Mẹ Út của đàn khỉ hoang

16/09/2022 09:15 GMT+7

“Tụi bây đâu hết rồi? Mau ra ăn nè. Không ra tao về à nha!”. Tiếng bà Út vừa dứt, từ trong những tán cây rậm rạp, đàn khỉ hoang lao ra phóng tọt lên những mỏm đá thi nhau chí choé rồi tiến tới vây quanh chân bà Út như những đứa trẻ đói sữa chờ mẹ…

Bao năm qua, bà Út – tên thật là Nguyễn Thị Chất (79 tuổi) – vẫn âm thầm nuôi nấng lũ khỉ hoang lớn lên giữa đảo bằng tình thương rộng mở…

Bầy khỉ hoang xem bà Út như "mẹ"

võ minh huy

Coi khỉ như con

Trưa một ngày trung tuần tháng 7, tôi vượt chặng đường khá xa từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi để đến làng biển thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cốt để có cơ hội được một lần theo chân “mẹ của bầy khỉ hoang” leo lên thúng chèo ra đảo Hòn Trà xem đàn khỉ hoang đang được bà Út nuôi dưỡng.

Lần hỏi mãi rồi cuối cùng tôi cũng tìm ra được nhà bà Út nuôi khỉ hoang. Ngôi nhà bà Út bé tí tẹo nằm lọt thỏm trong xóm chài. 12 giờ trưa, trời nắng như đổ lửa. Bà Út đang lúi húi cột lại 7 túi ni lông chứa đầy trái cây trước hiên nhà.

Ngày nào bà Út cũng đi xin trái cây rồi mang ra đảo nuôi khỉ hoang

võ minh huy

“Đây là đem ra cho tụi khỉ ngoài đảo. Sáng bà mới lên chợ xin được. Bây muốn đi ra đảo coi khỉ của tao nuôi thì 15 giờ tới quán nước trước đảo Hòn Trà rồi đi cùng” – nói đoạn bà Út đưa chiếc nón lá quạt qua quạt lại để xua tan cái nóng oi bức giữa trời hè.

- Ngày nào bà cũng đi xin thức ăn cho khỉ thế này sao?

- Bây hỏi chi lạ. Đương nhiên là ngày nào cũng phải ra chợ để xin chớ. Trái cây nào gần hư người ta định bỏ thì mình xin rồi lựa ra những trái còn ăn được đem về cho tụi nó!.

- Tại sao bà lại coi khỉ như con vậy?

- Thấy tụi nó ở giữa đảo chẳng có gì ăn, thấy thương nên đem ra cho nó ăn. Đi miết rồi thành quen luôn. Hôm nào không đem thức ăn ra cho tụi nó là lo lắng không chịu được. Sợ tụi nó đói. Thôi bây ra đầu quán kia uống nước chờ bà. Bà ăn gói mì tôm chờ trời mát mát tí rồi ra đảo.

15 giờ, bà Út đội nón lá, dắt xe đạp rời nhà. Trên xe bà Út chất lỉnh khỉnh đồ. “Đây là bơ. Đây là chuối, dứa, vải, có cả bánh nữa nè. Tụi khỉ nó thích ăn bánh lắm. Còn đây là bắp. Món bắp khỉ nó thích lắm nhưng mình không có tiền mua. Hôm nay đi chợ, có cậu thanh niên kia biết bà nuôi khỉ nên gửi bà 50 ngàn mua bắp. Hiện giờ ngoài đảo có con khỉ mẹ mới vừa đẻ được lứa khỉ con nên mang bắp ra cho nó ăn đặng có sữa cho con nó bú” – bà Út vừa đẩy chiếc xe đạp cà tàng của mình hướng về Hòn Trà vừa kể. Tôi phụ bà Út đẩy xe ra sát mé cửa biển cuối nguồn sông Trà Bồng rồi khuân mớ trái cây lên chiếc thúng chèo tay đã được neo buộc sẵn.

- Bà Út chèo thúng được sao?

- Bây sợ thì lội bộ ra đảo. Bà hồi xưa mưu sinh bằng chiếc thúng như vầy thì phải biết chèo chứ. Giờ già rồi chỉ mượn thúng của mấy đứa cháu chèo qua đảo nuôi khỉ thôi.

Bà Út cười cười, tay nhanh nhảu chèo chiếc thúng hướng về Hòn Trà khi trời đã ngã bóng chiều. Tầm 10 phút thì bà Út đưa tôi ra đến đảo.

