Mẹ chồng 70 tuổi bị tim chăm con dâu bại liệt, hai cháu đòi nghỉ học

Lê Nam
Lê Nam
19/12/2020 05:59 GMT+7

Sau vụ tai nạn lao động cách đây một năm, hai vợ chồng chị Dự (Q.12. TP.HCM) phải bán nhà để đi viện. Chị Dự trở thành người bại liệt, mẹ chồng 70 tuổi bị đau tim từ Nghệ An vào chăm con dâu.

Ngồi trên giường bệnh, chị Vũ Thị Dự, 40 tuổi (từng có nhà ở Q.12, TP.HCM) nước mắt giàn giụa, khóc nức nở khi được chúng tôi hỏi lại chuyện cũ. Nhớ lại ngày tấn bi kịch xảy ra, chị ôm mặt tức tưởi nói rằng không quên được hình ảnh mảng tường bê tông rơi ầm xuống đầu hai vợ chồng; rồi mọi thứ tối sầm lại như cuộc đời đã bước đến đường hầm hun hút.
Mất tất cả sau vụ tai nạn lao động
Chị Dự, người ốm nhom, một chân teo đi, tóc cắt ngắn để lộ gương mặt hốc hác, nhớ như in ngày chủ nhật, 28.4 năm ngoái. Chồng chị làm công việc phụ hồ nhiều năm nay, bản thân chị Dự làm nội trợ là chính nhưng để có tiền đóng học cho hai con buộc chị phải đi phụ chồng.
“Bữa hôm đó, hai vợ chồng tôi có nhận đi làm cầu thang cho một căn nhà ở Q.2, họ sửa chữa để xây lên tầm 4 mét. Lúc đó, anh kêu tôi ngồi làm ở chân cầu để làm cho dễ, còn anh đục chân tường cấy sắt vào. Khi tôi đang ngồi phía dưới, miếng tường nứt lúc nào không biết. Anh thấy thế liền đẩy tôi ra nhưng lực của anh không đủ mạnh, lại trượt chân phải khâu mười mấy mũi”, chị nghẹn ngào một hồi mới nói được tiếp: “Mảng tường không bắn ra ngoài mà trôi ngược vào tôi. Tôi đang ngồi nên đâu có biết. Nó trấn tôi một cái hết biết trời đất là gì”.
“Nhức quá, đau quá! Hai chân tôi hết cử động được nữa”, mảng tường vẫn đè chặt, đè thân hình nhỏ bé của người phụ nữ. Linh cảm chuyện chẳng lành, chị vội vàng nói với chồng: “Anh ơi chắc gãy lưng rồi”. Chưa dứt câu, anh Lâm, chồng chị hốt hoảng bế chị từ tầng hầm đi lên. Tới phía ngoài, anh đặt chị xuống nền và gọi xe. “Khi taxi đến, anh vội bồng chị thì vô tình làm gập lưng, xương mẻ đâm vào tủy sống, tôi bị liệt từ đó”, chị xót xa kể lại, nước mắt vẫn không ngừng rơi.

Từ một người mẹ khỏe mạnh đang nuôi hai đứa con, chị Dự thành người bại liệt, quanh năm chỉ nằm một chỗ

Lê Nam

Chị Dự được chuyển lên bệnh viện Gia Định để phẫu thuật. Sau khi nằm tại đây 1 tháng, thấy không có nhiều tiến triển, chân ngày càng đau, thậm chí teo đi. Gia đình xin chuyển lên bệnh viện Quốc tế Nam Sài Gòn để phẫu thuật lần hai.
“Mổ lần hai tưởng như chết lần nữa, đau hơn lần một vạn lần. Vết mổ dài đến 20cm, bác sĩ gắp xương mẻ rồi cắt miếng xương mông vá lên. Chân tôi không cử động được vì cơ teo hết”, chị Dự đêm ngày đau nhức, nước mắt cũng sắp cạn kiệt. Hiện chị đang nằm điều trị tại Khoa Châm cứu dưỡng thương của Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
“Vào đây điều trị, bác sĩ nói thời gian lâu lắm, 2-3 năm cơ. Mà giờ điều kiện nhà chị không có…”, chị buồn bã nói.
Hai ca phẫu thuật tốn hết của gia đình nửa tỉ đồng. Hai vợ chồng bán căn nhà tích cóp bao năm đi để trả nợ, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Một mình anh Hữu Lâm đi làm nuôi cả gia đình đến lao lực.
Cảm động mẹ chồng chăm con dâu: Ai cũng tưởng mẹ đẻ!
Hay tin con dâu gặp tai nạn, bà Nguyễn Thị Lực, 70 tuổi có tiền sử bị bệnh tim, cũng tất tả từ Nghệ An vào Sài Gòn thay mẹ đẻ chăm con dâu. Suốt hơn 1 năm qua, bà như đôi tay, đôi chân thứ hai thay cho chị Dự, giúp chị làm mọi việc sinh hoạt trong cuộc sống: tắm rửa, thay đồ, cho ăn… Những lúc rảnh, bà lại ngồi nắn chân tay cho con dâu đỡ nhức mỏi. Đêm nằm nghe con trằn trọc, khóc nức lên từng tiếng vì đau, vì xót các con ở nhà không ai chăm, bà cũng không cầm được nước mắt, lại ngồi bên con vỗ về an ủi. Thấy bà Lực tận tụy chăm người bệnh, ai cũng nghĩ bà là mẹ đẻ của chị Dự.
“Bây giờ đỡ nhiều rồi, hôm mới mổ bên bệnh viện quốc tế sang, đau khổ lắm. Hai ba dây chằng, dây chằng dịch ra, dây thì chằng máu sau lưng ra, dây thì chằng nước tiểu, vất vả lắm. Hôm đầu 3 -4 người chăm, hôm tết đến giờ mới một mình mẹ”, bà Lực nghẹn ngào.

