Với niềm tin mãnh liệt, sức chiến đấu phi thường, bà Lê Thị Lan đã vượt qua khó khăn, lan tỏa nhiều câu chuyện đẹp trong cả cuộc sống và công việc.
Người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực
Chúng tôi có buổi hẹn gấp gáp với bà Lê Thị Lan tại căn nhà nhỏ của người con trai trên tỉnh ĐT 841 thuộc ấp 2, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Trông có vẻ hối hả nên tôi bạo dạn hỏi: “Cô có việc gấp phải đi đâu hả? Cô cho con xin chút thời gian?”. Cô Lan vui vẻ trả lời: Cô đợi từ sáng đến giờ! Không tranh thủ đến sớm?. Với cách mà người phụ nữ ấy giao tiếp làm cho cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên thân thiện và gần gũi hơn. Bắt đầu câu chuyện là việc hỏi thăm về sức khỏe của nhau. Bà Lan kể, sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn nên bản thân đã được nuôi dưỡng tính cần cù, chịu khó và lối sống giản dị, tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt cũng như cuộc sống hằng ngày.
Bà Lan chăm sóc đàn gà tăng thêm thu nhập |
CHÍ TRUNG |
Chắc có lẽ với cái chất của người phụ nữ Nam bộ nói chung và người dân vùng biên giới khó khăn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) nói riêng mà bà Lan vẫn có thể lo cho các con ăn học thành tài dù vợ chồng xuất phát điểm từ đôi bàn tay trắng. Với 5 người con đang tuổi ăn tuổi học, 7 miệng ăn hằng ngày nên việc chi tiêu cho gia đình cũng không hề dễ dàng chút nào. Thế nhưng, suốt bao năm qua, vợ chồng bà Lan vẫn lo cho các con ấm no, hạnh phúc, đứa nào cũng đã “dựng vợ gả chồng”, cuộc sống trọn vẹn yêu thương. Đó không phải chỉ vài câu mà có thể diễn tả được thành lời. Nó là cả quá trình chịu thương, chịu khó dạy các con sống phải phấn đấu từ gian khó đi lên, phải biết chia sẻ với những người khó khăn hơn mình.
Tâm sự với chúng tôi, bà Lê Thị Lan cho biết, bản thân bà đã học từ Bác lối sống giản dị và tiết kiệm. Chính tiết kiệm đã giúp gia đình có thể lo cho các con ăn học, lo cho cuộc sống hiện tại cũng tạm đủ sống không phải vất vả. Mỗi việc làm, mỗi điều Bác dạy để lại rất nhiều và chúng ta phải học tập không ngừng, học mãi và học suốt đời.
Nếm trải ngần ấy thời gian với biết bao sóng gió của cuộc đời đã trui rèn và trưởng thành nên bà Lê Thị Lan nay đã gần 70 tuổi những vẫn có khí chất, nhanh nhẹn và hoạt bát. Dù sinh ra trong gia đình khó khăn nhưng với các con, bà Lan luôn là người mẹ mẫu mực, chịu thương, chịu khó và luôn là niềm tự hào của các con. Chính sự hy sinh thầm lặng cho các con mà con của bà ai cũng thành đạt, ai cũng có cuộc sống hạnh phúc. Bà Lan bộc bạch, mình không để lại gì cho các con thì mình chỉ có thể để lại cho các con tri thức, dạy cho các con sống cho nên người, đến giờ có cháu thì mình lại tiếp tục truyền lại cho chúng. Trước khi làm điều đó thì bản thân phải thật sự gương mẫu, phải thật là tấm gương để con cháu noi theo.
Vượt qua nghịch cảnh, lan tỏa yêu thương
Năm 2004, với vai trò Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thường Phước 2, bà Lan đã được mệnh danh là “thổ địa” của xã, nơi nào cũng biết, hoàn cảnh nào cũng tường tận bởi bà thường xuyên đi cơ sở, nắm bắt tình hình hoạt động của chị em hội viên, giúp đỡ hàng chục chị phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo bằng nhiều mô hình hay như: Tổ phụ nữ hùn vốn giúp nhau, Tổ phụ nữ hỗ trợ phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo…
Bà Lê Thị Lan bên những tấm giấy khen của mình |
CHÍ TRUNG |
Nhiều chị em phụ nữ từ không biết gì đến biết cách làm ăn, tiết kiệm rồi vươn lên thoát nghèo bền vững. Cuối năm 2007, một phần vì công việc gia đình, một phần vì sức khỏe nên bà Lan đã không còn công tác tại xã về ấp với cương vị Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ ấp. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm rách”, bà Lan đã thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ các hoàn cảnh nghèo, hoàn cảnh bệnh tật. Bà nói, tuy ở cơ sở công việc lúc nào cũng nhiều, cũng vất vả nhưng đổi lại cái tình, cái nghĩa luôn đong đầy, chính điều này đã góp thêm cho cô một chút sức mạnh vượt qua bệnh tật.
