Mấu chốt vẫn là con người

21/12/2020 04:26 GMT+7

Sử dụng công nghệ để phát hiện vi phạm, sai phạm trong xây dựng, quy hoạch, đất đai... là cần thiết và cũng là xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, công nghệ chỉ có thể giúp chúng ta phát hiện, còn xử lý hay không, xử lý như thế nào để răn đe,để hạn chế tối đa những sai phạm thì mấu chốt vẫn là ở con người.
Thực tế cho thấy, rất nhiều vụ vi phạm xây dựng như thêm tầng, trổ cửa, lấn hành lang sông rạch diễn ra công khai khắp nơi. Nhiều công trình sai phạm ở ngay trung tâm, không thiếu dự án ma nằm gần trụ sở chính quyền phường, xã, quận... nhưng vẫn tồn tại, thậm chí mua bán công khai.
Chỉ đến khi người dân bức xúc tố cáo, khách hàng mua bị lừa đảo, dư luận lên tiếng... thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Những trường hợp này, chắc chắn không thể đổ lỗi cho "lực lượng mỏng". Ngược lại, hầu hết người dân, doanh nghiệp đều công nhận, quản lý trong lĩnh vực xây dựng là sát sao và "tinh" nhất.
Chỉ cần đổ vài xô cát trước cửa nhà, chắc chắn có cán bộ đô thị tới hỏi thăm liền. Rất khó để làm chui, làm không phép. Nơi nào có thể tồn tại không phép, sai phép hầu hết là bắt tay, đi đêm với cán bộ có thẩm quyền.
Thế mới có chuyện nhà của Chánh thanh tra xây dựng Q.10 (TP.HCM) sai phép cả chục năm mới cưỡng chế dù phát hiện từ khá sớm. Rồi hàng loạt biệt thự lấn chiếm bờ sông ở Q.2, lấn chiếm kênh rạch ở khắp mọi nơi... báo chí dư luận lên tiếng rất nhiều chứ đâu phải không biết, không phát hiện.
Nhắc lại để thấy, phát hiện sai phạm chỉ là khâu thứ nhất, khâu đầu tiên. Nhưng xử lý các sai phạm đó mới là khâu quan trọng, khâu quyết định tới việc hạn chế, ngăn chặn được sai phạm hay không.
Sai phạm trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, đất đai nói đã quá nhiều. Những tồn tại, nguyên nhân đều đã được mổ xẻ, phân tích không thiếu góc nào nhưng vẫn còn rất nhiều là do sự buông lỏng, thỏa hiệp, đi đêm giữa những người, những đơn vị có thẩm quyền với chủ đầu tư.
Nên bên cạnh việc xử lý nghiêm các công trình sai phạm, muốn hạn chế tình trạng này, phải xử lý được những người để xảy ra sai phạm trên địa bàn của mình, không chỉ là xử lý công trình. Chúng ta lâu nay cũng nghe cắt ngọn công trình này, cưỡng chế công trình kia nhưng xử lý những người để xảy ra tình trạng sai phạm thì ít được nói đến. Mà không xử lý tận gốc thì tất yếu, sai phạm lại "mọc" lên ngay thôi.
Những công trình xây dựng không phép, sai phép; những dự án ma trên đất nông nghiệp tại các huyện vùng ven của thành phố... không chỉ phá vỡ quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực quốc gia mà còn để lại rất nhiều hệ lụy cho xã hội khi kéo theo hàng loạt nạn nhân bị lừa đảo, bị mất tiền, mất nhà.
Thế nên phải xác định tận dụng công nghệ hiện đại chỉ là giải pháp cho việc thực thi các nhiệm vụ, mục tiêu của con người, của tổ chức. Công nghệ có thể giúp phát hiện kịp thời nhưng quan trọng nhất vẫn là xử lý kịp thời. Có như vậy mới hy vọng ngăn chặn được tình trạng xây dựng sai phép vẫn đang hoành hành khắp mọi nơi hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.