Tôi thầm ngưỡng mộ và yêu quý chị, nhất là tính cách dịu dàng, giọng nói rất dễ nghe của chị. Nhân duyên hai chị em được hội ngộ trong một lần họp mặt của Quán Chiêu Văn khiến tôi càng thêm yêu mến và cảm phục ý chí phấn đấu của chị Nguyễn Phương Thúy.
Chị Nguyễn Phương Thúy cùng công việc hàng ngày của mình |
tác giả cung cấp |
Biến cố cuộc đời
Chị Nguyễn Phương Thúy sinh năm 1985, nhà chị ở tổ 3B, khu Hương Trầm, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Chị là cô con gái ngoan hiền của gia đình và là học trò giỏi được nhiều thầy cô và bạn bè yêu mến. Vào đợt nghỉ hè năm lớp 6, đột nhiên chân chị bị sưng đỏ và đau. Bố mẹ đưa chị đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị mắc bệnh thấp khớp. Dù đã được gia đình đưa đi chữa trị ở nhiều bệnh viện lớn trong tỉnh và cả Trung ương nhưng bệnh tình của chị không thuyên giảm. Bệnh tật biến chứng nặng hơn khiến chị bị mất đi khả năng vận động, chân tay teo tóp.
Vào đầu năm học lớp 7, chị cố gắng đi học lại nhưng luôn bị sốt cao, ngất lịm ở lớp khiến các thầy cô rất lo lắng cho sức khỏe của chị. Thầy cô đã động viên gia đình chữa bệnh cho chị khỏi rồi hãy tiếp tục đi học. Khi ấy, chị Nguyễn Phương Thúy đã rất khát khao được chữa khỏi bệnh để lại được tung tăng cùng bạn bè.
Khi mọi phương thức chữa trị đã không có tác dụng, chị gần như bị liệt hoàn toàn phải nằm một chỗ, việc học tập giờ đây đã quá sức khiến chị phải bỏ dở học hành. Lúc này chị Thúy gần như đã mất hết hi vọng vào việc mình sẽ được chữa khỏi bệnh.
Chị Nguyễn Phương Thúy cùng gia đình trong lễ trao giải truyện ngắn Quà tặng cuộc sống |
tgcc |
Nỗ lực tập luyện và vươn lên
Mặc dù đã tin tưởng rằng mình không thể khỏi bệnh nhưng chị Nguyễn Phương Thúy vẫn không từ bỏ hi vọng vào cuộc sống, vào tương lai. Chị bắt đầu tập luyện với đôi tay quặt quẹo khô cứng, chịu đựng những đau đớn thể xác hàng ngày khiến người chị ngày càng yếu đi nhưng không vì vậy mà chị từ bỏ. Chị bắt đầu học lại cách viết chữ, chị còn vẽ được cả những bức tranh rất đẹp từ đôi tay tàn tật.
Khi mười bốn tuổi, chị Thúy bắt đầu viết bài gửi báo, kiếm thêm thu nhập cho gia đình, đỡ một phần gánh nặng cho bố mẹ. Từ những tác phẩm đầu tay là những ghi chép các câu chuyện được nghe kể, đến các tác phẩm được độc giả ghi nhận, được xuất bản phát hành rộng rãi trong nước. Chị Nguyễn Phương Thúy đã bằng nghị lực phi thường của mình tự mở ra cánh cửa văn chương với một trái tim luôn tỏa sáng và vươn tới sự tốt đẹp.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Phú Thọ, chị nói: "Người khuyết tật hoàn toàn có thể tự cố gắng, tự rèn luyện theo cách riêng, phù hợp với bản thân mình. Mọi việc sẽ khó khăn nhưng quan trọng nhất là người khuyết tật có chiến thắng được chính mình, dám vượt qua số phận, nhận thức và khai thác được những gì bên trong con người mình hay không".
Với sự cố gắng của mình chị Nguyễn Phương Thúy đã nhiều lần được vinh danh, xướng tên trong các sự kiện, được gặp gỡ và chụp ảnh cùng các nguyên thủ quốc gia. Chị được trao tặng hơn 20 bằng khen, giấy khen và đã xuất bản 8 đầu sách (bao gồm cả thơ, truyện thơ, tập truyện ngắn, truyện dài).
Chị Nguyễn Phương Thúy cùng Gs.Ts Nguyễn Lân Dũng và mọi người trong một buổi giao lưu giới thiệu sách của mình |
tgcc |
Yêu thương cuộc đời bằng cả tâm hồn
Trong suốt quá trình chiến đấu với bệnh tật của mình, chị Nguyễn Phương Thúy đã luôn có sự giúp sức và nhận được sự yêu thương từ gia đình của mình. Chính tình yêu của cha mẹ đã luôn là chỗ dựa tinh thần và là động lực giúp chị vượt qua mọi trở ngại của bệnh tật hoàn thành ước mơ của mình. Chị đã lấy bút danh của mình là Viên Nguyệt Ái với ý nghĩa yêu vẻ đẹp của trăng tròn mười sáu, mong muốn cuộc sống của tất cả mọi người được tròn đầy viên mãn. Thơ văn của chị cũng luôn toát lên một vẻ lạc quan yêu đời.
Không chỉ nghị lực vươn lên, vượt qua đau đớn của bệnh tật để theo đuổi nghề viết, ngay từ khi mười lăm tuổi chị đã luôn trích một nửa nhuận bút của mình gửi tặng những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm nay chị luôn dành một phần tiền từ nguồn phát hành sách của mình ủng hộ những hoàn cảnh kém may mắn. Chị Nguyễn Phương Thúy cũng truyền lửa và năng lượng sống tích cực của mình cho những người khác, nhất là các bạn học sinh sinh viên trong những dịp gặp gỡ giao lưu.
Chị tâm sự: "Cái sức mạnh nội tại với khát vọng cháy bỏng làm sao để vượt lên hoàn cảnh, phải khẳng định được bản thân,... khiến cho Nguyệt Ái say sưa chăm chỉ, nhiệt huyết với mọi thử thách để đạt được những thành quả lao động trí tuệ cũng như vươn tới mục tiêu lan tỏa năng lượng tích cực ra xã hội,... Với Nguyệt Ái, còn thở là còn xông pha".
Với sự cố gắng nỗ lực không ngừng của bản thân, cùng sự lan tỏa những điều tích cực của mình ra xã hội, những việc làm của chị Nguyễn Phương Thúy giống như ánh trăng kia, dịu hiền, thanh khiết giữa cuộc đời, giúp cho chúng ta có thêm hi vọng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Bình luận (0)