Mẹ chồng - nàng dâu Việt: Lấy chồng xa, cô gái miền Trung làm dâu người Tày

15/04/2018 13:33 GMT+7

Cả gia đình nhà chồng mỗi lần gặp gỡ đều sử dụng tiếng Tày trò chuyện với nhau. Vì thế nhiều lúc cả nhà cười vang, rôm rả trò chuyện cùng nhau thì tôi lại ngơ ngác chẳng hiểu gì. Lạc lõng...

‘Chồng gần sao em không lấy/ Em đi lấy chồng xa’… mỗi lần vô tình nghe được những câu hát da diết đó tôi lại chạnh lòng kinh khủng. Nỗi nhớ quê nhà, nhớ cha mẹ, bạn bè…cứ đeo đẳng mãi suốt bao năm kể từ ngày theo chồng về làm dâu nơi xứ người.
Tôi ở miền Trung, anh người miền Bắc. Chúng tôi quen và yêu nhau trong suốt 4 năm học Đại học. Ra trường, tôi theo anh về quê, cả hai may mắn xin được một công việc ổn định, thu nhập khá. Tình yêu và sự nghiệp đều thuận lợi, chúng tôi hạnh phúc nắm chặt tay nhau trong ngày vu quy.
Thế nhưng, điều vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ, đó là hình ảnh bà nội tất tả tiễn chân tôi ra xe về xứ người làm dâu. Dáng bà liêu xiêu với đôi chân tập tễnh, giọng run run, nắm chặt tay tôi, bà nói trong nghẹn ngào: “Con lấy chồng xa, chẳng biết bao giờ mới về gặp bà. Bà già rồi con ạ”. Tôi ôm lấy bà, mà nước mắt cứ vậy tuôn ra. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi được ôm chặt lấy bà bởi ít lâu sau bà ra đi mãi mãi…
Sự cô đơn, lạc lõng cứ bủa vây lấy tôi mỗi khi về thăm gia đình chồng Ảnh minh họa: Văn Nguyễn
Ngày mới về quê chồng, dường như tôi đắm say trong tình yêu trước mắt mà không lường trước những khó khăn, vất vả: từ việc thích nghi phong tục tập quán đến những lúc một mình cô quạnh khi chồng đi vắng, ốm đau không người chăm sóc…

Phải nói thêm, gia đình anh là dân tộc Tày. Bố mẹ chồng sống tại bản làng, tất cả mọi nếp sinh hoạt từ giao tiếp, phong tục tập quán đều theo văn hóa người Tày. Do vậy, mỗi lần về thăm bố mẹ chồng là tôi lại cảm thấy lạc lõng vô cùng.
Chuyện là cả gia đình, họ hàng nhà chồng mỗi lần gặp gỡ nhau đều sử dụng tiếng Tày trò chuyện với nhau. Tất nhiên khi giao tiếp với riêng tôi thì mọi người lại sử dụng tiếng phổ thông. Vì thế nhiều lúc cả nhà cười vang, rôm rả trò chuyện cùng nhau thì tôi lại ngơ ngác chẳng hiểu gì.
Đôi lúc cảm thấy thật lạc lõng, thật cô đơn, cảm giác mình như người thừa. Qua nhiều lần giao tiếp tôi cũng ghi nhớ một số câu nói thông dụng của người Tày. Thế nhưng, đây như môn “ngoại ngữ” mới, cần có nhiều thời gian. Tôi tự hứa sẽ cố gắng hòa nhập để thích nghi dần.
Chưa kể đến nếp ăn ở, cúng bái đều khác xa những gì tôi nghĩ như: người Tày có thể dùng đồ ăn đã qua sử dụng để cúng cho tổ tiên; con dâu người Tày là phải biết làm nhiều loại bánh, xôi đủ các sắc màu trong các dịp lễ tết. Đặc biệt mỗi lần cúng lễ thì kéo dài ngày này qua ngày khác… khiến tôi thấy "rườm rà", "tốn thời gian".
Đến giờ, tôi vẫn chạnh lòng vì lấy chồng xa... Ảnh minh họa: Văn Nguyễn
Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi thuê nhà ở riêng. Chúng tôi sống cách xa nhà nội 70 km, nhà ngoại 500 km. Chồng công tác trong lực lượng vũ trang nên thường xuyên xa nhà.
Thời gian đầu nơi đất khách, một mình đi làm rồi lại loay hoay trong căn phòng trọ, tôi buồn, nhớ người thân, bạn bè kinh khủng. Lắm lúc nhìn thấy gia đình người ta quây quần hay thấy nhóm bạn nào tụ tập, tôi lại cảm thấy nhoi nhói ở ngực.
Mỗi lần như vậy, những suy nghĩ miên man, không hồi kết cứ lẩn quẩn trong đầu. Tôi nghĩ, không biết ở quê cha mẹ đang làm gì? hôm nay ở nhà ăn uống ra sao? nhóm bạn mình hay chơi lâu rồi có tụ tập với nhau không... Giờ phương tiện liên lạc đã dễ dàng hơn nhưng dù sao nếu được gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với nhau thì cảm giác sẽ rất khác.

Đến lúc tôi có bầu, bị ốm nghén, không ăn được gì. Tôi chỉ thèm nồi canh chua, món gà rang mẹ nấu, thèm cảm giác được mẹ quan tâm, chăm sóc. Người tôi mệt lả. Chồng tranh thủ về nhà với vợ nhưng lại vội vã quay lại đơn vị để làm nhiệm vụ. Tôi lại một mình lặng lẽ, tủi thân và khóc.
Có bầu vất vả là thế. Đến khi sinh con ra thì vất vả trăm bề. Nhất là mỗi lần con ốm, lên cơn sốt, tôi lại vội vã ôm con vào viện. Có nhiều lần, hết đợt nghỉ phép mà con vẫn ốm, tôi xoay xở không kịp khi người giúp việc chưa kịp đến. Đêm hôm thức trắng, người gầy rạc, kiệt sức tôi nằm thiếp đi…
Đôi lần mẹ tôi tranh thủ ra thăm, mẹ cũng chỉ biết động viên, đó là những ngày tôi cảm thấy hạnh phúc, được mẹ chăm sóc như ngày còn nhỏ. Tôi muốn khoảng thời gian ấy kéo dài thêm nữa, thêm nữa... Vậy nhưng ở vài ngày rồi mẹ vội vã trở về lo toan việc ở quê, tôi lại lạc lõng, cô đơn ở nơi đất khách.
Rồi con trai tôi cũng lên 5 tuổi, mọi khó khăn vất vả tôi cũng dần quen. Mỗi khi mệt mỏi có con bên cạnh, nghe tiếng cười, tiếng chuyện trò bi bô của con là tôi như có động lực. Thêm nữa, nay phương tiện đi lại đã thuận lợi hơn trước, có xe giường nằm chạy thẳng một mạch về quê ngoại. Thi thoảng được nghỉ 4,5 ngày là tôi lại tranh thủ cùng con về thăm ngoại.
Mỗi lần về thấy cha mẹ già yếu đi nhiều. Tôi thấm thía cảnh con gái đi lấy chồng xa không chăm sóc, báo hiếu được nhiều. Hôm nay tôi vô tình đọc được câu nói: “Có thời gian hãy về bên cha mẹ vì thời gian không chờ đợi họ đâu”, tôi lại chạnh lòng, nhớ thương cha mẹ biết bao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.