Hay tin con dâu gặp tai nạn, bà Nguyễn Thị Lực tất tả từ Nghệ An vào Sài Gòn chăm con dâu.

Lê Nam

“Đêm nào cũng vậy, nó khóc suốt đêm có ngủ được đâu. Nó đau thần kinh vì chèn tủy, dập tủy. Lúc đầu chân như que tăm, da không”.
Chăm con chưa xong, cách đây 2 tháng, chính bản thân bà Lực cũng phải đi xe cấp cứu sang bệnh viện 115 nằm điều trị một tuần. Bác sĩ kết luận bị hẹp van tim, co thắt động lực vành, hở van hai lá. “Sang đây bác sĩ bảo từng làm gì, năm ngoài bà còn tập vật lý trị liệu cho nó, năm nay thì chịu rồi”, bà Lực nói.

Bà Lực chăm con dâu tận tụy, ai cũng tưởng bà là mẹ đẻ.

Lê Nam

“Mỗi lần thấy nó vất vả tôi không sao cầm được nước mắt. Ai cũng bảo tưởng bà là mẹ đẻ, không biết là mẹ chồng đâu. Nhưng mà con gái là con người ta, con dâu mới thật con bà bà ơi. Con dâu mình chăm sóc nó, con gái mình về nhà chồng thì có mẹ chồng nó lo”, bà Lực tâm sự bằng tiếng xứ Nghệ trầm ấm, càng khiến mọi người xúc động.
Thấy mẹ chồng hết lòng chăm sóc, chị Dự nghẹn ngào: “Không có mẹ chắc không ai nuôi tôi. Giờ 1 tháng nếu thuê người chăm hết 12 triệu, tôi làm gì có tiền”.
“Mẹ ơi ăn mì tôm hoài ngán quá”
Hai cậu con trai ôm chầm lấy mẹ trong bệnh viện sau 1 tuần cùng ba ăn mì tôm rồi lên trường học, vừa nói vừa nức nở. Con trai cả của chị là Nguyễn Hoàng Phúc, SN 2001, hiện đang là sinh viên năm nhất trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech). Con trai thứ hai là Nguyễn Hữu Đức, SN 2003, hiện đang là học sinh lớp 12 của một trung tâm giáo dục thường xuyên tại Q.12, TP.HCM. Thấy cha làm cực khổ ngày đêm nuôi gia đình, hai đứa ngỏ ý muốn xin nghỉ học để phụ ba mẹ.
“Bữa trước hai đứa bảo một mình bố làm vất vả quá, chúng con tính nghỉ học để phụ. Gia đình tôi với cô nói bây giờ hai đứa nhỏ nghỉ học thì làm được gì nênố gắng lo cho nó cho nó học, có nghề có nghiệp sau này còn nuôi bản thân nó nữa”, chị Dự dứt khoát.

Trước đây bà còn giúp con dâu tập thể dục, tập vật lý trị liệu nhưng tuổi càng cao, sức yếu nên bác sĩ cũng không cho bà làm việc quá nhiều

Lê Nam

Anh Hữu Lâm chồng chị làm ngày làm đêm, nhận thêm công trình ngoài giờ để có tiền nuôi gia đình nên sức khỏe đi xuống. “Anh làm thợ chính, mỗi ngày được 500.000 đồng, sống ở thành phố sao đủ”.
Hiện nay, tiền viện một tháng sau bảo hiểm của chị Dự hết 10 triệu. Nếu cả tiền ăn cho hai mẹ con, tiền sữa cho chị Dự… một tháng hai mẹ con cũng hết từ 15-20 triệu đồng. Mỗi ngày anh Lâm cho hai con khoảng 100.000 đồng để đi học. Trong khi cậu anh vừa vào học kì 1 tại trường Đại học đã phải đóng hết hơn 22 triệu tiền học phí, đồng phục, bảo hiểm y tế… thì cậu em cũng hết 700.000 đồng/tháng tiền học.
Cứ nhắc đến hai đứa con, chị Dự lại không khỏi xúc động: “Tôi lo chứ, tôi nằm đây mà đâu có yên tâm, tôi lo nó sợ nó bỏ học dở dang. Tôi đâu muốn bị như này để hai con thất học đâu”, nước mắt không ngừng rơi trên gương mặt người phụ nữ bại liệt. “Xót xa lắm, đêm nằm buồn lắm, buồn cho hai đứa nhỏ. Mình khỏe mạnh nuôi cho ăn học ra trường, giờ mình nằm viện rồi đâu có lo cho nó nữa đâu, mình lo cho mình còn chưa được thì lo cho ai”.
Ngồi bênh cạnh, bà cụ 70 tuổi nuốt nước mắt vào trong, nghè ngào tâm sự: “Chỉ ước có tiền chữa bệnh cho con dâu bớt đau đớn, để con trai có vợ, cháu nội lại có mẹ rồi còn yên tâm học hành. Bản thân tôi cũng ở tuổi già yếu, bệnh tật đầy người, không biết còn bao nhiêu sức lực để lo được nữa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.