đổi khí hậu phần lớn đã bị phớt lờ. Họ cho rằng các cộng đồng nơi họ sinh sống đã bị biến thành "khu vực hy sinh". Đây là thuật ngữ mà các nhà hoạt động sử dụng để kêu gọi "công lý môi trường" ở những khu vực bị tổn hại do hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch kéo dài nhiều thập niên.
Mỹ xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới
FT cho biết 2 trong số các cơ sở LNG lớn nhất nước Mỹ - Cameron LNG của công ty Sempra và Calcasieu Pass của công ty Venture Global LNG - nằm trong bán kính 50 km tính từ nhà máy lọc dầu Citgo Lake Charles ở bang Louisiana - một trong những cơ sở hóa dầu lớn nhất nước Mỹ. Và các công ty đang đề xuất xây dựng thêm 6 nhà máy mới ở khu vực lân cận.
Financial Times dẫn lời một cư dân địa phương sống gần nhà máy Citgo Lake Charles cho biết tình trạng ô nhiễm đang gây ra các vấn đề sức khỏe cho con gái 11 tuổi của cô, bao gồm bệnh hen suyễn, bệnh chàm và một bệnh về da hiếm gặp được gọi là hội chứng Gianotti-Crosti.
Thế lưỡng nan của ông Biden
Sự bùng nổ LNG đang khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden đau đầu. Nhà lãnh đạo đã khởi động chiến dịch tái tranh cử để ở lại Nhà Trắng sau năm 2024, với chương trình nghị sự về khí hậu được đánh giá là tham vọng nhất trong lịch sử Mỹ và các ưu tiên công lý môi trường trong chính quyền của mình.
Tuy nhiên, ông Biden đã khuyến khích xuất khẩu khí đốt để hỗ trợ các đồng minh châu Âu. Một tháng sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, ông đã công bố một thỏa thuận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, theo đó Mỹ sẽ tăng cường xuất khẩu năng lượng sang EU nhằm thay thế nguồn cung từ Nga.
"Ngành năng lượng mang lại lợi ích kinh tế và địa chính trị cho Mỹ, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng dung hòa được với các mục tiêu về khí hậu của ông Biden", FT dẫn lời chuyên gia Ben Cahill của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở ở Washington D.C).
Theo chuyên gia này, câu hỏi lớn là chính phủ Mỹ có nên can thiệp để hạn chế xây dựng các cơ sở LNG mới hay để thị trường tự quyết định rằng nguồn vốn đầu tư cũng như nhu cầu về khí đốt có đủ để thúc đẩy việc tiến hành các dự án này. "Cho đến nay, cách tiếp cận sau đang cho thấy hiệu quả nhưng ngày càng khó duy trì hơn", ông Cahill nhận định.
Các cộng đồng địa phương cho rằng các công ty LNG đang thể hiện sự phân biệt chủng tộc khi họ tập trung xây dựng dự án ở những cộng đồng nghèo, chủ yếu là người da màu hoặc người nhập cư, những người có rất ít sức lực để phản kháng.
Theo các nhà hoạt động môi trường, việc tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng LNG đang thúc đẩy tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Họ cũng tuyên bố họ sẽ không giới hạn cuộc đấu tranh ở Mỹ mà mở rộng sang cả châu Âu cũng như châu Á, và đã đạt được một số thành công.
Tuy nhiên, cơn khát LNG của châu Âu vẫn tiếp tục gia tăng và các thủ đô tại EU đang gấp rút ký thêm các hợp đồng nhập khẩu dài hạn, bảo lãnh cho việc xây dựng các nhà máy xuất khẩu mới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, việc này sẽ giúp tỷ trọng LNG của Mỹ trong nguồn cung toàn cầu tăng từ 1/5 lên 1/4 vào năm 2026.
Bình luận (0)