“Tụi bây đâu hết rồi? Mau ra ăn nè. Không ra tao về à nha!”. Chỉ cần nghe giọng bà Út, bầy khỉ hơn chục con hú chí choé, đua nhau chuyền từ cành này phóng qua cành nọ rồi nhảy vọt xuống mõm đá mừng như đứa trẻ gặp mẹ. Bà Út khệ nệ bưng đống trái cây lên mõm đá rải đều rồi giục: “Tới ăn. Tới ăn bây ơi!”. Đàn khỉ có vẻ dè chừng, đưa mắt nhìn quanh. Bà Út quay mặt sang tôi: “Bây né né, núp vào hòn đá kia chứ tụi nó thấy lạ không đứa nào dám xuống ăn” – bà Út hối.

Tôi vừa nép mình vào trong kẽ đá thì hơn chục con khỉ nhảy ào xuống đống trái cây, bánh khô của bà Út vừa mang tới ăn một cách ngon lành. Bà Út đưa tay vuốt vuốt vào thân từng chú khỉ đang quấn quanh mình. “Bắp đây ăn đi cho có sữa rồi cho con nó bú. Ăn rồi tí đem về cho thằng khỉ đực đang giữ con ở nhà nghen” – bà Út cười hiền đưa trái bắp sang cho một con khỉ mẹ vừa đẻ được vài ngày tuổi. Tôi trố mắt nhìn đầy ngạc nhiên và thán phục. Dường như chỉ có tình yêu thật tâm dành cho bầy khỉ hoang này như bà Út thì mới đủ tình cảm làm cho đàn khỉ gần gũi, quý mến đến lạ như thế giữa hòn đảo nhỏ bốn bề nước phủ.

Lo cho tương lai đàn khỉ

Khi bầy khỉ đã no nê, bà Út tựa lưng vào vách đá thở dài. “Ngày nào mang thức ăn ra đây, gọi chúng nó xuống là đếm từng con. Mỗi lần đếm đủ 15 con là bà mừng lắm luôn. Ở Hòn Trà này giờ ai cũng biết có đàn khỉ này sinh sống nên chỉ sợ đêm đến kẻ xấu tới săn bắt. Đợt mùa động năm ngoái chết 2 con khỉ to bà đau xót vô cùng. Mùa đông biển động bà đi thúng ra thường xuyên không được nên chúng nó đói ăn mà chết. Tội nghiệp lắm” – bà Út thở dài.

Nhờ có “mẹ Út” mà đàn khỉ hoang không đói ăn và sinh nở ngày càng nhiều

võ minh huy

- Bà giờ cũng gần 80 tuổi rồi, mai mốt liệu bà còn sức mà chèo thúng ra đây nuôi đàn khỉ ?

- Chèo được ngày nào hay ngày nấy. Bà còn sức bà vẫn ra đây chăm. Nghe nói tỉnh, huyện, xã chỉ đạo sắp tới sẽ cùng bà bảo vệ và chăm ăn cho tụi nó nên cũng yên tâm đôi chút. Nhưng cũng lo tương lai sau này của tụi nó.

- Người ta bảo bà bị điên, tự dưng đi nuôi khỉ hoang, bà nghĩ bà có điên không?

- Điên hay không là chuyện của bà. Bà quyết là bà làm. Dù khỉ hoang nhưng biết yêu thương, chăm sóc cho chúng nó cũng đem tới niềm vui cho mình. Con người phải biết yêu thương động vật. Sống vô cảm với muôn thú là xấu lắm, điên lắm! Nhiều người nói bà điên, làm chuyện không đâu nhưng kệ họ đi, bà thích là bà làm. Bà không bỏ rơi bầy khỉ này được!. Giờ mỗi ngày bầy khỉ một nhiều lên nên sợ nó thiếu thức ăn, bà thì già rồi, làm đâu ra tiền.

Tôi dúi vào tay bạc ít tiền bảo sáng mai bà ra chợ mua mớ bắp trái cho đàn khỉ. Bà Út lại thở hơi dài rồi lặng lẽ cúi người xuống cái thúng chèo tay bê thau nước lã đặt trên hòn đá dặn đàn khỉ như mẹ dặn con: “Tí bây xuống uống nước rồi lên lại rừng ngủ. Mai bà lại mang đồ ăn qua cho mà ăn”. Nói rồi bà Út tiến đến bên cái thúng kéo dây neo bỏ lọt vào trong thúng rồi gọi tôi rời đảo trở về làng. Bà Út kéo phăng tay chèo, chiếc thúng xa dần đảo Hòn Trà. Đàn khỉ trên mõm đá đi vòng quanh, chốc chốc lại đưa mắt nhìn theo “mẹ Út” như không muốn bà Út rời đảo. “Về nghen bây. Mai qua!” – bà Út quay ngược người nói với theo đàn khỉ. Bóng chiều dần khuất nhưng “ánh sáng” về tình yêu cuộc sống, tình yêu động vật của bà Út khiến lòng tôi lay động…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.