Cách đây 5 năm, bà Lan phát hiện mình bị ung thư – căn bệnh quái ác đã lấy đi phần nào sức khỏe của bà. Đó là khoảng thời gian đầy khó khăn trong cuộc đời của bà, vừa hụt hẫng, lo lắng vừa mệt mỏi vì chống chọi với căn bệnh. Nhưng vì thương con, thương cháu và quyết tâm phải chiến đấu đến cùng với “nó” mà bà Lan sống một cách lạc quan, tích cực hơn, dành nhiều thời gian để làm các công tác thiện nguyện vì cộng đồng nhiều hơn. Bà Lan tâm sự, chính cách sống lạc quan, chia sẻ khó khăn và lấy bản thân mình làm minh chứng cho sự cố gắng mà nhiều hoàn cảnh đã có niềm tin, vực dậy tinh thần và sống tích cực, vươn lên thoát nghèo, vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Trong số hàng trăm hoàn cảnh phụ nữ, người già neo đơn, bệnh tật mà bà Lan giúp đỡ thì chắc có lẽ gia đình chị Trần Thị Thum ngụ ấp 2 xã Thường Phước 2 là hoàn cảnh mà làm cho bà ấn tượng nhất. Chị Thum có cuộc sống vô cùng khó khăn, lại mang trong người căn bệnh nan y. Chính tay bà đã viết đơn kể về hoàn cảnh của chị nhờ Đài Truyền hình Đồng Tháp giúp đỡ. Và chuyên mục Nhịp cầu nhân ái của Đài Truyền hình Đồng Tháp đã cứu lấy mạng sống của chị Thum, sức khỏe hiện tại đã tạm ổn và có cuộc sống bình thường trở lại. Chút đó thôi đã làm cho bà Lan cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Nói đến đây tôi lại nhớ Bác từng dạy: “Việc gì có lợi cho dân dù nhỏ mấy cũng làm”. Người phụ nữ ấy đã cụ thể hóa lời dạy của Bác bằng việc làm cụ thể, hành động và sự nỗ lực từ chính bản thân mình.
“Không ai không mãi trên đời” – với quan niệm đó mà bà Lan đã xem nhẹ “tử thần”, sống một tinh thần lạc quan, tích cực, truyền năng lượng tích cực đó đến rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, lấy trái tim nhân ái xoa dịu nỗi đau của các hoàn cảnh. Trong đại dịch Covid-19 thì phong trào may khẩu trang để tặng miễn phí cho người dân cũng được Hội LHPN xã Thường Phước 2 tích cực thực hiện và chắc chắn rằng không thể thiếu bà Lê Thị Lan. Mỗi ngày Tổ phụ nữ cùng nhau cắt, may và tặng miễn phí 500 cái/ngày. Bà Trương Thị Ngọc Nữ - Chủ tịch Hội LHPN xã Thường Phước 2 chia sẻ: “Cô Lan là một hội viên phụ nữ tiêu biểu, là tấm gương sáng để mọi người noi theo bởi sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm và đặc biệt là lan tỏa được tinh thần sống lạc quan, tích cực đến mọi người. Dù ở cương vị nào thì cô vẫn luôn hoàn thành tốt công việc được giao và làm với niềm đam mê công tác Hội.”.
Nhắc đến bà Lan là người ta nhắc ngay đến nữ “phong trào” của xã, huyện vì cuộc thi nào cũng có bà, phong trào nào cũng không vắng mặt. Thường xuyên gặp bà tại các cuộc thi như: Hòa giải viên giỏi; Tuyên truyền viên giỏi; Nông dân đua tài và Người cao tuổi gương mẫu... Hiện tại, bà Lan còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 2. Với vai trò của mình bà đã xây dựng mô hình: trồng rau sạch, tổ liên kết chăn nuôi dê sinh sản với 12 thành viên.
Với chiếc xe cà tàng của mình đã theo suốt hành trình 17 năm công tác của bà Lan – nó là người bạn, là đồng đội để cùng bà Lan đến với hội viên, người dân trên địa bàn xã. Nó là những buổi gặp gỡ, động viên, hỗ trợ chị em phụ nữ, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tư vấn sức khỏe sinh sản. Bà Lê Thị Lan chia sẻ về việc làm của mình, chỉ mong cho sức khỏe được kéo dài để có thể tiếp tục hỗ trợ người dân, hội viên của mình. Vẫn mong đâu đó những mảnh đời bất hạnh được tiếp thêm niềm tin và nghị lực trong cuộc sống.
Từ những đóng góp của mình, bà Lan đã nhận nhiều giải thưởng như: Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp về tổng điều tra nông dân, nông nghiệp và thủy sản; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân số của Bộ y tế; Bằng khen của Hội LHPN tỉnh về thành tích Cán bộ Hội giỏi cấp tỉnh; phong trào thi đua yêu nước của Hội Nông dân tỉnh…và hàng trăm giấy khen khác về thành tích xuất sắc trong công tác Hội do UBND huyện Hồng Ngự, Hội LHPN tỉnh, UBND xã trao tặng.
Tinh thần chiến đấu vượt qua nghịch cảnh, lan tỏa câu chuyện đẹp từ chính bản thân mình để các mảnh đời bất hạnh có thể có thêm niềm tin vào cuộc sống đó là điều mà bà Lê Thị Lan đã làm từ nhiều năm qua.
Bình luận (0)