Đó là những dòng tâm sự của Nguyễn Thị Như Hòa (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) để giải thích lý do cho câu hỏi mà Hòa bất giác hỏi tôi: “Hay mình rời TP.HCM về quê với ba mẹ nhỉ. Nhớ nhà quá, không muốn bon chen nữa”.
Nhớ nhà nhưng không dám nói
Sau khi tốt nghiệp, Hòa về quê (Quảng Trị) làm được thời gian thì thấy đồng lương từ công việc làm truyền thông cho công ty tư vấn du học không đủ để nuôi sống bản thân, Hòa quyết định bỏ quê vào TP.HCM lập nghiệp.
Vào đây, thời gian đầu cô nàng rất hào hứng và thích thú với cuộc sống sôi động, tôi còn nhớ Hòa đã từng nói: “Ở đây dù hơi 'đất chật người đông' nhưng đúng là nơi đáng sống vì muốn gì cũng có”.
Thế nhưng, dạo gần đây, cô nàng hay than vãn và có khi nửa đêm lại gọi điện và khóc trong điện thoại bảo là muốn về nhà. Hòa mới ra trường được 2 năm, đi làm nhưng nhiều vấp ngã khiến bản thân nhiều lúc tưởng chừng không trụ nổi. Và những lúc thế này cô nàng lại nhớ nhà da diết.
tin liên quan
Sinh viên xa nhà và những cuộc gọi 'thỏa niềm mong nhớ'
“Những ngày bình thường đi làm công việc suôn sẻ thì cũng có niềm vui, còn những khi áp lực công việc, nhiều khi bị chửi oan cũng không dám nói lại, đồng nghiệp thì ganh ghét đố kỵ,…Những lúc như thế thấy mình cô đơn, lạc lõng lắm. Trên đường đi làm về mà cứ khóc trong vô thức, rồi gọi vào hư không 'mẹ ơi, hôm nay con nhớ nhà…'. Đúng là bất cứ khi nào đứng trước khó khăn, người đầu tiên mình nhớ đến luôn là ba mẹ”, Hòa bộc bạch.
Hòa cũng chia sẻ thêm: “Nhớ thì nhớ vậy thôi, chứ gọi về nhà cũng đâu có dám nói gì, sợ mẹ buồn, mẹ lo. Nhưng nếu sau này có con gái, nhất định mình không cho nó xa nhà, khổ thân nó lắm. Con gái dù mạnh mẽ đến đâu thì bản chất cũng yếu mềm, va chạm với đời chưa chai sạn được thì đã hết nước mắt rồi”.
Nhưng không chỉ con gái mới có những lúc yếu mềm, Hoàng Văn Tú (kỹ sư xây dựng, sống tại 206 Lê thúc Hoạch, Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết bản thân cũng nhiều hôm nhớ nhà đến nỗi chỉ muốn vứt hết mọi thứ và về nhà với ba mẹ.
Tú nói: “Có nơi nào bằng quê hương mình đâu. Nhưng cuộc sống mưu sinh mà. Có hôm cũng chạnh lòng, thân trai đi làm hơn 5 năm trong thành phố mà vẫn chưa có gì trong tay, nhà cửa cũng không,… Nhiều lúc nghĩ hay về quê với ba mẹ, ở trong này cũng có giàu gì được đâu mà sau này ba mẹ về già thì ai chăm lo”.
Tú cũng chia sẻ: “Có đêm cũng ứa nước mắt vì nhớ nhà. Nhưng con trai thì đa phần giãi hết vào bia rượu rồi về ngủ giấc, đến sáng lại tiếp tục đi làm”.
Nỗi niềm không của riêng ai
Trên trang cá nhân của mình, Đặng Thị Mơ, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đã đăng dòng trạng thái: “2 năm rồi, giờ cảm giác vẫn thế. Muốn về nhà, về với vòng tay mẹ. Đã bao lâu rồi con không về thăm nhà? Trong cái xã hội xô bồ tấp nập ngoài kia người ta vẫn thấy mình nhỏ bé lênh đênh giữa dòng đời bất tận... ngày ngày trong bộn bề lo toan công việc để kiếm tìm một điều gì? Là hạnh phúc là đủ đầy hay chỉ đơn giản là kiếm tìm sự bình yên, lấp đầy những khoảng trống... Con thèm được về nhà trong vòng tay ấm áp của mẹ, được nằm cạnh mẹ, nghe mẹ dặn dò… Nơi ấy con cười nói hồn nhiên không phải bận tâm nhiều thứ... Cuộc sống xa nhà thật mệt mỏi... Con muốn lắm muốn lắm một buổi chiều khi tan trường chạy ra đón lấy xe chạy thẳng về nhà được sum vầy bên mâm cơm, được tỉ tê cùng mẹ biết bao chuyện...”.
“Đây là tâm trạng của em 2 năm trước, nhưng đến giờ mọi thứ vẫn y nguyên vậy. Dạo này buồn một số thứ và stress nên em lại càng nhớ nhà và muốn về với ba mẹ ngay lập tức. Hơn nữa cũng lâu rồi em chưa về với ba mẹ”, Mơ chia sẻ.
Đó có lẽ không là cảm xúc của riêng ai, dường như mỗi bạn trẻ xa nhà đều đôi lần phải thốt lên vì nhớ nhà, nhớ những mâm cơm quây quần bên gia đình hay lại thèm lắm cái ôm của ba, của mẹ,…
Dù đã lập gia đình được 3 năm, nhưng Lâm Hoàng Nhật Ly (chung cư Bắc Rạch Chiếc, Q.9, TP.HCM) vẫn chia sẻ chưa bao giờ nguôi cảm giác nhớ nhà.
“Lâu lâu mình vẫn bật khóc dù đã có chồng và con cái. Nhưng cảm giác giờ làm mẹ, làm vợ tự dưng lại thèm được làm con, được mẹ nấu cho ăn, được ba chở trên chiếc xe đạp sườn ngang đi xem xiếc,… Càng trưởng thành thì con người lại càng nhớ ba mẹ nhiều hơn”, Nhật Ly tâm sự.
Thế nhưng theo Ly, nỗi nhớ nhà giúp người ta lớn hơn, có động lực để chinh chiến hơn. “Khi người ta buồn nhất, khó khăn nhất mà có một nơi để nghĩ về thì sẽ có động lực để vượt qua hơn rất nhiều. Cảm giác là mình không đơn độc trên hành trình cuộc đời này. Vì thế, con gái có nhớ nhà rồi khóc thì cũng không sao cả, đó không thể hiện sự yếu đuối mà là động lực để ta tiếp tục vượt qua những chông gai của cuộc sống”, Ly tâm niệm.
Bình luận (0)